Kịp thời hỗ trợ từ nhiều nguồn
Để hỗ trợ cho người dân, gia đình gặp khó khăn tại Hà Nội, các cấp chính quyền đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Đến trung tuần tháng 9, phường đã 3 lần lập danh sách người được hỗ trợ từ nguồn ngân sách với 511 người; trong đó đã chi trả 391 người đợt 1 và đợt 2. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, phường cũng huy động từ các nguồn xã hội hóa.
Bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) phường Láng Hạ cho biết: Phường huy động sự đóng góp của các tổ chức, các nhà hảo tâm, đảng viên… trên địa bàn được trên 500 triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm như gạo, bánh mì, dầu ăn, trứng, rau xanh… Từ đợt dịch đến nay, phường đã hỗ trợ cho trên 1.000 lượt người, có những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ 5 lần về nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, các tổ dân phố cũng tự huy động nguồn hỗ trợ qua các hội Cựu chiến binh, phụ nữ để hỗ trợ cho các hội viên.
“Ủy ban MTTQ phường cũng vừa rà soát lập danh sách hỗ trợ các trường hợp khó khăn do dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố với số lượng khoảng 1.000 người; trong đó có khoảng 200 sinh viên của 3 khu ký túc xá trên địa bàn và nhiều lao động tự do để đề xuất hỗ trợ theo chủ trương của Ủy ban MTTQ thành phố”, bà Nguyễn Thu Hà cho biết.
Để kịp thời hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, Ủy ban MTTQ phường thông qua kênh rà soát của tổ dân phố, các chi hội đoàn thể. Bên cạnh đó, UBMTQ cũng rà soát qua hệ thống mạng xã hội như một số diễn đàn hoặc ứng dụng zalo connect. Bất cứ phản ánh nào có khó khăn sẽ được phường rà soát và triển khai hỗ trợ lương thực thực phẩm. “Cũng có những trường hợp khi đưa hàng hỗ trợ, một số người cũng phản hồi là "được có thế này thôi à?", chúng tôi phải giải thích, quy định hỗ trợ của MTTQ là linh động hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm”, bà Nguyễn Thu Hà chia sẻ.
Bà Bùi Thị Nhung, hộ cận nghèo trên địa bàn phường Láng Hạ cho biết: "Tôi làm tạp vụ khu ký túc và làm thêm bán hàng ăn trong khu vực. Dịch bệnh, nghỉ làm từ đầu năm đến nay nên thu nhập giảm khá nhiều. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của phường và các đoàn thể nên tôi cũng giảm khó khăn. Ngoài việc được hỗ trợ 1 triệu đồng từ ngân sách theo tiêu chuẩn hộ cận nghèo, tôi còn được một số tổ chức đoàn thể của phường hỗ trợ về nhu yếu phẩm và của các đơn vị tổ chức trên địa bàn như MTTQ quận, phường Ban Chỉ quân sự quận, trường THCS Phan Huy Chú…"
Trong khi đó, bà Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng cho biết: Huyện cũng huy động từ các nguồn lực hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tính đến ngày 13/9, MTTQ quận đã tiếp nhận ủng hộ Quỹ phòng chống dịch hơn 1,7 tỷ đồng và vật dụng y tế: 2.000 bộ quần áo phòng, chống dịch; 3.200 kính chắn giọt bắn; 32.500 khẩu trang, 100 lọ dung dịch sát khuẩn loại 100 ml… Về nhu yếu phẩm, có: 5.000 kg gạo; 96 chai dầu ăn, 20 thùng sữa, rau, củ, quả các loại 5.000 kg. Còn MTTQ các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp nhận ủng hộ tiền mặt hơn 378 triệu đồng và bằng hàng hóa, vật tư y tế hơn 1,5 tỷ đồng.
“Từ nguồn vận động, ủng hộ, MTTQ huyện và các xã, thị trấn đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 17 hộ khu vực phong tỏa tại xã Đồng Tháp, các hộ có khó khăn ở 12 xã, thị trấn, tặng quà hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật tư y tế; hỗ trợ 4 nhóm lao động gồm 125 lao động ở nơi khác về địa bàn làm thợ xây đang còn mắc kẹt tại các công trình; hỗ trợ 3.224 lượt hộ khó khăn của xã, lao động nơi khác tạm trú còn mắc kẹt trên địa bàn với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng…” bà Oanh cho biết.
Có thể thấy việc hỗ trợ các trường hợp khó khăn trên địa bàn khá linh động kịp thời. Với những cá nhân và hộ kinh doanh đáp ứng đủ tiêu chuẩn hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của Hà Nội, các trường hợp khó khăn được hỗ trợ từ các nhiều nguồn từ xã hội hóa. Ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy phường Láng Hạ cho biết: "Ở cấp cơ sở như phường chúng tôi, luôn có kho dự trữ hàng hóa gạo, mỳ… Bất cứ có thông tin nào từ tổ, chi bộ báo cáo có người lao động hay gia đình gặp khó khăn là xác minh và cấp hỗ trợ với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh đó, khi có tổ chức từ thiện muốn trao quà theo địa chỉ mà họ biết, chúng tôi đều tạo điều kiện cung cấp thông tin và yêu cầu khi phát quà phải đảm bảo an toàn phòng dịch, trật tự".
Tuy nhiên, tình hình dịch kéo dài và Hà Nội thực hiện giãn cách từ 24/7 đến nay nên nhiều hộ gặp khó khăn do nguồn lực tích trữ đã cạn. Do đó, để hỗ trợ, về phía MTTQ Hà Nội đã có công văn gửi MTTQ các quận huyện rà soát, lập danh sách hỗ trợ các trường hợp khó khăn do dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thành phố.
Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động bị dừng việc làm, mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 17, chỉ thị số 20 của Hà Nội, đang gặp khó khăn nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo các quyết định, nghị quyết của thành phố. Những người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa làm đăng ký tạm trú có nhu cầu, nguyện vọng cũng được xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn cũng thuộc đối tượng được rà soát. Để nhận hỗ trợ, những cá nhân thuộc các trường hợp trên làm đơn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã thông qua ban công tác Mặt trận, tổ dân phố nơi đang cư trú, tạm trú.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội cho biết: Đến cuối ngày 14/9 mới có một số địa phương gửi báo cáo, trong đó có quận Hai Bà Trưng 9.000 người; huyện Quốc Oai 549, huyện Ứng Hòa 2.000 người… Do đó, Ủy ban MTTQ thành phố vẫn tiếp nhận danh sách trong ngày 15/9. Tuy nhiên số liệu vẫn đang được các quận huyện đối soát, tránh trùng lắp với những nhóm đối tượng đã hưởng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của Thành phố. Theo đó, các mỗi trường hợp đủ điều kiện sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ 500.000 đồng. Kinh phí trích từ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.
“Từ khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, Ủy ban MTTQ Hà Nội đã hỗ trợ hơn 366.000 suất quà, nhu yếu phẩm… trị giá hơn 107 tỷ đồng. Thông qua đường dây nóng, bất kỳ yêu cầu hỗ trợ nào được gửi tới đều được MTTQ các cấp xác minh và hỗ trợ với mục tiêu không để ai bị đứt bữa”, ông Nguyễn Sỹ Trường chia sẻ.
Sự tham gia của các nhóm thiện nguyện
Cùng với các nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, thì sự tham gia của các nhóm thiện nguyện có vai trò rất lớn trong việc giúp đỡ những người khó khăn. Trên các diễn đàn có nhiều nhóm thiện nguyện đã kêu gọi hoặc kết nối trực tiếp để các nhà hảo tâm hỗ trợ như diễn đàn “Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch”; “Mùa thu và những người bạn”, nhóm “Cho là Nhận”….
Rất nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện đã kêu gọi ủng hộ đồng bào vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn. Đây là nghĩa cử rất cao đẹp, mang tính nhân văn nhưng cách làm còn chưa đồng đều hiệu quả.
Câu chuyện về một nhóm thiện nguyện phát quà từ thiện tại số 166 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội vào ngày 17/8 đã xảy ra hiện tượng một số người dân chửi bới, tranh giành suất quà không đảm bảo giãn cách, phòng dịch từng khiến dư luận rất hoang mang.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, bà Hoàng Hoài Loan, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa đã yêu cầu dừng hoạt động phát quà, giải tán đám đông; đồng thời tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các thành viên của nhóm thiện nguyện...“Việc nhóm thiện nguyện phát quà tự phát, không liên hệ trước với địa phương dẫn đến tình trạng nhiều người tập trung nhận quà, không đảm bảo giãn cách. Nhiều người đến nhận quà cũng không phải thực sự khó khăn mà là người đi đường thấy có phát quà nên vào nhận”, bà Hoàng Hoài Lan cho biết.
Ngay khi lập Nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch”, anh Nguyễn Phan Huy Khôi, một trong những người sáng lập đã có những nội quy, tiêu chí hoạt động rất rõ ràng. “Nhóm có sự khác biệt một chút so với nhiều nhóm hỗ trợ được lập trên mạng xã hội là Group hoạt động với phương thức phối hợp chặt chẽ với địa phương, đặc biệt Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ… để có đầy đủ thông tin cơ sở rà soát các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, từ đó kết nối với nhà hảo tâm và nhờ địa phương chuyển hỗ trợ thực phẩm tới bà con. Nhóm không khuyến khích các nhà hảo tâm từ thiện một cách tự phát, đi phát quà hay nhu yếu phẩm trực tiếp để đảm bảo quy định phòng dịch bệnh COVID-19”, anh Nguyễn Phan Huy Khôi cho biết.
Tuy nhiên cũng có thời điểm, trên diễn đàn của Nhóm “Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch" đã phải đăng công khai danh sách nick ảo, Facebook mạo danh lợi dụng lòng tin. “Những thông tin này do chính những nhà hảo tâm gửi tới Ban điều hành của nhóm. Không thể để ‘con sâu làm rầu nồi canh’ và không để những nhà hảo tâm trao nhầm quà. Ở ngoài kia còn biết bao hoàn cảnh cần đến sự chung tay của các nhà hảo tâm, mong rằng những điều này không làm nguội đi tấm lòng nhân ái”, tài khoản Anh Lê Huyền viết.
Theo chị Thành Thị Thu Lương (sinh năm 1976), Trưởng Nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn”, nhiều người làm từ thiện hiện cũng theo trào lưu. Việc lấy thông tin trên mạng, thiếu kiểm chứng để hỗ trợ sẽ dẫn đến nhiều trường hợp lợi dụng, trong khi đó những người cần thực sự lại chưa nhận được sự quan tâm. “Chúng tôi thường phối hợp với chính quyền địa phương lên danh sách các hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó, một số trường hợp do chính thành viên nhóm tìm hiểu. Vì vậy, khi trao quà tận tay, đúng đối tượng, họ đều rất trân trọng”, chị Thu Lương cho biết.
“Nhóm 'Cho là Nhận' thời gian qua cũng phối hợp với rất nhiều phường ở Hà Nội như: Tân Mai, Tương Mai, Giáp Bát, Trương Định, Đồng Tâm, Thịnh Liệt…; phối hợp Mặt trận Tổ quốc để trao quà cho những người lao động nghèo, hộ gia đình khó khăn. Thông qua chính quyền, Nhóm sẽ có được danh sách người lao động khó khăn, sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội trong mùa dịch. Từ đó, Nhóm sẽ cử 1 thành viên phối hợp với UBND phường triển khai, phường sẽ hỗ trợ phương tiện, nhân sự để trao quà đúng đối tượng, đảm bảo an toàn trong di chuyển cũng như phòng dịch”, chị Thanh Hà, thành viên Ban điều hành nhóm "Cho là Nhận" cho biết.
Theo chị Thanh Hà, khi triển khai, Nhóm “Cho là Nhận” cũng gặp nhiều trường hợp nhắn tin xin hỗ trợ nhưng thông tin để lại không trung thực. Dù vừa nhận giúp đỡ của nhóm này lại tiếp tục xin các nhóm thiện nguyện khác. “Cũng có trường hợp, cá nhân nhà hảo tâm tự liên hệ riêng để giúp đỡ người khó khăn, không chia sẻ thông tin công khai nên xảy ra tình trạng, người được hỗ trợ nhiều lần, người chưa được giúp lần nào. Hoặc có đội thợ, qua thông tin xác minh của công an tại địa bàn, chủ thầu vẫn nuôi cơm nhưng họ vẫn than trên mạng là bị đói”, chị Thanh Hà cho biết.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết: "Chúng tôi có đường dây nóng và fanpage để tiếp nhận thông tin hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Đúng là khi đi thực tế có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp từ nhiều nguồn vì không có thu nhập nhưng cũng có trường hợp không quá mức khó khăn, gọi xin hỗ trợ cấp phường được rồi, thấy vậy lại gọi tiếp xin hỗ trợ ở cấp quận huyện và thành phố. Do vậy, để hỗ trợ đúng đối tượng, chúng tôi cũng rà soát thông tin, đối chiếu để việc hỗ trợ được hợp lý, đúng đối tượng".