Ai Cập được cho là đang cân nhắc gửi hàng chục nghìn tên lửa cho Nga và tình báo Nga tuyên bố UAE là đối tác gần gũi mới của họ, trong khi Israel tuyên bố không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Những nội dung như vậy được tiết lộ trong một loạt tài liệu bị rò rỉ của Mỹ gần đây đã khiến Washington lo lắng, nhấn mạnh thách thức mà nước này phải đối mặt trong việc thuyết phục các nước Trung Đông hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Điều đó đặc biệt đúng khi các nhà lãnh đạo ở khu vực này ngày càng bày tỏ lo ngại rằng Mỹ không có cam kết với họ.
Các quan chức Mỹ phủ nhận rằng Washington đang từ bỏ Trung Đông, chỉ ra sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ và các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ ở đó. Tuy nhiên, các tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực đang ủng hộ Nga trong bối cảnh lo ngại về một khoảng trống do Mỹ để lại.
Jon Alterman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nói: “Tất cả các quốc gia ở Trung Đông hiện đang đặt cầu hỏi về ý nghĩa của việc liên kết với Mỹ, chi phí để liên kết với Mỹ là gì và liệu có cách nào để tăng cường mối quan hệ với Mỹ hay không?”.
Bên cạnh đó, các đối tác Trung Đông của Mỹ cũng lo lắng về vị thế của họ trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Mối quan ngại này họ đang tiếp diễn dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, người coi một Trung Quốc đang trỗi dậy là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc thậm chí gần đây còn làm môi giới cho việc nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.
Nhưng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, nơi nước này có sự hiện diện quân sự ở những nước như Syria, cũng rất đáng kể. Và cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự cạnh tranh thậm chí còn căng thẳng hơn giữa Washington và Moskva để giành được sự ủng hộ - hoặc ít nhất là sự trung lập thực sự - từ các quốc gia Trung Đông, nơi vẫn là nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu chính.
Một nhà ngoại giao Trung Đông cho biết trong điều kiện giấu tên rằng, có một điều đáng thất vọng về Mỹ là nền chính trị trong nước không thể đoán trước và vấn đề tư duy ngắn hạn trong việc định hình chính sách. Sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách trong thập kỷ qua - từ Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống Donald Trump và bây giờ là Joe Biden - đã làm tăng thêm cảm giác không chắc chắn.
Các tài liệu bị rò rỉ chỉ ra rằng ngay cả khi các quốc gia Trung Đông nhận được hàng tỷ USD viện trợ an ninh của Mỹ, họ cũng không sẵn sàng đi theo sự lãnh đạo của Washington. Hiện tất cả nội dung của tài liệu bị rò rỉ vẫn chưa được xác minh, nhưng Nhà Trắng không phủ nhận rằng có thông tin chính xác trong đó.
Ví dụ, trong khi Ai Cập nhận được hơn 1 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ hàng năm, nhưng một tài liệu do tờ Washington Post đưa tin cho biết Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã cho phép bí mật sản xuất tới 40.000 tên lửa cũng như các loại vũ khí khác để vận chuyển đến Nga.
Đại sứ quán Ai Cập tại Washington không bình luận trực tiếp về tài liệu, nhưng cho biết trong một tuyên bố rằng quan điểm của họ về cuộc xung đột Nga-Ukraine là “không can dự vào cuộc khủng hoảng này và cam kết duy trì lập trường cân bằng với cả hai bên”.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng không có giao dịch nào như vậy của Ai Cập với Nga đã diễn ra. Quan chức này nói: “Ngoài Iran, không có quốc gia Trung Đông nào đang cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không bình luận cụ thể về việc liệu Tổng thống Sisi có thực hiện bất kỳ bước nào để biến một kế hoạch như vậy thành hiện thực hay không.
Một tài liệu khác mô tả các sĩ quan tình báo Nga cho biết họ đã thuyết phục UAE “hợp tác đối phó với các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh”, theo hãng tin AP. Trong một tuyên bố với AP, UAE gọi những tuyên bố liên quan đến các đặc vụ Nga là “hoàn toàn sai sự thật”.
Một tài liệu nữa đề cập đến UAE, mô tả cách quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có này đàm phán với một công ty Nga để xây dựng một trung tâm bảo trì khu vực cho các hệ thống vũ khí của UAE. Đại sứ UAE tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Trong khi đó, Chính quyền Biden gần đây đã gọi UAE là "điểm nóng trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga". Elizabeth Rosenberg, một quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ, đã cáo buộc vào đầu tháng 3 năm nay rằng “từ tháng 6 đến tháng 11/2022, các công ty của UAE đã xuất khẩu hơn 5 triệu USD hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ, sang Nga, trong đó có các thiết bị bán dẫn".
Một số tài liệu bị rò rỉ cũng đề cập đến Israel, quốc gia nhận được gần 4 tỷ USD viện trợ an ninh của Mỹ mỗi năm. Tài liệu lưu ý rằng Israel đang cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vì nước này cần Nga "làm ngơ" khi Israel ném bom các địa điểm ở Syria có liên quan đến Iran.
Bất chấp mối quan hệ lâu đời, căng thẳng Mỹ - Israel đã tăng lên bất thường trong những tháng gần đây khi một chính phủ cực hữu ở Israel cố gắng thông qua các luật mà nhiều người nước này lo ngại sẽ làm suy yếu nền dân chủ của họ.
Nhưng cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Trung Đông lại chủ yếu dựa vào việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Israel và củng cố các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao và các mối quan hệ khác giữa Israel và các nước láng giềng Arập.
Mặc dù trong khi nhiều quốc gia Trung Đông đã bỏ phiếu cho các nghị quyết của Liên hợp quốc phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, phần lớn họ tránh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin hoặc cắt giảm mạnh quan hệ với Moskva.
Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, nước có ảnh hưởng trong khu vực chủ yếu là do kinh doanh và về mặt ngoại giao. Amy Hawthorne, nhà phân tích về dân chủ Trung Đông, nhận định: “Hiện nhiều nhà lãnh đạo Trung Đông chia sẻ một số mối quan điểm mang tính ý thức hệ với Nga và Trung Quốc - họ có thể nhìn thế giới giống như cách nhìn của Bắc Kinh hay Moskva thay vì cách nhìn của các nhà lãnh đạo Mỹ”.