Tiêm vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất chính là liều vaccine tốt nhất giúp đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Hiện nay, bên cạnh đẩy mạnh thử nghiệm để sản xuất vaccine trong nước, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực thực hiện “ngoại giao vaccine” để có thể tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất từ các nguồn bên ngoài. Ngoại giao vaccine vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là “mặt trận” quyết định thành công đối với chiến lược vaccine của Chính phủ.
Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine. Theo đó, ngoại giao vaccine được xác định là một mũi nhọn. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, ngoại giao vaccine thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân.
Trong thời gian qua, chiến lược vaccine và ngoại giao vaccine được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine…
Gần đây nhất, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai ngoại giao vaccine, ngày 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ của Liên minh châu Âu dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt đã viện trợ 2,4 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX; và đề nghị EU hỗ trợ tối đa cho Việt Nam thông qua các hoạt động viện trợ, nhượng lại vaccine, chia sẻ công nghệ, cung cấp trang thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có thư gửi Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, mong muốn EU xem xét hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, có tiếng nói đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam và các nước ASEAN trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay trong khu vực.
Đặc biệt, để có thể nhanh chóng tiếp cận với nhiều vaccine phòng COVID-19 hơn nữa, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống COVID-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc từ đối tác song phương, đa phương; báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp cần triển khai. Ngoài ra, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo nhằm tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc thành lập Tổ công tác có ý nghĩa rất quan trọng; tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vaccine, để sớm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.
Việc thành lập Tổ công tác cũng khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân. Bên cạnh việc tạo mọi thuận lợi để đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trước mắt cần đẩy mạnh ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, Tổ công tác đã họp và thống nhất phương châm phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”.
Với phương châm và tinh thần đó, Tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham mưu, triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở kênh lãnh đạo cấp cao và các cấp, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới mọi hình thức trực tiếp, trực tuyến để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vaccine nhanh, nhiều và sớm nhất.
Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vaccine, nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vaccine, tích cực vận động các đối tác viện trợ vaccine, trang thiết bị y tế. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đều đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế, trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước, nhất là ở các tỉnh, thành phố ở phía Nam.
Với những biện pháp vận động hiệu quả, quyết liệt, tính đến ngày 27/8, Việt Nam đã tiếp nhận trên 26 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Riêng trong sáng 27/8, AstraZeneca đã chuyển thêm hai lô vaccine về TP Hồ Chí Minh, tổng số 1.442.300 liều. Đây là lần giao vaccine thứ 10 và 11, có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vaccine COVID-19 giữa Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Ngay trước đó, trong ngày 26 - 27/8, một triệu liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 do Mỹ tặng Việt Nam được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố ngày 25/8 cũng đã về tới TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trước đó, thông qua cơ chế COVAX, Mỹ đã viện trợ Việt Nam 5 triệu liều vaccine Moderna, giao trong tháng 7, nâng tổng số liều vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ Việt Nam lên 6 triệu...
Sau khi tiếp nhận vaccine từ các nguồn khác nhau như vậy, Việt Nam cũng đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân trong thời gian qua bảo đảm đúng đối tượng. Đến hết tháng 8/2021, cả nước đã tiêm được trên 20,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19; trong đó tiêm 1 mũi là 17.483.818 liều, tiêm mũi 2 là 2.726.563 liều.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác ngoại giao vaccine, trong cả tháng 8 và tháng 9, Việt Nam tiếp tục nhận được thêm vaccine nhiều hơn, dự kiến có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại vaccine và giao vaccine theo các hợp đồng đã ký kết.
Mới đây, theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã thành lập một tổ công tác đặc biệt chuyên trách việc tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực phòng chống COVID-19. Đồng thời, tích cực tìm kiếm nguồn vaccine, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế để phục vụ công cuộc phòng chống bệnh ở trong nước. Theo Đại sứ, Việt Nam hiện có hai công ty được nhà nước chỉ định cung cấp nguồn vaccine cho trong nước từ Nga, là Công ty Vabiotech và Tập đoàn T&T. Trong đó, công ty Vabiotech sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ phía Nga để đóng chai sản xuất Sputnik V ở Việt Nam và Tập đoàn T&T được giao nhiệm vụ mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V. Quá trình đàm phán đang triển khai thuận lợi và quá trình đóng chai của Vabiotech sẽ sớm có kết quả. Dự kiến đầu tháng 9, chúng ta sẽ đóng được lô đầu tiên.
Khi việc sản xuất vaccine “Made in Vietnam” vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy thì “ngoại giao vaccine” chính là con đường hiệu quả nhất nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định ngoại giao vaccine vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là “mặt trận” quyết định thành công đối với chiến lược vaccine của Chính phủ.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung vaccine và nhu cầu cấp bách trong nước hiện nay, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Tổ Công tác Ngoại giao vaccine, tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai hiệu quả, đồng bộ các biện pháp vận động nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ngoại giao vaccine; đồng thời, nghiên cứu, kịp thời kiến nghị các biện pháp để phát huy vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cơ chế COVAX.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các tập đoàn trong nước tiếp cận công nghệ để có thể sản xuất vaccine và thuốc điều trị; tăng cường phối hợp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thủ tục để tiếp nhận nhanh nhất, kịp thời nhất các trang thiết bị y tế do các đối tác và kiều bào ta ở nước ngoài hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay. Cùng với đó, đẩy nhanh việc tiếp cận, vận động và đàm phán mua các loại thuốc điều trị phục vụ việc chữa trị và giảm thiểu tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19.
Cùng với nỗ lực của Tổ Công tác Ngoại giao vaccine, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.
Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vaccine. Trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện. Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của Nhà nước thực hiện tiêm chủng vaccine này.
Bộ Y tế đã xem xét và rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. Đối với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép, trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng Cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vaccine đó.
Khi vaccine được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vaccine vào Việt Nam và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng Cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vaccine đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vaccine, đảm bảo an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine.
Như vậy, với sự vào cuộc đồng bộ và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất có thể nguồn vaccine từ bên ngoài đã đạt được những thành công bước đầu nhờ sự đóng góp không nhỏ của “ngoại giao vaccine”. “Ngoại giao vaccine” đang từng bước thực hiện sứ mệnh đưa nguồn vaccine quý giá về với nhân dân Việt Nam, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ngoại giao vaccine là "mặt trận" quan trọng:
Bài: Minh Duyên - Thu Phương - TTN
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Quốc Bình
04/09/2021 09:10