Mất ưu thế quân sự trước Trung Quốc, Mỹ đối phó thế nào?- Kỳ 1

Một loạt các báo cáo gần đây của các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc đã cho thấy một thực tế ảm đạm rằng Washington đang phải vật lộn với sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, sự thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương cùng áp lực ngày càng tăng từ những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ có căn cứ tại Hawaii mới đây đã nhận xét rằng: "Sự thống trị mang tính lịch sử của chúng tôi... đang giảm dần" ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Frank Kendall, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách về mua bán trang thiết bị quân sự, công nghệ và hậu cần nhấn mạnh hơn trước Ủy ban Quân lực Mỹ: "Về ưu thế công nghệ, Lầu Năm Góc đang bị thách thức trong những cách mà tôi đã không nhìn thấy trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương".

Quân đội Trung Quốc diễn tập đổ bộ. Ảnh: PLA


Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey thì cảnh báo, trong thập kỷ tới, "những nguy cơ xung đột giữa các nước ở Châu Á sẽ tăng lên trong khi những nền tảng và căn cứ quân sự của Mỹ cũng dễ bị tổn thương khi lĩnh vực công nghệ của Mỹ bị xói mòn... Gần như bất kỳ cuộc xung đột trong tương lai sẽ xảy ra với một tốc độ nhanh hơn nhiều và trong một chiến trường mà thách thức về kỹ thuật khó khăn hơn" và vì vậy, ông lưu ý, nếu Mỹ không dành nguồn lực cho quốc phòng tốt và sử dụng một cách khôn ngoan hơn để tạo ra"những thay đổi lớn" cần thiết để nâng cao thế trận quốc phòng, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.

J. Randy Forbes, Chủ tịch của tiểu ban các Lực lượng Hải quân thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, và Elbridge Colby tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng, một số người có thể chỉ trích các quan chức trên về sự lo lắng của họ, nhưng Đô đốc Locklear, Thứ trưởng Kendall và Tướng Dempsey nên được khen ngợi về những lời cảnh báo của họ bởi vì họ đã đúng khi chiến lược tái cân bằng quân sự tới khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đặc biệt là sự cạnh tranh và khai thác của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ - nguồn lực lợi thế quân sự của Washington trong những thập kỷ gần đây - đang bị xói mòn.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là lý do hàng đầu đặt ra thách thức đối với ưu thế quân sự của Mỹ, nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Trong khi Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa quân đội của mình, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng khiến cho danh mục đầu tư trong lĩnh vực quân sự của Mỹ không đủ số lượng và sự đa dạng để duy trì ưu thế trong một cuộc chiến quy mô lớn. Bên cạnh đó, sự thiếu tập trung và vô kỷ luật của quân đội Mỹ đã giúp cho một số nước khác như Trung Quốc bắt đầu thu hẹp khoảng cách về vũ khí trang bị cũng như khả năng quân sự.

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã công bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng trong năm nay của nước này lên 12,2%, tức là lên đến 808,23 tỷ nhân dân tệ (131,57 tỷ USD), để phát triển vũ khí công nghệ cao cũng như tăng cường bảo vệ các vùng biển và vùng trời mà Bắc Kinh tự cho là thuộc “chủ quyền” của mình. Phát biểu tại Lễ khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc diễn ra đầu tháng trước, Thủ tướng nước này, ông Lý Khắc Cường cho biết, chính phủ sẽ “tăng cường nghiên cứu về quốc phòng, phát triển các loại vũ khí và trang thiết bị mới, công nghệ cao”, cũng như “tăng cường bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển và trên không”.

“Chúng tôi sẽ tăng cường toàn diện bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang Trung Quốc, tiếp tục hiện đại hóa và nâng cao khả năng chiến đấu và sức mạnh răn đe của quân đội Trung Quốc trong thời đại thông tin”, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, Cục Tình báo Hải quân Mỹ ONI (Office of Naval Intelligence) cũng đã tiết lộ Hải quân Trung Quốc có các kế hoạch tham vọng hiện đại hóa đội tàu mặt nước và tàu ngầm. ONI cho rằng, Hải quân Trung Quốc đã từ hạm đội hoạt động ven bờ biến thành hạm đội có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở phạm vi rộng và tiêu diệt mục tiêu cách xa bờ biển nước này hàng trăm km. Theo báo cáo của ONI, Hải quân Trung Quốc hiện có 77 tàu chiến nổi cỡ lớn, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ và gần 85 tàu tên lửa nhỏ. Hải quân Trung Quốc đang đưa vào biên chế các tàu khu trục tên lửa lớp Lữ Dương III (Luyang III), trang bị radar mạng pha có khả năng phát hiện mục tiêu ở tầm ngoài đường chân trời.

Mỹ cũng lo ngại trước tốc độ đóng các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn mà trong năm nay đã bắt đầu tuần tra chiến đấu. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã lần đầu tiên có khả năng đánh trả hạt nhân. Đến năm 2020, 85% tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc sẽ là các loại hiện đại.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc.


Nếu so về tư duy chiến thuật của Trung Quốc thời gian gần đây cũng thấy được sự đổi khác. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước Bắc Kinh còn chưa dám mơ tới việc đi quá xa trên biển khi họ chỉ tập trung vào việc phòng ngự duyên hải. Thế nhưng 10 năm sau khi bắt đầu sở hữu những tàu chiến cỡ lớn, Trung Quốc có ý định vươn xa và thấm thía "nỗi đau" của một cường quốc thiếu sức mạnh biển.

Việc đẩy nhanh tới mức không ngờ việc chế tạo tàu thuyền, máy bay, tên lửa, khí cụ quân sự đã biến Trung Quốc thành một cường quốc trên biển về mặt lý thuyết. Tính tới thời điểm hiện tại, quốc gia tỷ dân này đã có trong tay đủ bộ tàu chiến giống như Mỹ và vượt mặt Nhật Bản như tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu ngầm…

Trung Quốc hiện cũng đang phát triển chiến thuật Chống tiếp cận (A2/AD) cùng với một số biện pháp khác (cuộc chiến tâm lý, truyền thông và pháp lý) nhằm hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, Trung Quốc đang theo đuổi chiến thuật “tằm ăn rỗi” hay còn gọi là “lát cắt xúc xích” (salami-slicing) đối với các nước láng giềng. Vì vậy, nếu không cận thận, Washington sẽ không thể duy trì ưu thế quân sự và không bảo đảm những cam kết của mình đối với các đồng minh tại châu Á.


Vũ Thanh (Còn tiếp)

Xem kỳ tiếp tại đây



Mất ưu thế quân sự trước Trung Quốc, Mỹ đối phó thế nào?- Kỳ cuối
Mất ưu thế quân sự trước Trung Quốc, Mỹ đối phó thế nào?- Kỳ cuối

Mỹ phải làm gì để khắc phục tình trạng mất dần ưu thế quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và những đồng đô la mà Nhà Trắng dành cho quốc phòng ngày càng hạn chế?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN