Một trong những thành công quan trọng của hoạt động đối ngoại thời gian qua là công tác đối ngoại địa phương. Với phương thức đồng bộ, thích ứng linh hoạt và đột phá, đối ngoại địa phương đã khắc phục khó khăn, từng bước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đạt được các kết quả thiết thực, góp phần phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong nước, thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè thế giới.

 

 

Thời điểm tháng 5/2021, giữa lúc "nước sôi lửa bỏng" khi số ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng đều đặn, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước, cả 180.000 tấn vải thiều trong vườn chờ thu hái, tiêu thụ. Bắc Giang vừa căng sức chống dịch, vừa nỗ lực hỗ trợ, xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho người dân, Bắc Giang đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo để có được một vụ vải thiều “thành công trong gian khó”.

Vải Bắc Giang không chỉ xuất hiện ở khắp các siêu thị, chợ truyền thống trong cả nước mà còn được bán trực tuyến trên nền tảng online như: Facebook, Zalo, Youtube… và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế như: Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba… với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, đạt trên 6.000 tấn.

Để có được thành công trong gian khó bởi dịch bệnh năm 2021 của các mảnh vườn vải như ở Bắc Giang, là nhờ ở những  nỗ lực trong xúc tiến thương mại và các hoạt động ngoại giao địa phương.

 

Đặc biệt, quả vải Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu đạt 89.300 tấn, chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ. Vải thiều Bắc Giang có mặt tại các thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…Trong ngày 23/5/2021, những lô vải đầu tiên của Việt Nam do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản đánh dấu cho một mùa vải bội thu và nhiều người tiêu dùng tại Nhật Bản hồ hởi đón nhận.

Để có được thành công trong gian khó bởi dịch bệnh năm 2021 của các mảnh vườn vải như ở Bắc Giang, là nhờ ở những  nỗ lực trong xúc tiến thương mại và các hoạt động ngoại giao địa phương. Ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh Bắc Giang đã sớm ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh tới sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong hỗ trợ sản xuất, xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021, với quy mô quốc tế 30 điểm cầu trong nước và nước ngoài. Tỉnh đã chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục xác nhận, cấp giấy chứng nhận an toàn không COVID-19 cho các lô hàng vải thiều và phương tiện vận chuyển đảm bảo điều kiện an toàn và tiêu chuẩn quốc tế.

Câu chuyện vượt khó trong dịch đầy chủ động, sáng tạo của Bắc Giang hay nhiều địa phương khác trên cả nước là một trong những minh chứng cho công tác đối ngoại địa phương hiện nay đã được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đánh giá về công tác đối ngoại địa phương thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khi trao đổi với báo chí đã cho biết, công tác đối ngoại này đã thu được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại cả nước, thiết thực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dù chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, nhưng với cách tiếp cận đồng bộ, thích ứng linh hoạt và đột phá, đối ngoại địa phương đã khắc phục được khó khăn, từng bước triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đạt được các kết quả khá toàn diện.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2021, các địa phương đã ký hơn 200 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài là các địa phương, tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương.

Nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá địa phương được tổ chức với nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung như Diễn đàn "Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2021: Kết nối địa phương, doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội mới", Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2021…

Công tác ngoại giao văn hóa cũng được chủ động triển khai, tạo sự gắn kết với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Việc hát then được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại năm 2019, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2021…, đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.

Các địa phương cũng đóng góp quan trọng trong thành công của công tác bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo. Các đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được bảo đảm. Công tác tuyên truyền, thông tin, bảo hộ ngư dân, tàu cá cũng được phối hợp triển khai đồng bộ giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng và các địa phương, tạo nên "hậu phương" vững chắc cho công tác đấu tranh chính trị, ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của ta.

Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng hỗ trợ các công dân bị "kẹt" ở nước ngoài.

 

Công tác lãnh sự, bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng là điểm sáng, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng liên quan kịp thời tổ chức triển khai công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ tại các cửa khẩu, lối mở trên đất liền, cũng như tổ chức hơn 800 chuyến bay đón hơn 200.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam và hỗ trợ các công dân bị "kẹt" ở nước ngoài.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Văn kiện Đại hội cũng chỉ rõ mục tiêu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Tính toàn diện của ngoại giao thể hiện rõ nét hơn ở đặt trọng tâm phục vụ trực tiếp các địa phương, doanh nghiệp và từng người dân, bên cạnh những nhiệm vụ chính trị tầm vĩ mô trước nay. “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngoại giao phục vụ phát triển có ý nghĩa hết sức thiết thực, đóng góp vào các nỗ lực duy trì phát triển và hướng tới phục hồi của từng địa phương”, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho hay.

 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngoại giao phục vụ phát triển có ý nghĩa hết sức thiết thực, đóng góp vào các nỗ lực duy trì phát triển và hướng tới phục hồi của từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Chí Giang cho biết, công tác đối ngoại có vai trò quan trọng quyết định trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc. Với hiểu biết rõ về thị trường bản địa, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vị trí rất quan trọng, là "cánh tay nối dài", không chỉ giúp Vĩnh Phúc mà còn hỗ trợ các địa phương phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.

FDI là một trong những động lực giúp kinh tế địa phương tăng trưởng.

 

Năm 2021 gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, song hoạt động đối ngoại của Vĩnh Phúc vẫn diễn ra sôi nổi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó hoạt động hỗ trợ xúc tiến và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết ngày 15/11/2021, Vĩnh Phúc đã thu hút thêm được 60 dự án FDI (32 dự án cấp mới và 28 dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng số vốn đăng kí là 1,01 tỷ USD. Đặc biệt cuối tháng 11/2021 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh Vĩnh Phúc đã trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với tập đoàn SOJITZ của Nhật Bản về việc thực hiện dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và phân phối thị bò có trị giá 500 triệu USD. "Đây có thể coi là một dấu ấn thành công trong công tác đối ngoại và xúc tiến đầu của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2021", ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh.

Trong thời gian tới đây, để thực hiện mục tiêu kép, phục hồi, phát triển kinh tế theo hướng an toàn, linh hoạt, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác đối ngoại của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ làm tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong thu hút đầu tư nói riêng, phục vụ phát triển kinh tế nói chung; nâng cao hơn nữa vai trò của công tác đối ngoại tham mưu về các chủ trương chính sách về thu hút đầu tư; thực hiện tốt đề án tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá trong xúc tiến đầu tư bằng việc thu hút thêm dự án có quy mô lớn, thuộc các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

Chia sẻ về những khó khăn địa phương đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, hiện nay, không chỉ riêng Phú Yên, nhiều địa phương khác đang gặp phải khó khăn do diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, kịp thời của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công tác đối ngoại địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt qua khó khăn.

"Hiện nay, Phú Yên là một trong số ít các địa phương còn quỹ đất lớn, có kết nối giao thông phù hợp cho các nhà đầu tư lớn. Qua việc thực hiện quy hoạch phát triển tỉnh, quy hoạch vùng, liên kết vùng, quy hoạch chi tiết, đặc biệt các khu công nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế, mời gọi các đối tác lớn, đối tác quốc tế", ông Trần Hữu Thế nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp Phú Yên nâng cao hiệu quả, khả năng nắm bắt, tìm hiểu, kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư, ngược lại, các nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của địa phương. "Về lâu dài, Phú Yên phải xây dựng kế hoạch phối hợp bài bản, cụ thể với các cơ quan của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài theo lộ trình, bước đi cụ thể trong từng nội dung, lĩnh vực", Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh; đồng thời khẳng định tỉnh chuẩn bị sẵn các điều kiện về quy hoạch, phân khu công nghiệp trong khu kinh tế để kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên ngành hàng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện cho thiết bị cơ khí…

Đồng bộ hóa các quy hoạch về khu đô thị logistic, khu kinh tế cửa khẩu để khơi dậy lợi thế hiệu quả của tuyến cao tốc hướng về cửa khẩu.

Đồng quan điểm, ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, Cao Bằng là tỉnh biên giới, rất xa các trung tâm phát triển, nhưng có rất nhiều lợi thế như diện tích rừng bao phủ lớn, đường biên giới dài, có tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu… Cao Bằng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt Bộ Ngoại giao trong việc giới thiệu nội dung các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gặp mặt các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để chuyển tải thông điệp, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến các đối tác và tìm kiếm cơ hội thu hút đầu tư.

"Những hoạt động của Cục Ngoại vụ giúp chúng tôi kết nối phát triển sâu sắc, hiệu quả, thực chất, căn cơ hơn các hoạt động ngoại vụ tại địa phương. Trong thời gian tới, Cao Bằng tập trung phát triển tuyến cao tốc nối từ cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Lân (Quảng Ninh) qua Bắc Giang lên Lạng Sơn, đến cao Bằng qua cửa khẩu Trà Lĩnh sang Long Bang (Trung Quốc) nối với Tứ Xuyên, Trùng Khánh (Trung Quốc) và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc. Đây là con đường ngắn nhất của các tỉnh Tây Nam Trung Quốc ra biển, nằm trên hành lang kinh tế Á - Âu, mặt khác đồng bộ hóa các quy hoạch về khu đô thị logistic, khu kinh tế cửa khẩu để khơi dậy lợi thế hiệu quả của tuyến cao tốc hướng về cửa khẩu”, ông Lê Hải Hòa cho hay.

Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, đặc biệt, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ Cao Bằng kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào dự án nhằm ở ra hướng phát triển mới cho Cao Bằng, phát huy lợi thế Cao Bằng có hơn 333 km đương biên giới, khu kinh tế trải dọc hơn 200 km, đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch làm cơ sở kết nối, kêu gọi đầu tư. Tỉnh Cao Bằng cũng đã tích cực triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Dự kiến triển khai tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai Bên qua lại trong năm 2022.

Để công tác đối ngoại địa phương đạt được kết quả tốt trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, cần đẩy mạnh và phát huy vai trò của ngoại giao kinh tế trong đối ngoại địa phương. Tiếp nối những thành công trong ngoại giao vaccine, ngoại giao kinh tế sẽ là chất xúc tác quan trọng cho các địa phương trong khôi phục sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi. Cụ thể là việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong tái mở cửa nền kinh tế từ các nước bên ngoài đến việc mở đường cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa đến thu hút các nguồn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Cùng với đó, đẩy mạnh các nội hàm phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, đáp ứng trúng và đúng với nhu cầu, nguyện vọng của các địa phương như phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch cũng như văn hóa, du lịch…

Đặc biệt, chú trọng khai thác các lợi thế sẵn có của địa phương, đồng thời tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, có nhiều tiềm năng cho sản phẩm của các địa phương; kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.

Công tác ngoại giao văn hóa đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.

 

Chia sẻ tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 do Bộ Ngoại giao tổ chức vào sáng 13/12, ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao), cho biết, từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, công tác đối ngoại địa phương diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới. Về tình hình trong nước, với thế và lực ngày càng lớn mạnh, công tác đối ngoại được triển khai toàn diện và đồng bộ, tích cực chủ động, thích ứng linh hoạt, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XII và từng bước cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII.

Cục trưởng Cục Ngoại vụ cho biết, trên tinh thần “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương”, quán triệt phương châm “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, phương hướng công tác ngoại vụ trong thời gian tới tiếp tục tập trung quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng XIII “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Công tác ngoại vụ tích cực chủ động tham gia vào công cuộc “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thích ứng với tình hình mới do đại dịch COVID-19 gây ra. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong thu hút nguồn lực quốc tế chất lượng cao phục vụ phát triển nhanh và bền vững, thông qua tham mưu, định hướng chiến lược, tư vấn chính sách, kịp thời thông tin về cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác với các đối tác quốc tế.

Đồng thời, tăng cường cảnh báo, phòng ngừa, kiến nghị xử lý các rủi ro, phức tạp có thể nảy sinh, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.

Bộ Ngoại giao cũng đồng hành, hỗ trợ địa phương xây dựng các quan hệ kết nghĩa với các tỉnh, thành phố đối tác trên thế giới, quan hệ đối tác với các tập đoàn đa quốc gia, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, cải thiện vị trí của Việt Nam trong các chuỗi giá trị, đẩy mạnh hợp tác thực chất về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Bên cạnh đó, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, các địa phương cần nêu bật nhu cầu phát triển để được hỗ trợ, tham vấn về mô hình tăng trưởng như kinh tế xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đối ngoại địa phương trên các mặt ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, công tác biên giới lãnh thổ, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân…; tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương; phát huy vai trò của đối ngoại địa phương trong công tác kết nối, hội nhập phục vụ phát triển…

Còn Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương Bùi Lê Thái cho rằng các mặt công tác đối ngoại của các địa phương đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, chú trọng hơn đến tính hiệu quả, thực chất, bảo đảm phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương và nhu cầu thực tế của từng địa phương. Tuy nhiên, công tác ngoại vụ vẫn còn một số tồn tại như: việc quán triệt, phổ biến và cụ thể hóa các văn bản, quy định của Đảng và Nhà nước về đối ngoại vẫn chưa kịp thời; việc triển khai hoạt động đối ngoại theo các quy định chưa đồng bộ, thống nhất, còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động đối ngoại đảng chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu mới chỉ được triển khai ở các địa phương biên giới; hoạt động đối ngoại nhân dân chưa có nhiều đổi mới…

Nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá địa phương được tổ chức với nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung.

 

Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương đề nghị các địa phương khẩn trương cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng, nghị quyết của đảng bộ địa phương và mục tiêu của đối ngoại địa phương thành các chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, bảo đảm cho các địa phương nói riêng và đất nước nói chung phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước theo tư duy chiến lước về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

"Để đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhất quán từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ban, ngành Trung ương sẽ chủ động phối hợp, đồng hành, gắn kết chặt chẽ với các địa phương. Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên, hiệu quả hơn và thông tin hai chiều thông suốt với các địa phương", Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương khẳng định.

Theo ông Bùi Lê Thái, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương trong công tác đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân, trong triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong các vấn đề cụ thể, đặc biệt là việc thực hiện quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, hướng dẫn, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân, công tác lễ tân đối ngoại đảng ở địa phương.

 

 

 

 

Bài: Thu Trang, BTN
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

14/12/2021 03:24