Ngay khi TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện đợt giãn cách xã hội lần thứ 3 kéo dài 1 tháng, các sở, ngành, đoàn thể cùng lúc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý các gói chính sách an sinh xã hội, chăm lo từ vật chất, tinh thần và cả chỗ ăn, chỗ nghỉ của người dân, nhất là người dân nghèo, người lao động tự do, công nhân ngoại tỉnh, sinh viên, học sinh đang ở trọ, học tập, sinh sống trên địa bàn, để đảm bảo việc thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.

TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội với nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt hơn 1 tháng qua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và tiếp tục triển khai đến ngày 15/9 để kiểm soát dịch COVID-19, khiến cuộc sống, việc làm của người dân ngày càng trở nên khó khăn, nhất là các các đối tượng yếu thế, sinh viên và những người đến thành phố mưu sinh, lập nghiệp. 

Người dân sinh sống tại các khu trọ, nhà lụp xụp, nhà trên ven kênh, hẻm sâu thuộc phường 12, 27, quận Bình Thạnh, được đưa về ở tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa và khu chung cư 1050 quận Bình Thạnh để đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19.

Anh Dương Trọng Huỳnh quê ở Đắk Lắk cùng gia đình vào ở trọ tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, lập nghiệp gần 3 năm nay bằng nghề chạy xe công nghệ. Trước đây, trung bình mỗi ngày, anh Trọng kiếm được khoảng 250.000 đồng để lo cho vợ cùng hai con nhỏ. Từ khi dịch bùng phát đến lúc Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, công việc hàng ngày của anh đi dần vào ngõ cụt và kết thúc bằng thời gian phong tỏa 21 ngày khi nơi ở của anh có ca mắc COVID-19. Tắt ứng dụng, ở nhà trong thời gian phong tỏa, anh được chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ. Đến khi kết thúc phong tỏa cũng là lúc kết thúc hỗ trợ, cả nhà chẳng biết làm gì dù có sức lao động, có xe, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn. Do chạy bữa ăn từng bữa, gia đình không có tiền tích lũy, đã thế vợ lại vừa mới sinh nên cuộc sống rơi vào cảnh túng thiếu. Trong hoàn cảnh về quê không được, ở cũng không xong, anh Huỳnh đành chấp nhận mượn 5 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng để giải quyết tình trạng trước mắt với hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc rồi đi làm trả nợ.

Cùng cảnh ngộ, hai vợ chồng chị Trương Hồng Ngọc, quê ở tỉnh Bạc Liêu hiện ở trọ tại khu vực kênh 19/5 (quận Tân Phú), làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo gần 6 năm nay, cũng ở nhà suốt gần 2 tháng qua do nhà máy đóng cửa. Khoản dành dụm ít ỏi lâu nay của gia đình chị Ngọc cạn dần theo thời gian giãn cách bởi tiền ăn uống, tiền nhà trọ, điện, nước, sinh hoạt. “Nếu tiếp tục ở lại, không biết khi nào dịch bệnh kết thúc. Ngược lại, nếu về quê trong lúc này, thủ tục cũng nhiều khó khăn cùng với khoản chi phí tiền xe, xét nghiệm COVID-19, cách ly tập trung ở quê, tốn kém gấp bội phần”, chị Ngọc chần chừ tính những khoản chi phí. 

Liên đoàn Lao động Quận 8 trao quà công nhân, người lao động nghèo ở các khu trọ, khu vực bị phong tỏa.

Em Đoàn Ngọc Phương Thảo, quê ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lên TP Hồ Chí Minh ở trọ gần 4 năm nay để vừa đi làm, vừa đi học tìm tấm bằng cử nhân với hy vọng cuộc sống ổn định hơn. Năm học cuối vừa kết thúc, chưa kịp nhận bằng, dịch COVID-19 lần 4 bùng phát, Thảo đành “bó gối” ở nhà hơn 3 tháng nay. “Công việc tập sự tạm dừng, nhưng em may vẫn được hỗ trợ 50% tiền thuê trọ. Còn ăn uống, sinh hoạt phí, gia đình ở quê, bà con lối xóm ở xóm trọ hỗ trợ nên tạm ổn. Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này, có gì dùng đấy, ai ở đâu ở yên nơi ấy có lẽ là tốt nhất”, Thảo chia sẻ.

Trước thực tế này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với những đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những “vùng lõm”, nhiều người dân khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời.

Đại diện Liên đoàn Lao động các quận trao quà cho công nhân ở trọ, người nghèo trong khu phong tỏa.

Những ngày cuối tháng 8, ghi nhận ở khu nhà trọ 3C/9 tổ 2, ấp 3, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có nhiều trường hợp thật sự khó khăn, nhưng rất ít nhận được sự hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ nhóm ngành nghề lao động tự do theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Khu vực Phường 9, Quận 8, nhiều người buôn bán tự do đã phản ánh về việc không nhận được tiền hỗ trợ mà cũng không nhận được bất cứ sự giải thích rõ ràng nào từ Tổ dân phố, khu phố vì sao những trường hợp này lại không được xét duyệt như lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố.

Nhiều người cho biết, đa phần cư dân ở đây là người nhập cư, lao động tự do, có đăng ký tạm trú tạm vắng nhưng không thấy Tổ trưởng tổ dân phố thông báo, khảo sát hoàn cảnh hay công khai lập danh sách mà chỉ thông báo riêng từng cá nhân. “Chúng tôi có gọi lên Ủy ban phường để trình bày. Đại diện Ủy ban phường nói Tổ trưởng tổ dân phố sẽ giải quyết, làm hồ sơ giấy tờ nộp cho Tổ trưởng rồi nhưng tới nay không thấy phản hồi gì”, đại diện người dân ở khu vực Phường 9, Quận 8 chia sẻ.

Tại nhiều nơi có các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, lao động tự do hoặc mất việc từ nhiều tháng nay bởi cửa hàng phải đóng cửa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ. Tại một số tổ dân phố ở phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, sau khi phản ánh, người dân được Tổ trưởng lập danh sách nhưng rồi sau đó cũng “bặt vô âm tín”. Chị Huỳnh Thị Gọi, thuê trọ tại 74 đường 3, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức cho biết, từ lúc dịch tới giờ không lao động để kiếm tiền được. Lúc đầu, chị tự lên Khu phố để hỏi, sau đó Tổ trưởng khu phố có đến hỏi thông tin cá nhân, nhưng rồi cũng không thấy tiền hỗ trợ. Hiện chị chỉ mong được nhận hỗ trợ để đóng trọ vì đã nợ tiền trọ hơn 2 tháng qua, còn ăn uống hàng ngày cùng mọi người chia qua, sớt lại...

“Đội tiếp ứng thực phẩm tại nhà” Quận 7 sẵn sàng vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm hỗ trợ công nhân ở trọ, người nghèo trong khu phong tỏa ngay trong đêm.

Tương tự, trường hợp ông Nguyễn Văn Bảy, nhà ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức đã được một phóng viên hỗ trợ 3 lần khai báo điền vào mẫu để xin được hỗ trợ nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được nhận. Ông Bảy cho biết, ông làm nghề chạy xe ôm đã mất việc nhiều tháng nay, có cung cấp thông tin với khu phố nhưng chờ mãi không thấy kêu đi nhận tiền hỗ trợ, trong khi các nơi khác đã chi cho dân xong rồi. Vợ ông làm nghề phụ quán cơm ở mặt tiền quốc lộ 13 nhưng quán đóng cửa. Vợ ông mất việc, hỏi phường được trả lời công việc của vợ ông không thuộc diện nhận hỗ trợ của Thành phố quy định…

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã liên tục đưa ra các gói cứu trợ, cắt giảm bớt các quy trình thủ tục để người dân được nhận nhanh hơn, nhưng thực tiễn vẫn còn khá nhiều người chưa tiếp cận được gói hỗ trợ. Nhiều người cho rằng, việc giao cho các Trưởng khu phố, Tổ trưởng tổ dân phố lập danh sách là một phương án tốt vì họ được xem là nắm rõ tình trạng cư trú, giúp người nghèo kê khai hoàn thành các thủ tục hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn có những bất cập xảy ra như: Ban điều hành khu phố, Tổ dân phố đang bị cách ly, phong tỏa; phương pháp làm việc chưa minh bạch, công khai, tính hiệu quả chưa cao; nhiều tổ trưởng tổ dân phố chưa nắm rõ các tiêu chí chính sách nên thông tin cho dân bị sai lệch, không rõ ràng hoặc áp lực quá tải ở địa phương nên thiếu sót cả việc cung cấp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm hộ nghèo, khu vực phong tỏa, cách ly… 

Liên đoàn Lao động quận Tân Phú tiếp nhận hàng tấn hàng hóa, lương thực thực phẩm của đồng bào các tỉnh trong cả nước hỗ trợ công nhân ở trọ, người nghèo trong khu phong tỏa.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ danh sách, rà soát từng tổ dân phố để không bỏ sót một trường hợp nào, để kịp thời hỗ trợ, không được bỏ sót ai. Giãn cách xã hội thời gian dài, nhiều người sẽ gặp khó khăn, Thành phố sẽ có gói hỗ trợ tiền nhà trọ cho người dân, đồng thời, giúp đỡ cả lương thực, thực phẩm và tiêm vaccine. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng Công an tham gia việc rà soát, tiếp nhận thông tin của các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cần hỗ trợ. 

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, thống kê bước đầu từ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, toàn thành phố hiện có trên 2,5 triệu người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Với nỗ lực không bỏ sót, không để người dân cơ cực, Thành phố sẽ hỗ trợ tất cả những trường hợp này.

Trước hoàn cảnh của nhiều người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, với nhiều cách thức khác nhau, đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, san sẻ khó khăn với những người dân gặp khó, ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đó có thể là những suất cơm, tô hủ tiếu, cháo lòng, bánh giò hay hũ mắm, tương cà, tai heo ngâm giấm, món thịt kho trứng nghĩa tình có thể sử dụng trong đôi ba ngày cho người dân khó khăn. Đó còn là những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị - cửa hàng 0 đồng, túi gạo, thùng mì, chai dầu ăn, nước tương, trái trứng gà, đường… của nhiều tổ chức, cá nhân giúp cải thiện bữa ăn cho người nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang ở trong và cả bên ngoài khu phong tỏa, cách ly tạo nên sự lan tỏa tích cực trong toàn xã hội.

Nhóm thiện nguyện chuẩn bị suất ăn nghĩa tình công đoàn Gò Vấp cho công nhân, người lao động nghèo ở các khu trọ, khu vực bị phong tỏa.

Bà Kim Loan, Phường 15, quận Tân Bình hằng ngày tổ chức nấu và phát từ 100 - 150 suất cơm cho người dân khu vực phong tỏa; phát quà cho hộ nghèo, tổ chức “gian hàng 5.000” giúp hộ cận nghèo người dân khó, giải cứu nông sản cho các tỉnh gặp khó khăn… Đó còn là người chủ nhà trọ tốt bụng Nguyễn Thị Hóa, tại Phường 11, quận Bình Thạnh thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ từ mớ rau, lạng thịt, giảm giá tiền phòng trọ, rồi nấu bữa ăn thật ngon cho cả đại gia đình lẫn người ở trọ khiến nhiều người xa quê càng ấm lòng hơn giữa đại dịch nhiều khó khăn.

Xuất phát từ cái tâm của mình, anh Hữu Dũng phối hợp với nhóm thiện nguyện Bếp ăn Thương Sài Gòn, đội hình phản ứng nhanh (Bếp Pun) thực hiện hơn 35.000 suất ăn cho các điểm, chốt gác lực lượng tuyến đầu, người dân gặp khó khăn trong thời gian qua. “Sau tất cả, điều quan trọng của người đi làm thiện nguyện là được san sẻ cùng mọi người, giúp được những gì họ cần là bản thân mình cũng vui và hơn hết là được gia đình ủng hộ”, anh Dũng chia sẻ.

Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp chuẩn bị và vận chuyển “Suất ăn nghĩa tình Công đoàn Gò Vấp” gửi đến công nhân, người nghèo trong khu phong tỏa và lực lượng trực chốt.

Bà Trần Thị Phương Dung, chủ dãy 23 phòng trọ ở địa chỉ 9/13 A đường 898, tổ 4 khu phố 4 phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức đã quyết định giảm 50% tiền thuê trọ trong tháng 6, 7 và miễn tiền thuê trọ trong tháng 8 với tổng số tiền lên đến gần 100 triệu đồng. Đồng hành và chia sẻ cùng công nhân, người lao động đang thuê trọ trong thời điểm khó khăn nhất, gần 4.200/5.600 chủ nhà trọ ở huyện Bình Chánh đã giảm tiền thuê với số tiền khoảng 15 tỷ đồng. Nhiều nhà trọ ở quận Bình Tân đã giảm từ 50%, 70% đến 100% cho người nghèo. Lãnh đạo quận cam kết đảm bảo cung cấp lương thực cho các hộ ở trọ ít nhất đến hết đợt giãn cách xã hội lần này.

Trong những ngày giãn cách xã hội, hàng trăm “siêu thị 0 đồng” được triển khai khắp nơi ở TP Hồ Chí Minh, nhất là các khu vực có đông người dân khó khăn, công nhân, lao động tự do... “Gian hàng 0 đồng” của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiệp (phường 11, quận Bình Thạnh) đã giúp trên 1.500 người dân khu vực phong tỏa trên địa bàn phường với trên 6 tấn rau củ quả và các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, gia đình ông còn hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm trực tiếp cho nhiều hộ gia đình tại khu cách ly khi có nhu cầu. Ngay sau khi Thành phố tiếp tục triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg, "Siêu thị 0 đồng" của NovaGroup ra đời với các điểm bán cố định và lưu động. Với khẩu hiệu "Siêu thị 0 đồng, ai thiếu đến lấy, ai dự đến cho, cùng nhau vượt khó, giảm bớt âu lo”, trong những ngày qua, siêu thị này đã cung cấp hàng tấn hàng hóa thiết yếu, rau củ cho người dân khó khăn. 

Xuất phát từ những người chơi xe bán tải off-road trong Câu lạc bộ Pickup and Friends, anh Luk Ban La, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Với mong muốn chung tay cùng Thành phố chống dịch COVID-19, anh em chúng tôi thành lập hai đội xe là đội Phản ứng nhanh Thủ Đức và đội Phản ứng nhanh PFN, chuyên chở miễn phí các loại hàng hóa thiện nguyện, vật tư, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm hay nhân viên y tế xịt khử trùng. Đồng thời, anh em còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ về nhu yếu phẩm hàng ngày cho các bà con nghèo, các khu công nhân, lao động tự do bị thất nghiệp, các mái ấm nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, người già... trong các khu phong tỏa hoặc cách ly y tế khắp TP Hồ Chí Minh”.

Lực lượng tình nguyện chuyển lương thực, thực phẩm đến công nhân, người lao động nghèo ở các khu trọ, khu vực bị phong tỏa.

Có thể nói, trong những ngày giãn cách xã hội, tại TP Hồ Chí Minh, hàng trăm nhóm thiện nguyện đã được lập ra, nhóm ít thì hỗ trợ vài chục phần quà, nhóm nhiều thì cả ngàn phần mỗi ngày. Tất cả đều mong muôn được san sẻ bớt những khó khăn của người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mỗi người chung một tay, người góp của, người góp công, đều đặn mỗi ngày đến với bà con cần giúp đỡ. Anh Luk Ban La, cho biết: “Đa số các lời kêu gọi hỗ trợ đều rất tội nghiệp nhưng họ chỉ xin vừa đủ mức cần thiết và nếu đã nhận được hỗ trợ từ các đội khác rồi sẽ chủ động nhường cho những nơi khác”.

Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng, ứng biến cùng lúc nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình trong vùng có dịch tễ các loại nhu yếu phẩm thiết yếu. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã ủng hộ, giúp đỡ hàng chục nghìn phần quà, hàng chục tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tham gia chương trình hỗ trợ khẩn cấp 37.000 phần quà cho các đối tượng khó khăn, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Khang cho biết, mỗi phần quà gồm 10 kg gạo, chai nước mắm, nước tương và chai dầu ăn. Tuy không lớn nhưng việc ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp chia sẻ phần nào những khó khăn trước mắt, giúp các hộ gia đình nghèo ít nhất đảm bảo lương thực, thực phẩm đủ dùng trong một tuần. 

Bước vào giai đoạn siết chặt các giải pháp thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nhằm kiểm soát dịch trước 15/9 tại TP Hồ Chí Minh, chương trình “Vòng tay Việt - Sài Gòn” do nhiều doanh nghiệp chung tay thực hiện đã triển khai việc tặng 1 triệu suất ăn/tháng trong 2 tháng 8 và tháng 9/2021, dưới hình thức quà nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến cho các đối tượng là hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo trong hơn 4.000 khu phong tỏa; công nhân mất việc, người lao động mất thu nhập cần cứu trợ trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 cũng như các nhân viên y tế tuyến đầu nếu các bệnh viện, tổ chức y tế có nhu cầu.

Quỹ Đạo Phật Ngày nay - Chùa Giác Ngộ trao tặng UBND Quận 3 các trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm.

Các địa phương cũng có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với người dân. Ông Thân Trọng Minh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Gò Vấp cho biết đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ người dân, hộ nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nổi bật là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài quận. Mới đây, quận đã thiết lập 2 số điện thoại hotline 02839.962.793 - 028.39.962794 hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết cho người dân Gò Vấp gặp khó khăn. “Cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận đảm nhiệm trực điện thoại tiếp nhận thông tin vào giờ hành chính kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Các trường hợp khó khăn sau khi cung cấp địa chỉ, số điện thoại, chúng tôi cam kết hỗ trợ ngay trong 30 phút”, ông Minh Khẳng định.

Nhà chùa chung tay chăm lo cho người dân:

Với mục tiêu “không để ai ở lại phía sau”, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều gói an sinh, chăm lo cho các đối tượng chính sách, lao động, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Tuy nhiên, để tất cả người dân “ai ở đâu, ở yên đó”, các chính sách hỗ trợ cần phải được thực hiện triệt để, đồng bộ, đến được tận tay người dân cần hỗ trợ. 

Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai nhiều kế hoạch, chính sách hỗ trợ kịp thời. Công tác chăm lo cho người nghèo, lao động tự do, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, mức độ bao phủ rất rộng, đã hoàn thành gói hỗ trợ thứ nhất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Các địa phương đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với kinh phí hơn 500 tỷ đồng. 

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 3 đi chợ giúp dân mua hàng hóa, thực phẩm.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với quan điểm không bỏ lại ai ở phía sau, Thành phố đang tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa dịch. Thành phố đang triển khai các gói an sinh xã hội khoảng 900 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, tính toán theo các gói 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày, trong đó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, 1 triệu gói an sinh đã và đang được gửi đến người dân dưới hai hình thức là phần quà nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến. Trong đó, ba đối tượng nhận các phần quà, suất ăn trong gói an sinh gồm: Các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trong hơn 4.000 khu phong tỏa, công nhân mất việc, người lao động mất thu nhập do tình hình giãn cách cần hỗ trợ để tiếp tục tuân thủ các quy định cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh; các nhân viên y tế tuyến đầu nếu các bệnh viện và tổ chức y tế có nhu cầu.

Song song đó, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, thu hút các nguồn vận động để chăm lo cho người dân. Nhiều địa phương và các cấp ngành, đoàn thể thành phố đã đẩy mạnh phối hợp thực hiện các chương trình trợ giúp, ứng cứu khẩn cấp, thăm hỏi, động viên đảm bảo an sinh xã hội người dân, giữ gìn an ninh trật tự và phòng, chống dịch bệnh. Điển hình như chương trình 10.000 phần quà cho công nhân, người lao động khó khăn của Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh; chiến dịch tặng 100.000 phần quà đoàn kết “Quân - Dân” của Bộ Tư lệnh Thành phố. Mới đây là chương trình “Tấm lòng mùa dịch, sản sẻ yêu thương” với hơn 530.000 túi hàng hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông; TP Hồ Chí Minh phát động mô hình 1 triệu túi an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… 

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 3 đi chợ giúp dân mua hàng hóa, thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Đồng hành cùng với người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, Liên đoàn đã chủ động triển khai nhiều chế độ, chính sách chăm lo công nhân, người lao động; đa dạng hóa các hình thức hoạt động Công đoàn hướng đến đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở cả khu vực chính thức và phi chính thức hàng chục tỷ đồng. Các cấp Công đoàn cơ sở đã vận động hàng trăm chủ nhà trọ hỗ trợ miễn giảm giả cho thuê phòng; phối hợp trao tặng hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, nông sản hàng hóa các loại hỗ trợ hàng trăm ngàn công nhân, người lao động nghèo và cả người dân tại các xóm trọ, khu nhà ở tập thể, khu vực phong tỏa, cách ly.

Thành phố Thủ Đức đã tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, tăng cường phòng, chống dịch; chương trình "Thủ Đức nghĩa tình - vì dân Phục vụ" đã thu hút đông đảo các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân hưởng ứng. Trong đó, nhiều chủ nhà trọ hưởng ứng chương trình vận động "Nhà trọ 0 đồng" đã đồng loạt miễn, giảm giá thuê trên tinh thần chia sẻ khó khăn với người trọ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, hiện các chủ khu trọ đều giảm giá cho thuê từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/phòng để đáp ứng nhu cầu của 150.000 công nhân đang gặp khó khăn trong việc duy trì tiền thuê trọ. Tính đến nay, chương trình “Nhà trọ 0 đồng” của thành phố Thủ Đức đã miễn giảm khoảng 43 tỷ đồng tiền thuê phòng trọ. Đồng thời, chính quyền cũng cam kết đảm bảo điều kiện sinh sống cho công nhân giảm thu nhập do dịch bệnh từ nay đến 15/9. 

Hội Nông dân và Công đoàn viên chức Thành phố tiếp nhận và vận chuyển nông sản, lương thực, thực phẩm gửi đến công nhân, người nghèo.

Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, công tác tổ chức, triển khai hỗ trợ tới người dân khó khăn, nhất là những người thật sự cần giúp đỡ, không chỉ một vài ngày mà thậm chí cả tháng là vô cùng quan trọng. Đó cũng là quyết sách an sinh xã hội, cả về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để người dân yên tâm, không căng thẳng về tinh thần, không ai bị bỏ lại phía sau mà TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho gói an sinh xã hội lần 3 và lần 4 khi giãn cách xã hội kéo dài đến ngày 15/9.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thời gian qua vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình công nhân ở trọ tìm cách về quê khi không còn chỗ bám víu mưu sinh; nhiều hộ gia đình đã sử dụng hết phần tích lũy nay chỉ còn trông chờ vào nhóm thiện nguyện, hỗ trợ của chính quyền nên cũng bất an. Ở nhiều nơi, người dân phán ánh chưa nhận được sự hỗ trợ, không tiếp cận được các kênh hỗ trợ... Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. Trước thực trạng này, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, yêu cầu sở, ngành và địa phương chấn chỉnh kịp thời, sớm khắc phục những hạn chế, nhất là trong việc hỗ trợ người dân, đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm thực hiện nghiêm công tác giãn cách xã hội, đang ở đâu ở yên nơi đó, kể cả công nhân, người lao động, sinh viên đang ở trọ trên địa bàn Thành phố. 

Thành phố đã và đang nỗ lực để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của nhân dân; phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân”, đẩy mạnh các hoạt động tại Trung tâm An sinh xã hội Thành phố, huy động tất cả các nguồn lực xã hội để chăm lo cho dân. Đồng thời, kiến nghị ngành thuế thực hiện chính sách miễn giảm, ngành ngân hàng giảm lãi suất vay, miễn giảm tiền điện, nước trong những ngày cả thành phố chống dịch.

UBND quận Gò Vấp sử dụng xe tiêm vaccine lưu động để triển khai tiêm phòng cho người dân trên 65 tuổi.

Trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg lần thứ 3 (từ ngày 15/8), ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch, đặt sức khỏe tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Để khống chế được dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào thành phố tiếp tục đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sỹ, gia đình là pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch; cả hệ thống chính trị đang đồng lòng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức để cùng chống lại đại dịch.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, thống kê tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức có khoảng 1,6 triệu hộ gia đình lao động gặp khó khăn trong việc thuê trọ nơi ở do tác động của dịch COVID-19. Thành phố sẽ hỗ trợ tiền thuê phòng trọ khoảng 1,5 triệu đồng/hộ cho toàn bộ các hộ đang gặp phải hoàn cảnh khó khăn này. Tiền hỗ trợ sẽ được trao tận tay để mọi người yên tâm ở nhà. 

Người dân sinh sống tại các khu trọ, nhà lụp xụp, nhà trên ven kênh, hẻm sâu thuộc phường 12, 27, quận Bình Thạnh, được đưa về ở tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa và khu chung cư 1050 quận Bình Thạnh để đảm bảo an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, dự kiến bổ sung lần này hơn 1 triệu trường hợp hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỷ đồng. 

Theo ông Lê Minh Tấn, việc chi hỗ trợ lần này không phân biệt số người trong hộ, không phân biệt thường trú hay tạm trú, thành phần nghề nghiệp là công nhân, lao động nghèo hay sinh viên học sinh khu ở trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực phong tỏa… Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ phải đảm bảo không trùng lắp, nhưng cũng không bỏ sót người, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ.

Các chiến sỹ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân Khu 7) cùng với Ban Chỉ huy quân sự phường 8 (Quận 10) vận chuyển lượng thực, thực phẩm đến người lao động nghèo.

Những ngày qua, khi TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó” từ ngày 23/8 đến 6/9, Thành phố đã triển khai các biện pháp cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân, trong đó các phường, xã, thị trấn thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ người dân, trong đó có việc “đi chợ hộ”, phát các gói hỗ trợ này tới người dân một tuần một lần. Ngoài ra, từ ngày 24/8 đến 6/9, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị 1,5 triệu túi an sinh để hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn, với nguyên tắc không bỏ sót trường hợp nào. UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ cho ngân sách thành phố số tiền 27.968 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian Thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

TP Hồ Chí Minh đang trong những ngày khó khăn do tác động của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và để sớm kiểm soát được dịch, nhiều giải pháp đã được Thành phố triển khai với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ chưa có tiền lệ, trong đó có những biện pháp hỗ trợ các đối tượng khó khăn, người yếu thế trong xã hội. Những gói hỗ trợ được phân phối kịp thời đến tận tay từng người khó khăn vào lúc này là rất cấp thiết, qua đó góp phần vào chiến thắng của chiến dịch quyết định này trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung.

Túi an sinh trao tay người nghèo:

Bài: Thanh Vũ - Anh Tuấn
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews - Hoàng Tuyết
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Quốc Bình

28/08/2021 05:20