30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN:

Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế riêng của ASEAN

Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995. Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế.

Chú thích ảnh
Ông Harry Hoàng trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia. Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia

Nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện quan trọng này, phóng viên TTXVN tại Australia đã có cuộc trò chuyện với ông Harry Hoàng - Chủ tịch Hội người Việt tại thủ đô Canberra, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Canberra và là người được Toàn quyền Australia tặng Huân chương Danh dự Australia (OAM), một trong những danh hiệu cao quý dành cho công dân ở Australia vì những đóng góp và cống hiến xuất sắc cho cộng đồng.

Nói về những đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với ASEAN trong suốt 30 năm qua, ông Harry Hoàng OAM cho rằng với vị trí địa lí quan trọng và cách quản lý khéo léo các xung đột, Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc duy trì dòng lưu thông hàng hóa ổn định, thuận lợi giữa các nước ASEAN với Trung Quốc và Australia. Đó là điều không thể tranh cãi và phủ nhận. Bên cạnh đó, Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong việc tham gia xây dựng và thúc đẩy việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đảm bảo an ninh và hòa bình ở vùng biển này cũng như trong nội khối.

Theo quan sát của ông Harry Hoang OAM, nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định bền vững trong suốt 30 năm qua, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giới đầu tư - những người đang “nhắm” tới ASEAN. Việc Việt Nam phát triển kinh tế đa ngành và sự sáng tạo, dám thử thách trong các lĩnh vực như công nghệ xanh đã tạo ra tính đa dạng trong chuỗi cung ứng của khu vực.

Theo ông Harry Hoang OAM, từ trước đến nay, các quốc gia ASEAN được biết đến như công xưởng của các nước phát triển. Việt Nam là nước đầu tiên làm chủ cả công nghệ lẫn sản xuất, trở thành “điểm then chốt” cho thấy ASEAN đã sẵn sàng làm ra các sản phẩm “Made in ASEAN” (Sản xuất tại ASEAN). Nói cách khác, vai trò của Việt Nam rất đặc biệt, giúp ASEAN có thể tạo ra mô hình kinh tế của riêng mình.

Ông Harry Hoàng OAM nhận định Việt Nam đang vươn lên vị trí dẫn đầu về nhiều mặt, bao gồm xuất khẩu nông sản, công nghệ, du lịch, giáo dục, công nghệ xanh… Vị trí dẫn đầu này sẽ củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới.  

Ông Harry Hoang OAM nhắc lại 12 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Điều này cho thấy hướng đi của Việt Nam không chỉ “gói mình” trong khu vực, mà còn muốn vươn ra thế giới. Việt Nam đã biết khai thác tiềm năng ở các nước bạn như Myanmar, Indonesia, Thái Lan, ví dụ Tổng Công ty Viễn thông Viettel là một trong những đơn vị chủ lực và đi đầu trong việc xuất khẩu công nghệ, trí tuệ và dịch vụ của Việt Nam sang Myanmar. Việc Việt Nam tận dụng các thỏa thuận thương mại và thuế quan với các nước ASEAN, theo ông Harry Hoàng OAM, là một bước đi dũng cảm và khôn khoan, là minh chứng cho mô hình kinh tế xuất khẩu của Việt Nam và xuất khẩu trí tuệ Việt.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đạt được thỏa thuận thuế quan đối với Mỹ. Đây là minh chứng cho vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực. Trong bối cảnh địa chính trị khu vực và toàn cầu ngày càng phức tạp, ông Harry Hoang OAM cho rằng Việt Nam có thể lên tiếng cùng ASEAN thương thảo thuế với Mỹ bởi sự đoàn kết lúc này là cần thiết để có tiếng nói chung, từ đó có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn. ASEAN và Việt Nam có thể xây dựng một cơ chế thuế đối ứng đặc biệt và cùng thương lượng với Mỹ để giúp ASEAN duy trì sự cân bằng trong giao thương giữa các khu vực.

Theo ông Harry Hoang OAM, ASEAN và Australia có thể được coi là nền kinh tế Nam Bán cầu, “nơi trú ẩn” khá an toàn trong những tình huống xấu hơn có thể xảy ra ở các khu vực tranh chấp. Do đó, ASEAN - Australia nên cùng nhau thuyết phục Mỹ hiểu rằng việc nhập khẩu hàng hóa hay dịch vụ từ nền kinh tế Nam Bán cầu cũng đồng nghĩa với việc “mua cho mình một giấc ngủ ngon”. 

Để duy trì vai trò trung tâm trong khu vực, theo ông Harry Hoang OAM, ASEAN cần tự chủ nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, tránh lệ thuộc vào các nước lớn, vốn có chiến lược sử dụng nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN và mang lại ảnh hưởng có lợi cho họ trong kinh tế chính trị. ASEAN nên xây dựng mô hình quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng có thể chia sẻ giữa các nước trong khối. Cũng tương tự như mô hình Viettel đầu tư hệ thống thông tin liên lạc ở Myanmar, một quỹ đầu tư của ASEAN và do ASEAN làm chủ sẽ đảm bảo được khu vực tự chủ tốt hơn về tài chính.

Ông Harry Hoang OAM cũng tin rằng việc tự chủ và phát minh thêm công nghệ phù hợp với vùng miền và khí hậu sẽ tạo lợi thế khác biệt. Người Đông Nam Á có lợi thế về các môn khoa học tự nhiên. Có rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia giành được rất các giải thưởng Toán hay các cuộc thi khoa học trên thế giới, song về phát minh khoa học, ASEAN vẫn chưa đạt được trình độ phát triển như Nhật Bản. Vì vậy, việc làm chủ công nghệ dựa trên hiểu biết về môi trường địa lí, xã hội và tự nhiên giúp các phát minh đến từ ASEAN phục vụ kinh tế xã hội khu vực tốt hơn.

Nhìn vào đà và hướng phát triển kinh tế của “dải đất hình chữ S”, ông Harry Hoàng OAM tin tưởng đến năm 2045, Việt Nam sẽ có GDP cao nhất khối. Ông hy vọng Việt Nam sẽ chú trọng phát triển kinh tế kèm với duy trì môi trường xanh bền vững trong bối cảnh khi ASEAN trở thành công xưởng của thế giới, khó có thể tránh khỏi việc khu vực phải đón nhận hàng tỷ tấn chất thải. Nếu khoa học xử lý chất thải và tái tạo môi trường trở thành điểm mạnh đặc biệt của ASEAN, đây sẽ là lợi thế vô cùng quan trọng trong tương lai.

Theo dự đoán của ông Harry Hoàng OAM, nếu Ấn Độ được coi là xưởng sản xuất phần mềm của thế giới trong suốt 20 năm qua, thì Việt Nam sẽ đưa sản xuất công nghệ về ASEAN trước năm 2045. Dự đoán này dựa trên tốc độ và định hướng phát triển của các doanh nghiệp sản xuất phần mềm như FPT và kinh nghiệm của cá nhân ông khi vận hành doanh nghiệp ở Australia hợp tác với các đối tác và cá nhân là người Việt Nam phát triển phần mềm suốt 7 năm nay.

Ông Harry Hoang OAM đánh giá, người Việt có tư duy logic tốt, tính kiên trì cao và rất tỉ mẩn. Đây là những yếu tố đặc biệt cần thiết đối với việc phát triển phần mềm. Xuất khẩu lực lượng lao động có chất xám cao sẽ giúp Việt Nam tiếp cận và bắt đầu làm chủ chìa khóa công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, việc làm chủ công nghệ phải đi kèm với cân bằng xã hội. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, khuyến khích người dân, đặc biệt là thế thế hệ trẻ, đóng góp và đầu tư nhiều hơn cho việc bảo vệ môi trường sống, thiên nhiên và các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Ông Harry Hoàng OAM tin tưởng rằng, vào năm 2045, người Việt Nam sẽ ngày càng tự hào hơn về nguồn gốc, ngôn ngữ, văn hóa và con người Việt dù họ có đang ở đâu hay làm gì.

Thanh Tú - Lê Đạt - Văn Linh (TTXVN)
30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Từ tiến trình hội nhập đến vai trò nòng cốt kiến tạo
30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Từ tiến trình hội nhập đến vai trò nòng cốt kiến tạo

Ngày 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam, Quốc kỳ Việt Nam đã tung bay cùng cờ của 6 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu một mốc son quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam khi chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN