Nhà khoa học WHO thừa nhận quan điểm sai lầm về phương thức lây lan của COVID-19

Bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học sắp mãn nhiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa nhận cơ quan này lẽ ra phải cảnh báo với công chúng rằng COVID-19 có thể lây truyền qua các hạt sol khí (aerosols) sớm hơn.

Chú thích ảnh
Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan. Ảnh: AFP

Phát biểu với tờ Science Insider, bà Swaminathan -  người đã tuyên bố từ chức vào tuần trước - cho rằng WHO đã phạm sai lầm khi không sớm cảnh báo SARS-CoV-2 là virus lây truyền qua các hạt sol khí dựa trên các bằng chứng có sẵn trước đó. Bà nói thêm rằng “đây là điều đã khiến tổ chức này phải trả giá đắt”.

Vị quan chức này cũng lưu ý rằng WHO đã đưa ra tất cả các biện pháp - bao gồm thông gió và đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhưng tổ chức này đã không cảnh báo mạnh mẽ rằng đây là loại virus lây truyền qua không khí. Bà nói: “Tôi rất hối tiếc khi chúng tôi đã không làm điều này sớm hơn nhiều”.

Vào đầu đại dịch – khi virus bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng 12/2019, WHO đã tuyên bố rằng COVID-19 “không có trong không khí”. Trong một bài đăng trên Twitter vào cuối tháng 3/2020, cơ quan này nhấn mạnh rằng “virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói.”

Mãi cho đến tháng 10/2020, WHO mới tuyên bố rằng virus có thể lây truyền qua các hạt sol khí ở những môi trường cụ thể, bao gồm cả những không gian trong nhà đông đúc và không được thông gió đầy đủ, nơi mọi người thường tụ tập trong thời gian dài. Phải mất sáu tháng sau đó, tổ chức này mới chính thức tuyên bố rằng các hạt sol khí nhiễm virus có thể lơ lửng trong không khí hoặc di chuyển trên một quãng đường dài.

Swaminathan - bác sĩ nhi khoa người Ấn Độ - cho biết bà dự định sẽ tiếp tục làm việc trong lĩnh vực y tế ở cấp quốc gia. Động thái từ chức của bà được đưa ra trong bối cảnh một nửa trong số 16 thành viên lãnh đạo cấp cao của WHO dự kiến sẽ từ chức trong cuộc đại tu nhân sự lớn nhất của cơ quan y tế quốc tế này kể từ năm 2019

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo RT)
Ca mắc COVID-19 kỷ lục, Trung Quốc tìm cách thu hẹp khoảng trống miễn dịch
Ca mắc COVID-19 kỷ lục, Trung Quốc tìm cách thu hẹp khoảng trống miễn dịch

Đầu tháng 11 này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch nới lỏng kiểm soát đáng kể nhất cho đến nay. Nhưng nỗ lực phá vỡ các chu kỳ phong tỏa đã có một khởi đầu khó khăn khi phần lớn trong 1,4 tỉ dân của Trung Quốc vẫn chưa từng tiếp xúc với virus.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN