Mất ưu thế quân sự trước Trung Quốc, Mỹ đối phó thế nào?- Kỳ cuối

Mỹ phải làm gì để khắc phục tình trạng mất dần ưu thế quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và những đồng đô la mà Nhà Trắng dành cho quốc phòng ngày càng hạn chế?

(Xem kỳ 1 tại đây)

Theo J. Randy Forbes, Chủ tịch của tiểu ban các Lực lượng Hải quân thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, và Elbridge Colby tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, việc đầu tiên đòi hỏi Lầu Năm Góc phải có một học thuyết mới và những khái niệm tác chiến như Chiến lược tác chiến Không -  Biển. Điều này sẽ giúp lực lượng hiện tại và tương lai của Mỹ hoạt động hiệu quả, hiệp đồng tốt hơn trong môi trường xung đột phức tạp và sẽ cung cấp cơ sở chiến lược vững chắc để xác định những loại hệ thống vũ khí nào trong tương lai mà quân đội Mỹ cần.

Cùng với những khái niệm mới này, Lầu Năm Góc cũng cần phải suy nghĩ một cách sáng tạo về việc sử dụng những nghệ thuật quân sự mà Washington đã có. Ví dụ, sự kết hợp hệ thống tác chiến điện tử EA - 18G Growler với bay chiến đấu thế hệ thứ 4 trong thập kỷ tới để tăng cường tính sát thương trong môi trường chiến đấu khó khăn hơn.

Tàu sân bay vốn được coi là trung tâm triển khai sức mạnh Mỹ.


Thứ hai, dựa trên các khái niệm và học thuyết, Mỹ cần phải đầu tư tập trung và duy trì những lĩnh vực rất quan trọng để duy trì lợi thế ở Tây Thái Bình Dương, trong đó:

Một là, duy trì lợi thế tác chiến ngầm: khả năng tác chiến ngầm của Hải quân Mỹ sẽ giúp cho Lầu Năm Góc một lợi thế cạnh tranh độc đáo và đây sẽ là một nền tảng quan trọng để duy trì thế thượng phong quân sự trong môi trường xung đột. Do đó, Mỹ cần phải phát triển thêm các tàu ngầm tấn công lớp Virginia để bù đắp thiếu hụt dự kiến trong những năm 2020. Hơn nữa, sự phát triển của của tàu ngầm Virginia Payload Module (VPM) để tăng cường sức mạnh tấn công là cần thiết để duy trì khả năng tấn công của Mỹ ở dưới nước, đặc biệt là 4 chiếc tàu ngầm tên lửa hành trình của Hải quân Mỹ (SSGN) sẽ không được thay thế khi chúng nghỉ hưu vào thập niên 2020.

VPM sẽ thêm bốn ống phóng bổ sung để có thể mang tổng cộng thêm 28 tên lửa hành trình tấn công mặt đất, như vậy sẽ nâng tổng số tên lửa mang theo từ 37 lên 65 quả. Ngoài ra, Hải quân phải tiếp tục đầu tư vào công nghệ không người lái dưới nước, một khả năng hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột dưới biển trong tương lai và góp phần chống lại chiến lược A2/AD của Trung Quốc.

Hai là, mở rộng tầm và khả năng hoạt động của các tàu sân bay: Tàu sân bay từ lâu vốn là trung tâm của việc triển khai sức mạnh Mỹ ra bên ngoài, nhưng những tiến bộ về khả năng A2/AD của Trung Quốc sẽ buộc Mỹ phải hoạt động từ xa hơn. Kết hợp giữa việc hiện đại hóa các máy bay có người lái và không người lái có thể hoạt động trong không phận khu vực tranh chấp trên tàu sân bay là một phần quan trọng của nỗ lực này. Máy bay có người lái và không người lái trên tàu sân bay trong tương lai phải có khả năng hoạt động ở phạm vi rộng hơn, lâu hơn, tàng hình, tải trọng và tác chiến điện tử tốt hơn; tàu sân bay cũng phải có khả năng hoạt động trong môi trường bị đe dọa một cách toàn diện.

Ba là, duy trì các loại máy bay ném bom tầm xa: Khả năng tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương đã, đang và sẽ rất quan trọng đối với ưu thế quân sự của Mỹ. Điều quan trọng là máy bay có thể xâm nhập vào khu vực được bảo vệ chặt chẽ nhất để tấn công các mục tiêu quan trọng của đối phương. Vấn đề là các máy bay ném bom hiện có của không quân Mỹ đang bị lão hóa một cách nhanh chóng.

Để đáp ứng với yêu cầu hoạt động trong môi trường phòng không nguy hiểm hơn do các hệ thống phòng thủ tiên tiến mà các đối thủ cạnh tranh của Mỹ đang và sẽ triển khai, lực lượng không quân Mỹ đang phát triển máy bay ném bom tấn công tầm xa (LRS -B), vừa có khả năng tấn công hạt nhân và thông thường, có tốc độ, tàng hình, tầm và tải trọng để hoạt động trong các môi trường phức tạp. Loại máy bay này với khả năng của nó là hoàn toàn cần thiết cho một thế trận quốc phòng có ý nghĩa của Mỹ trong một cuộc tranh chấp tiềm năng ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Vì lý do này, các chương trình máy bay ném bom tầm xa phải tiếp tục được duy trì. Do đó, điều quan trọng là không quân quản lý các chương trình để chi phí hợp lý và Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ.

Mỹ hy vọng đầu tư vào các loại vũ khí có công nghệ hiện đại sẽ duy trì ưu thế quân sự trước các đối thủ cạnh tranh của mình.


Bốn là, mua sắm các loại vũ khí cần thiết: Mỹ cần phải đầu tư vào một thế hệ vũ khí tấn công mới để bắt kịp với nhu cầu của sự phát triển về công nghệ vũ khí dẫn đường chính xác. Hiện cả chất lượng và số lượng đạn dược quân đội Mỹ đang là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn đối mặt với áp lực cắt giảm ngân sách quốc phòng, trong khi mua sắm và phát triển vũ khí thông minh trở thành chương trình ưu tiên của Lầu Năm Góc. Hiện Mỹ đang chịu sức ép từ các loại tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) của Trung Quốc, trong khi các ASCM của Hải quân Mỹ lại được thiết kế trong những năm 1970 và không còn có nhiều khả năng sống sót hoặc hoạt động để chống lại các loại mối đe dọa phức tạp hơn hiện nay đang được phát triển bởi Hải quân Trung Quốc.

Năm là, đầu tư vào các công nghệ tiên tiến và thế hệ tiếp theo: Trong nhiều thập kỷ, quân đội Mỹ đã duy trì lợi thế quân sự của mình phần lớn dựa vào việc khai thác hiệu quả công nghệ. Điều này phải được tiếp tục ưu tiên như đã làm trong quá khứ. Do đó, Mỹ cần phải tiếp tục đầu tư vào công nghệ mới nhằm giúp duy trì lợi thế trong việc tạo ra những khả năng có thể "thay đổi cuộc chơi". Đây không chỉ đơn giản là một điều "nên làm", mà là “phải làm”, đặc biệt trong các lĩnh vực chính của cạnh tranh trong tương lai chẳng hạn như robot, vũ khí năng lượng định hướng, radar thế hệ tiếp theo, điện từ và siêu âm.

Hai ông J. Randy Forbes và Elbridge Colby cho rằng việc Mỹ phải đối mặt với một thực tế cạnh tranh địa chính trị trong bối cảnh sự trỗi dậy ngày càng tăng của một vài cường quốc khác, vốn là điều không quen thuộc đối với các thế hệ trước. Các cường quốc đang trỗi dậy này (đặc biệt là Trung Quốc và Nga) có một quân đội hiện đại có thể thách thức quân đội Mỹ ở cấp độ cao hơn trong một cuộc xung đột. Mỹ đã không có một đối thủ cạnh tranh như vậy trong gần 30 năm, khiến nhiều người bị ru ngủ bởi sự tự mãn và cho rằng duy trì thế thượng phong quân sự trong một mối quan hệ như vậy không phải là điều quá quan trọng.

Nhưng những hành động ngày càng khiêu khích hơn của Trung Quốc trong vùng biển Hoa Đông và Biển Đông gần đây cho thấy nước này đang vươn lên khẳng định vị thế là một trong số những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cạnh tranh với vị trí thống trị của Mỹ. Mỹ sẽ không hài lòng nếu Trung Quốc có thể chiếm được ưu thế quân sự trong khu vực năng động nhất thế kỷ XXI. Để ngăn chặn viễn cảnh này, Washington nên tập trung vào chương trình hiện đại hóa quốc phòng đầy tham vọng nhưng hợp lý trên.


Vũ Thanh
(N.I)
Mỹ sẽ ‘tấn công’ Nga ở Trung Đông?
Mỹ sẽ ‘tấn công’ Nga ở Trung Đông?

Việc Mỹ cùng các đồng minh phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết một số vấn đề quốc tế quan trọng, cụ thể là vấn đề hạt nhân của Iran, cuộc xung đột ở Syria và tình hình tại Afghanistan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN