“Khu chị ở, đã mấy chục hộ dân có ca mắc rồi, toà nhà phong toả, chị bị cô lập rồi em ơi, nhưng vẫn cố gắng “chiến đấu” tại chỗ được”, nghe giọng phóng viên Đan Phương (báo Tin tức) hối hả trao đổi nhanh qua điện thoại, tôi thấy nhói lòng, càng lo lắng hơn cho đồng nghiệp đang ở tâm dịch nóng nhất- TP Hồ Chí Minh.

Chuẩn bị kỹ những đồ bảo hộ cho mình, những phóng viên của báo Tin tức luôn sẵn sàng lao vào các điểm nóng dịch COVID-19.

 

Gần 2 năm nay, dịch COVID-19 làm đảo lộn tất cả cuộc sống cũng như công việc của các phóng viên nói chung và đội ngũ cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nói riêng, nhưng sự đảo lộn ấy lại đã thành “nếp”. Quen với tác nghiệp trong dịch bệnh, quen với áp lực lực thông tin bất kể ngày, đêm; quen với những khó khăn, nguy hiểm…, và hơn hết, ở những người “lính thông tấn”, nhiệt huyết chiến đấu vẫn y như những ngày đầu, luôn xả thân để đảm bảo dòng tin thông suốt.

Từ những ngày dịch COVID bắt đầu xuất hiện, đến những đợt dịch lan rộng tại các địa phương; nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát rất mạnh với tốc độ lây nhiễm khủng khiếp; điểm nóng nào cũng có dấu chân “lính thông tấn” với những bản tin, phóng sự, chùm ảnh phản ánh chân thực nhất những ngày cả đất nước căng mình chiến đấu với dịch bệnh.

Trong đợt dịch thứ 4, tại chiến trường nóng bỏng nhất TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các phóng viên TTXVN đã và đang cống hiến hết mình. Giữa giãn cách xã hội cùng nguy cơ lây nhiễm bủa vây, những dòng tin nóng hổi vẫn chảy đều, không đề đứt đoạn.

Ngày 18/5, sau nhiều tháng không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào cuộc chiến mới khi ghi nhận trường hợp dương tính với SARS- CoV-2 tại một chung cư ở thành phố Thủ Đức. Cũng kể từ đó, các phóng viên đã phải bật chế độ sẵn sàng “chạy” bất kể giờ giấc để kịp thời đưa những thông tin nhanh, chính xác nhất về công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Kể từ thời điểm đó, chúng tôi không được phép rời điện thoại và máy tính, thông tin phải được cập nhật liên tục và phải thật nhanh, bởi chỉ cần “chậm một nhịp” thì những thông tin đó không còn phù hợp với thời điểm hiện tại”, phóng viên Đan Phương vẫn còn hồi hộp.

Những ngày sau đó, TP Hồ Chí Minh bắt đầu nóng dần lên khi xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng với các khu vực bị phong tỏa. Nhất là từ khi TP Hồ Chí Minh ghi nhận liên tiếp các trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện qua khám sàng lọc tại một bệnh viện, đây là những ca chỉ điểm đầu tiên của chuỗi lây nhiễm tại quận Gò Vấp, bắt đầu phát sinh chuỗi lây nhiễm phức tạp nhất tại Thành phố với hàng trăm ca mắc.

Phóng viên Đan Phương cùng các đồng nghiệp bắt đầu vào trận chiến mới, có những đêm phải thức đến 1- 2 giờ sáng để chờ thông tin chính thức từ ngành y tế; rồi chưa kịp chợp mắt, 6 giờ sáng đã lại tiếp tục cập nhật thông tin trong ngày mới, chạy đi ghi nhận hiện trường…

“Có những lần tôi phải bám sát hiện trường phong tỏa là nơi sinh hoạt của các ca bệnh; không biết địa chỉ nên tôi phải xin đi theo nhân viên y tế quận Gò Vấp, chạy xe sau đoàn của nhân viên y tế, cố gắng không để bị “cắt đuôi”. Thời điểm này, lượng thông tin đổ về liên tục với nhiều điểm phong tỏa từ các hộ gia đình, các công ty, siêu thị cho đến bệnh viện ... cần phải xác minh cùng với những thông tin chỉ đạo mới nhất của Thành phố. Có những ngày tạm xong việc, về đến nhà đã 10 giờ đêm, tôi mới nhớ ra bụng mình trống rỗng, chưa kịp ăn tối”.

Tập quen với nhiều phương thức tác nghiệp mới, người phóng viên sẵn sàng dấn thân, xông pha nơi tuyến đầu.

 

Dịch bệnh mỗi lúc một phức tạp khi TP Hồ Chí Minh ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, công việc của các phóng viên làm thông tin về dịch bệnh càng nặng thêm nữa. Lăn xả giữa tâm dịch, họ còn có nguy cơ đối mặt với nguồn lây nhiễm bất cứ lúc nào. Với các phóng viên Mạnh Linh, Hoàng Tuyết (báo Tin tức), những lần đi làm về các F0 đã thành “quen”; thậm chí cũng đã từng nhiều lần “hú vía” vì F0 ở ngay trước mặt mà không biết.

“Có lần tôi theo chân đội ngũ cán bộ cơ sở đi chăm lo an sinh cho người dân trong các vùng cách ly, phong tỏa. Sau buổi theo đoàn làm việc, tối về tôi bỗng giật mình khi nhận tin nhắn của cán bộ cơ sở thông báo, họ vừa test có kết quả dương tính. Vì tiếp xúc trực tiếp với F0, tôi lại bắt đầu những ngày tháng tạm cách ly. Rất may là đã có kinh nghiệm đi làm thông tin dịch bệnh, có các trang bị bảo hộ trước đó nên tôi bớt được phần nào lo lắng và thời gian cách ly đã ngắn hơn. Chỉ 3 - 5 ngày cách ly và được xét nghiệm cho kết quả âm tính, tôi đã có thể tạm yên tâm để nhanh chóng trở lại với công việc”, phóng viên Hoàng Tuyết chia sẻ.

Không ngại ngần đi vào các “vùng đỏ” hay đến tận nhà các F0 làm thông tin, phóng viên Mạnh Linh đôi khi cũng phải “nín thở”, vượt lên nỗi sợ hãi để có được những hình ảnh “đắt” giữa tâm dịch.

Với anh, có đến tận nơi mới biết, mới hiểu và mới có thông tin chân thực. Những lần theo lực lượng quân y đi khám bệnh cho F0 điều trị tại nhà, anh đều phải chuẩn bị rất kỹ đồ bảo hộ, khẩu trang; cố gắng tác nghiệp nhanh, chính xác nhất có thể.

 

Phóng viên Mạnh Linh tâm sự: “Trong quá trình chụp ảnh làm phóng sự, đã đi hết công đoạn từ trạm y tế lưu động đến nhà F0 mà không vào tận nơi chụp được cảnh khám cho F0 thì bài sẽ thiếu sinh động, không thể nói lên được những chi tiết điểm nhấn trong hành trình làm việc của lực lượng quân y. Cân nhắc về hiệu quả thông tin, nên tôi quyết tâm phòng bị thật cẩn thận để có thể tác nghiệp trong môi trường nguy hiểm. Có lần, đoàn đi khám cho bà cụ già yếu, mắc COVID-19, sốt cao 40 độ đã mấy ngày, được người nhà gọi điện cầu cứu. Khi đến nơi, các bác sĩ vào khám cho bệnh nhân, đo Sp02 trong máu, còn tôi cũng phải vào tận nơi để chụp ảnh. Căn nhà của bệnh nhân rất ngột ngạt, không gian hẹp nên tôi xác định phải tác nghiệp thật nhanh để tránh lây nhiễm. Thậm chí, tôi phải căn thời gian, nhanh tới mức chưa đầy 30 giây đã có hình ngay để đi ra ngoài. Hay có những gia đình khi đến thăm khám cho người bệnh, bệnh nhân nằm ở tầng 2, chúng tôi bắt buộc phải vào nhà, phải tiếp cận. Dù đã mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang nhưng tôi vẫn phải hết sức cẩn thận, cố gắng làm sao để vẫn đảm bảo khoảng cách và vẫn tác nghiệp được. Phải luôn ý thức bảo vệ mình, bảo vệ đồng nghiệp để chiến đấu lâu dài”.

Mặc bộ đồ bảo hộ đã nóng, cộng với tâm lý căng thẳng khi tiếp xúc với F0 cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao tới mức người phóng viên ướt đầm đìa mồ hôi… Càng vất vả, họ càng thấu hiểu và cảm thông với sự nhọc nhằn của đội ngũ chống dịch tuyến đầu.

 “Chúng tôi cũng lo sợ lắm chứ, nhưng công việc là vậy, mình phải làm, phải dấn thân thì mới có những thông tin chân thực nhất tới độc giả, cảnh báo tới người dân. Từ đầu mùa dịch đến nay, không biết đã bao nhiêu lần tôi trở thành F1, may mắn đều không sao, nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan. Hai năm “chinh chiến” làm dịch bệnh, kinh nghiệm của tôi là luôn luôn cảnh giác với dịch, cố gắng đảm bảo trang bị bảo hộ tốt nhất khi tác nghiệp và chú trọng việc khử khuẩn cả người và dụng cụ, máy móc từ khi ở nơi tác nghiệp đến khi về nhà, không được chủ quan dù chỉ một bước. Sau mỗi buổi tác nghiệp, tới nhà, việc đầu tiên của tôi là tắm, súc miệng, họng để phòng bệnh hàng ngày, cố gắng có thể an toàn tác nghiệp trong mùa dịch”, phóng viên Hoàng Tuyết chia sẻ.

Những hình ảnh thời sự sau hành trình “Theo chân các chiến sĩ quân y khám bệnh cho F0 tại nhà ở TP Hồ Chí Minh” của phóng viên báo Tin tức Mạnh Linh và Hoàng Tuyết gây ấn tượng mạnh.

 

Nhờ sự dấn thân của đội ngũ phóng viên, dòng sự kiện “Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4” của báo Tin tức luôn nóng hổi những dòng tin được cập nhật liên tục từ các điểm nóng dịch, nhất là tại TP Hồ Chí Minh.  Những chùm ảnh chân thực, cận cảnh về các F0 điều trị tại nhà, những buổi thăm hỏi, chia sẻ với bà con vùng dịch, tâm tư, tình cảm của người dân trong tâm dịch… luôn đầy đặn trên trang báo. 

Nhiều chùm bài của các phóng viên Hoàng Tuyết, Mạnh Linh, Đan Phương cùng đồng nghiệp đã gây ấn tượng, xúc động với độc giả như: Chùm bài về sự hy sinh thầm lặng của cán bộ cơ sở TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống COVID-19, viết về những cán bộ phường, quận, Mặt trận … căng hết mình để giúp dân trong mùa dịch; chùm bài về những chiến sỹ áo trắng kiên cường chống dịch COVID-19 viết về những tấm gương là các bác sỹ xông pha nơi tuyến đầu, giành giật sự sống cho bệnh nhân…; chùm tin, ảnh “Dấu ấn anh bộ đội Cụ Hồ giúp dân mùa dịch tại TP Hồ Chí Minh” ...  Các tác phẩm chân thực,  được thực hiện bởi ngòi bút, góc máy của những phóng viên dấn thân, xông pha nơi tuyến đầu.

Cùng với TP Hồ Chí Minh, “lính thông tấn” ở các tỉnh phía Nam cũng đang căng mình trong cuộc chiến với dịch bệnh, nhất là các tỉnh điểm nóng như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Mỗi phóng viên nằm vùng đã trở thành những chiến sĩ thực sự với sự quả cảm, say nghề và dấn thân.

Ở địa bàn đứng top đầu cả nước về số ca mắc mới SARS-CoV-2 mỗi ngày, trong muôn vàn khó khăn, nguy cơ lây nhiễm thường trực, phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Đồng Nai luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thông tin, sáng tạo khi tác nghiệp.

 

Với phóng viên Lê Thị Xuân, Cơ quan thường trú TTXVN tại Đồng Nai, đợt dịch thứ 4 bùng phát đúng vào những tháng cuối thai kỳ khiến việc tác nghiệp lại càng trở nên khó khăn hơn. Dù cũng có lúc mệt nhọc, yếu mềm nhưng với trách nhiệm, không ngại gian khó, phóng viên Lê Thị Xuân vẫn bám chắc "trận địa".

“Có dấn thân vào thực tế mới có những tin bài mang hơi thở cuộc sống. Khi tôi có mặt tại các khu cách ly, tôi mới thực sự hiểu những khó khăn của mình chưa thấm tháp gì so với những hy sinh, vất vả của các thầy thuốc nơi tuyến đầu; sự cô đơn, lo sợ của các bệnh nhân F0 khi đang phải điều trị, đặc biệt là những em nhỏ phải xa gia đình, xa cha mẹ. Tác nghiệp ở những nơi nguy cơ, phóng viên ít nhiều cũng có tâm lý lo sợ bị lây nhiễm. Vì thế, tôi luôn chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, tự trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa yên tâm tập trung vào công việc”, phóng viên Lê Thị Xuân chia sẻ.

Gạt nỗi lo sang một bên, đã nhiều tháng nay phải vừa đối mặt với dịch bệnh như một người dân bình thường ở tâm dịch Bình Dương- nơi chỉ sau TP Hồ Chí Minh về số ca nhiễm, lại vừa phải đảm bảo sản phẩm thông tin, các phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Dương đã có những ngày tháng cháy hết mình.

Phóng viên TTXVN có mặt tại mọi điểm nóng dịch COVID-19.

 

Là phóng viên có nhiều kinh nghiệm làm tin thời sự, lăn lộn ở các điểm nóng dịch bệnh, nhà báo Dương Chí Tưởng, Cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Dương chia sẻ: “Có lần, tôi và anh Văn Hướng đi tác nghiệp tại một chốt giao thông. Vài ngày sau, chúng tôi nhận được thông báo tại đó có ca nhiễm COVID-19. Thật may mắn là những người mà chúng tôi phỏng vấn đều không bị nhiễm bệnh. Chúng tôi chỉ là F2 và không phải cách ly tập trung. Hoàn cảnh tác nghiệp trong dịch bệnh đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn cả về kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp, từ việc liên hệ phỏng vấn, liên hệ nhân vật, tìm hiểu và kiểm chứng thông tin đến việc tự bảo vệ, phòng ngừa dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân”.

Những lần “hốt hoảng” ấy lại cho các phóng viên thêm những kinh nghiệm tác nghiệp, nhất là khi làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao. Để đảm bảo thông tin trên một địa bàn rộng, có rất nhiều khu công nghiệp, với những địa bàn tiếp giáp TP Hồ Chí Minh dễ khiến dịch bệnh lây lan như Bình Dương, anh em phóng viên đã phải thay đổi phương thức tác nghiệp và công tác tổ chức thông tin.

 

Theo đó, dịch bệnh đã và đang thay đổi tất cả các quy trình sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân. Phương thức tác nghiệp của phóng viên cũng cần nhạy bén thay đổi theo. Nếu trước kia đã bám sát địa bàn thì trong dịch bệnh phải làm tốt hơn nữa. Trước kia viết một bài báo phải cần vài ngày tìm hiểu, điều tra thì bây giờ, thông tin phải cập nhập liên tục từng giờ… Bên cạnh nhiệm vụ làm thông tin còn phải đảm bảo tự an toàn cho bản thân và đồng nghiệp, gia đình.

Với tiêu chí phóng viên “3 trong 1”, sản phẩm của một chuyến tác nghiệp với phóng viên thường trú phải đáp ứng cả ba loại hình thông tin: Tin văn bản, ảnh và truyền hình. Việc vừa phải thực hiện ba loại hình vừa phải đảm bảo an toàn cho bản thân, không để bị lây nhiễm dịch bệnh là một trong những thách thức lớn với phóng viên.

Theo phóng viên Lê Thị Xuân, việc tác nghiệp trong khó khăn của dịch COVID-19 cũng chính là cơ hội để phóng viên đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp. Nếu như trước đây, phóng viên phải có mặt tại hiện trường, trực tiếp gặp gỡ nhân vật để khai thác thông tin, thì nay, thì hiện nay, trong dịch bệnh phải hạn chế đi lại và tiếp xúc, phóng viên đã sử dụng nhiều hơn phương pháp phỏng vấn qua điện thoại, sử dụng công nghệ thông tin để tiếp cận nhân vật, nguồn tin tốt hơn.

“Ai cũng tâm niệm mình phải có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất để chuyển về cơ quan, góp phần thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh, sản xuất và đời sống của nhân dân trên một địa bàn đang bị xáo trộn mạnh mẽ vì dịch bệnh. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả nguy cơ va vào F1, F0, các phóng viên thường trú vẫn quyết tâm không bỏ lọt thông tin quan trọng. Chúng tôi tự hào về từng bản tin, bức ảnh hay phóng sự truyền hình thực hiện được trong gian khó của dịch bệnh, qua đó góp một phần nhỏ bé để công chúng cả nước thấy được những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương đang cùng cả nước khống chế đại dịch”, phóng viên Nguyễn Huyền Trang, Cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Dương chia sẻ.

 

 

 

Trong tổ chức hoạt động thông tin của “binh chủng” thông tin TTXVN, bên cạnh “mũi” chủ lực là các phóng viên tuyến đầu xông pha; để dòng tin thông suốt còn có sự phối hợp nhịp nhàng của “mũi” phía sau hỗ trợ đắc lực; từ công tác kỹ thuật, in ấn, đến tổ lái xe… đều góp phần không nhỏ để những tin bài, sự kiện được truyền tải kịp thời, nhanh chóng nhất.

Trong những ngày làm thông tin dịch bệnh, luôn đi cùng đội ngũ phóng viên tại các điểm nóng dịch là các lái xe của Tổ xe Cơ quan TTXVN. Trong đợt dịch thứ 4, Tổ xe Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam đã tổ chức hàng trăm chuyến xe an toàn, đưa các phóng viên đi tác nghiệp tại các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến, khu cách ly… Vai trò ấy lại càng đặc biệt hơn trong thời gian giãn cách xã hội. Bất kể ngày hay đêm, cứ nhận nhiệm vụ là anh em lái xe lại hăng hái lên đường, sẵn sàng cùng phóng viên đến bất cứ đâu.

Các thành viên tổ xe ơ quan TTXVN khu vực phía Nam luôn trong tư thế sẵn sàng.

 

Ngay từ cuối tháng 5/2021, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị thị 15 của Thủ tướng chính phủ, Tổ xe đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bố trí lái xe trực theo ca để đáp ứng trong trường hợp các phương tiện di chuyển sẽ được cơ quan huy động tối đa để phục vụ hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Khâu giấy tờ, thủ tục cũng được giảm tối đa, chỉ cần gọi điện thoại là Tổ xe sắp xếp xe đi ngay, mọi thủ tục sẽ hoàn tất sau; đảm bảo phóng viên đi tác nghiệp được nhanh nhất trong dịch bệnh.

Anh Phan Võ Hồng Khanh, một thành viện thuộc Tổ xe Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, người từng có nhiều chuyến đi đến các vùng dịch, chia sẻ: “Anh em phóng viên phải tới tận nơi, tiếp xúc nhiều người, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn mà vẫn lăn xả vào các điểm nóng thì tôi cũng như các anh em lái xe khác sao phải nề hà”.

 

Cũng bởi phục vụ các chuyến tác nghiệp đặc biệt đó, mà trên những chuyến đồng hành cùng phóng viên làm thông tin dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an toàn trong mỗi chuyến đi cũng luôn là ưu tiên hàng đầu của Tổ xe. Các phóng viên có nguy cơ lây nhiễm rất cao vì các địa điểm như: Bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa… đều có thể tiếp xúc với các F1, F0. Trong khi đó, ekip tác nghiệp đều ngồi chung trong một không gian nhỏ hẹp của chiếc xe ô tô; trong điều kiện đó, việc lây nhiễm sẽ rất khó tránh nếu chẳng may phóng viên mang virus. Bởi vậy, mỗi lái xe cũng như phóng viên đều hiểu và cố gắng thực hành tốt các quy định phòng dịch. Trong mỗi xe đều chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ như: Khẩu trang, nước sát khuẩn để vệ sinh xe. Nếu điểm đến là các vùng dịch nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao, các thành viên của Tổ xe sẽ mặc bảo hộ đầy đủ, đeo kính chắn giọt bắn; về đến cơ quan là rửa xe, đảm bảo an toàn và vệ sinh cho phương tiện để phục vụ các chuyến tiếp theo.

Sự đồng hành thầm lặng, bản lĩnh và trách nhiệm của những lái xe trên những hành trình gian khó đến các điểm nóng của dịch bệnh, mỗi chuyến xe an toàn là góp phần  vào việc đưa những tác phẩm thông tin tới công chúng kịp thời.

Cũng mang nhiệm vụ thầm lặng trong dòng chảy thông tin về dịch COVID-19, ngay giữa tâm dịch, công ty TNHH MTV ITAXA vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Những ấn phẩm của TTXVN vẫn đều đặn đến với bạn đọc, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin khu vực các tỉnh phía Nam.

Ngay từ khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, Công ty đã có kế hoạch bảo đảm an toàn, duy trì sản xuất để phục vụ in ấn các sản phẩm của ngành, phục vụ công tác tuyên truyền và đáp ứng các đơn hàng cấp thiết đã ký hợp đồng.

Giữa đại dịch, các máy in vẫn đều đặn hoạt động, những người công nhân vẫn hăng say lao động, thực hiện nghiêm túc quy định 5K.

 

Thực hiện công văn của UBND TP Hồ Chí Minh về hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội, với phương châm “3 tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; từ ngày 15/7, các công nhân đã được bố trí làm việc, ăn, nghỉ ngay tại công ty; các bộ phận, phân xưởng sản xuất, lịch hoạt động của từng máy in đã được tính toán khoa học để vừa đảm bảo sản xuất hiệu quả vừa đảm bảo giãn cách, thực hiện nghiêm túc quy định 5K, hạn chế tối đa người lao động trong một ca làm việc.

Chánh văn phòng Công ty ITAXA Nguyễn Đình Thiện cho biết: “Công ty đã hạn chế tối đa người đến làm việc, chỉ có 30 người được chọn lựa trong số những người tự nguyện đăng ký, rải đều cho các bộ phận. Người lao động được phân ca hợp lý, chăm sóc ăn uống, nghỉ ngơi, đảm bảo tốt nhất trong điều kiện có thể theo quy định của Bộ Y tế”.

Nhờ đó, công tác in ấn, phát hành vẫn được đảm bảo giữa tâm dịch, cho đến nay các hoạt động này vẫn thông suốt, không hề đứt đoạn.

 

“Trong khó khăn, giãn cách, người dân rất cần thông tin chính thống để vững tin chống dịch. Chính những công nhân công ty TNHH MTV ITAXA đang miệt mài bên những chiếc máy in đã góp phần đưa những tờ báo, ấn phẩm mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương đến với nhân dân và ngược lại, góp phần động viên mọi người cùng chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh”, ông Nguyễn Châu Phúc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV ITAXA chia sẻ.

Thầm lặng nhưng đóng vai trò không thể thiếu, các lực lượng kỹ thuật viên, in ấn, lái xe… vẫn ngày đêm âm thầm chiến đấu trong dịch COVID-19. Nhờ đó, giãn cách nhưng không gián đoạn, cùng với lực lượng sản xuất thông tin nòng cốt, những người “lính thông tấn” luôn nỗ lực để nguồn tin của TTXVN luôn nhanh chóng, chính xác, tin cậy; giữ vững truyền thống xung kích, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hoá.

 

 

Để dòng chảy thông tin được xuyên suốt, kịp thời, dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, các lực lượng đã cùng nỗ lực để xây dựng nên “pháo đài” chống dịch vững mạnh.

Về hoạt động tổ chức thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang đã từng nhận định: “Có thể nói, đây là một trong những chiến dịch thông tin được Thông tấn xã Việt Nam triển khai một cách bài bản, điều chỉnh kịp thời theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh, từng đợt thay đổi trạng thái của công tác phòng chống dịch… Để triển khai tuyến thông tin về phòng, chống COVID-19, Thông tấn xã Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực, phát huy thế mạnh của cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực quốc gia. Ngay khi dịch bệnh bùng phát từ đầu năm 2020, Thông tấn xã Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-TTX về thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến các đơn vị trong toàn ngành để triển khai đồng bộ với sự tham gia của các đơn vị thông tin nguồn, các đơn vị báo chí xuất bản cùng hệ thống 63 cơ quan thường trú trong nước và 30 cơ quan thường trú ngoài nước”.

Theo đó, TTXVN đã sớm xây dựng chuyên trang: ncov.vnanet.vn để cập nhật thông tin về dịch bệnh COVID-19 đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước bằng các ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh dưới các loại hình văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa… Các đơn vị trong ngành mở nhiều chuyên mục và dòng sự kiện liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

 

 

“Các phóng viên của TTXVN dù tác nghiệp ở trong hay ngoài nước đều bám sát diễn biến dịch tại địa bàn được phân công để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các đơn vị ở Tổng xã có sự phối hợp chặt chẽ với các nhóm phóng viên ở thực địa để truyền tải thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ; cập nhật toàn diện về công tác phòng chống dịch để người dân trong nước nước hiểu đúng về bản chất của dịch bệnh nhưng cũng không gây hoang mang, lo lắng; làm cầu nối để Chính phủ nắm bắt được những khó khăn của người dân và doanh nghiệp do tác động của dịch; cổ vũ và chia sẻ với những khó khăn của các lực lượng trên tuyến đầu; lan tỏa những tấm gương, sự đóng góp của các nhà khoa học, cộng đồng, doanh nghiệp cho công tác phòng chống dịch và kịp thời phê phán các biểu hiện lệch lạc và phản bác kịp thời với những những thông tin sai trái. Bên cạnh đó, TTXVN cũng thông tin về chiến lược chống dịch của các quốc gia, các tiến bộ về y học và công nghệ, phân tích những bài học kinh  nghiệm của các nước để các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thể tham chiếu khi đưa ra các quyết sách trong phòng, chống dịch”, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho biết.

Để đảm bảo duy trì sản xuất các chuyên mục, phát trên sóng VNews không bị gián đoạn, vỡ kế hoạch; đồng thời bảo vệ an toàn khu vực vùng lõi, an toàn sóng thông tin, lần đầu tiên, Trung tâm Truyền hình Thông tấn thành lập một trường quay dã chiến, ngay tại sảnh tầng 1 của tòa nhà 33 Lê Thánh Tông với đầy đủ máy móc, nhân lực, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác ghi hình các chuyên mục, phỏng vấn, talk khách mời.

 

Trong cuộc chiến chống COVID-19, để xây dựng pháo đài chống dịch, ngoài nhiệm vụ đảm bảo thông tin được thông suốt, việc đảm bảo cho trụ sở an toàn, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động an toàn cũng là chủ trương hàng đầu của TTXVN.

Theo bà Bùi Thị Hòa, Phó chánh Văn phòng Thông tấn xã Việt Nam, tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, với những bài học kinh nghiệm rút ra từ 3 đợt bùng phát dịch trước đó, Văn phòng TTXVN đã kích hoạt các phương án và biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất, đồng thời bổ sung thêm các kế hoạch mới để ứng phó với tình hình thực tế dịch bệnh ngày càng phức tạp và nguy hiểm.

Đồng lòng thực hiện nghiêm túc nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, mỗi thành viên của TTXVN đều quyết tâm giữ "vùng xanh".

 

Cụ thể, các biện pháp chống dịch truyền thống được thực hiện ở mức độ quyết liệt hơn, triệt để hơn như: Thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế tại các trụ sở làm việc; đo thân nhiệt (nếu trên 37,5 độ thì mời về hoặc yêu cầu kiểm tra y tế) và kiểm tra việc tuân thủ các quy định giãn cách khi tổ chức các hoạt động, hội họp tập trung đông người, bố trí thêm các điểm cầu họp trực tuyến; đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng tại các trụ sở, thường xuyên lau khử khuẩn thang máy, cầu thang bộ, khu vệ sinh, các bề mặt ở khu vực công cộng (4 lần/ngày), thực hiện lau sàn khử khuẩn toàn bộ tòa nhà vào ngày nghỉ cuối tuần.

 

Bên cạnh đó, các biện pháp mới cũng được triển khai như: Thực hiện quét QR code để giám sát lịch trình di chuyển. Chìa khóa các phòng làm việc và vé trông giữ xe máy, ô tô được bộ phận bảo vệ khử khuẩn hằng ngày ngay sau giờ làm việc. Nhân viên phục vụ tại bếp ăn và khu căng tin được trang bị đầy đủ bảo hộ phòng, chống dịch và được xét nghiệm nhanh COVID-19 hằng tuần. Những người giao hàng, lương thực thực phẩm và dịch vụ khác không được phép vào trụ sở làm việc. Việc giao nhận hàng hóa phải được thực hiện đúng nơi quy định tại cửa tầng hầm 1 và tuân thủ việc khử khuẩn, đầy đủ bao bì. Đối với lái xe, khi đi tác nghiệp, đặc biệt là đến vùng dịch, phải trang bị bảo hộ đầy đủ; khi về phải lau rửa và khử khuẩn toàn bộ xe, thực hiện khai báo y tế, cách ly tại nhà (nếu có yêu cầu) và thông báo với chính quyền và cơ sở y tế địa phương theo quy định…

Triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ phóng viên TTXVN.

 

TTXVN cũng giao Văn phòng, Cơ quan khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Cơ quan khu vực phía Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn, Công ty TNHH MTV In-Thương mại, Công ty TNHH MTV ITAXA có trách nhiệm xây dựng kịch bản ứng phó khi có các ca F0, F1 theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị phương tiện, vật tư y tế, thuốc men, thực phẩm thiết yếu, phương thức xử lý rác thải... cho những người đang làm việc tại trụ sở để đảm bảo duy trì hoạt động thông tin trong mọi tình huống. 

 

TTXVN cũng đã xây dựng và triển khai các phương án xử lý trong những tình huống xấu có thể xảy ra như: Trụ sở làm việc bị phong tỏa, có người bị ho sốt, phát hiện F1, F0 ở nơi làm việc; xây dựng phương án “ba tại chỗ”…

“Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng được đặc biệt quan tâm; Văn phòng TTXVN đã và đang tích cực liên hệ, tổ chức để cán bộ, phóng viên toàn ngành được tiêm vaccine nhanh nhất và đầy đủ nhất”, bà Bùi Thị Hòa, Phó chánh Văn phòng TTXVN cho biết.

Trong bối cảnh mọi hoạt động đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, lãnh đạo TTXVN cũng đã kịp thời chỉ đạo hoạt động tác nghiệp, ban hành hướng dẫn tác nghiệp an toàn, tổ chức các buổi trao đổi kiến thức bảo hộ cho người và bảo đảm cho phương tiện; xây dựng quy trình sản xuất thông tin theo từng lớp từ trung tâm đến vòng ngoài trực tiếp tiếp xúc với thực địa; thiết lập các khu vực đệm như phòng khử trùng trang thiết bị, thay trang phục, đồ bảo hộ…

Lãnh đạo và Công đoàn TTXVN cũng đã kịp thời có thư động viên, chia sẻ; khen thưởng kịp thời, hỗ trợ về mặt tinh thần để các phóng viên vượt qua của giai đoạn khó khăn, vững tâm công tác.

Suốt gần 2 năm qua, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, lực lượng đông đảo phóng viên, nhà báo của TTXVN đã trở thành những chiến chiến sĩ xung kích trên mặt trận thông tin, tất cả đã vào guồng như một pháo đài vững chãi; luôn sẵn sàng, luôn hết mình nhiệm vụ chung, sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch, để dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy.

 

Bài: Tạ Nguyên, Tư liệu TTXVN
Ảnh: Nhóm PV báo Tin tức, TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

 

15/09/2021 11:44