Ca mắc COVID-19 kỷ lục, Trung Quốc tìm cách thu hẹp khoảng trống miễn dịch

Đầu tháng 11 này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch nới lỏng kiểm soát đáng kể nhất cho đến nay. Nhưng nỗ lực phá vỡ các chu kỳ phong tỏa đã có một khởi đầu khó khăn khi phần lớn trong 1,4 tỉ dân của Trung Quốc vẫn chưa từng tiếp xúc với virus.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh ngày 24/11. Chính quyền thành phố mới đây một lần nữa phải đóng cửa các cửa hàng, bảo tàng và trường học. Ảnh: Getty Images

Một đợt bùng phát COVID-19 đang trên bờ vực trở thành đợt lớn nhất trong đại dịch ở Trung Quốc đã bộc lộ lỗ hổng nghiêm trọng trong chiến lược “không COVID” (Zero COVID) của nước này: một lượng lớn dân số không có khả năng miễn dịch tự nhiên. Sau nhiều tháng chỉ thỉnh thoảng phát hiện các điểm nóng lây nhiễm, phần lớn dân số 1,4 tỷ người của nước này vẫn chưa từng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Với con số kỷ lục 31.656 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 24/11, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Họ đã tung ra một chiến dịch tiêm vaccine tích cực hơn để tăng cường khả năng miễn dịch, mở rộng năng lực của các bệnh viện và bắt đầu hạn chế sự di chuyển của các nhóm có nguy cơ. Người cao tuổi, nhóm có tỷ lệ tiêm chủng đặc biệt thấp, là mục tiêu chính.

Những nỗ lực nói trên nhằm ngăn chặn một làn sóng bệnh nhân tăng vọt gây quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ông Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận xét: “Nhiều giường chăm sóc đặc biệt hơn và phạm vi tiêm chủng tốt hơn lẽ ra phải được chuẩn bị từ 2 năm rưỡi trước, nhưng việc tập trung duy nhất vào kiểm soát lây nhiễm đồng nghĩa là họ có ít nguồn lực hơn tập trung cho việc này”.

Chuyên gia Huang tin rằng, ngay cả với các mũi vaccine tăng cường công nghệ mRNA, hiệu quả hơn trong việc chống lại các biến thể Omicron mới nhất, giờ đây cũng sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản do mục tiêu loại bỏ lây nhiễm thay vì giảm nhẹ các triệu chứng của Trung Quốc. Ông cho rằng, việc nâng cao khả năng miễn dịch bằng cách cho phép lây nhiễm trong cộng đồng ở một mức độ nào đó “vẫn không được chấp nhận ở Trung Quốc”.

Chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc ban đầu nhằm bảo vệ cuộc sống hàng ngày của người dân và nền kinh tế đồng thời ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong. Nhưng chiến lược này ngày càng trở nên tốn kém khi các biện pháp chặt chẽ cũng không theo kịp các biến thể dễ lây lan hơn.

Chú thích ảnh
Các nhân viên dựng rào chắn kim loại bên ngoài một cộng đồng ở Bắc Kinh đang bị phong tỏa. Ảnh: Getty Images

Nỗ lực nới lỏng gặp khó, "Zero COVID" quay trở lại

Đầu tháng 11 này, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch nới lỏng kiểm soát đáng kể nhất cho đến nay, với thời gian cách ly ngắn hơn và ít yêu cầu xét nghiệm hơn. 

Nhưng nỗ lực phá vỡ các chu kỳ phong tỏa đã có một khởi đầu khó khăn. Một số thành phố nới lỏng các biện pháp, trong khi các quận ở những thành phố khác lại yêu cầu cư dân không được đặt chân ra khỏi nhà. Kết quả là tâm lý bối rối, sợ hãi và tức giận.

Căng thẳng đã nổ ra ở một số địa điểm, nổi bật nhất là tại một nhà máy khổng lồ của Foxconn ở miền trung Trung Quốc, nơi sản xuất một nửa số điện thoại iPhone trên thế giới. Hàng nghìn công nhân đã phản đối việc công ty không cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính và tôn trọng các điều khoản của hợp đồng lao động.

Chiến lược kiểm soát bùng phát một lần nữa được ưu tiên. Thạch Gia Trang, thành phố 11 triệu dân cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 450km, đã đình chỉ các yêu cầu giảm bớt xét nghiệm hàng loạt vào ngày 21/11, và công bố 5 ngày tiến hành sàng lọc toàn thành phố.

Những trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận kể từ tháng 5 - dù chỉ 1-2 ca mỗi ngày - đã làm gia tăng mối lo ngại rằng các bệnh viện chuẩn bị kém để xử lý những đợt gia tăng mạnh ca nhiễm nặng. Bloomberg Intelligence ước tính rằng việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp kiểm soát COVID-19 có thể khiến 5,8 triệu người Trung Quốc cần được chăm sóc đặc biệt trong một hệ thống có tỉ lệ 4 giường ICU /100.000 người.

Các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu và Trùng Khánh đã ra lệnh cho cư dân ở một số khu vực không ra khỏi nhà. Các trung tâm mua sắm, bảo tàng và trường học một lần nữa phải đóng cửa. Các trung tâm hội nghị lớn đang được chuyển trở lại thành các trung tâm cách ly tạm thời, giống như cách tiếp cận được áp dụng ở Vũ Hán thời bắt đầu đại dịch. Một số hạn chế chặt chẽ nhất được áp dụng với các viện dưỡng lão, trong đó 571 cơ sở ở Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất, ngăn chặn tất cả hoạt động ra vào ngoại trừ trường hợp thiết yếu.

Các quan chức lo ngại rằng việc mở cửa với một thế giới đang sống chung với virus có thể gây ra một làn sóng tử vong. 

Chú thích ảnh
Người phụ nữ nhìn vào một cửa hàng thực phẩm phải đóng cửa ở Bắc Kinh ngày 23/11. Ảnh: EPA-EFE

Từ chối vaccine ngoại, thúc đẩy vaccine nội địa

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc chỉ dựa vào các nhà sản xuất vaccine trong nước. Họ đã phê duyệt 9 lựa chọn vaccine nội địa, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine nước ngoài nào hoặc giải thích quyết định đó của họ. Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Bắc Kinh vào đầu tháng 11 đã kết thúc với một thỏa thuận cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech cho người nước ngoài sống ở Trung Quốc thông qua đối tác Shanghai Fosun Pharmaceutical.

Khi được hỏi vào tuần trước liệu chính phủ có chấp thuận sử dụng vaccine BioNTech cho dân chúng hay không, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc cho biết các nhà chức trách đang nghiên cứu một kế hoạch tiêm chủng mới sẽ sớm được công bố.

Không tiếp cận các vaccine mRNA hiệu quả nhất từ ​​Pfizer-BioNTech và Moderna, đã được cập nhật để chống lại biến thể Omicron, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn phụ thuộc vào vaccine nội địa được phát triển bằng chủng virus ban đầu.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID dạng hít, được phát triển bởi công ty dược phẩm Trung Quốc CanSino Biologics, cho một phụ nữ tại một trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng ngày 23/11. Ảnh: Reuters

Jin Dong-yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho rằng: “Trung Quốc nên phê duyệt vắc xin BioNTech và Moderna cho người dân nói chung càng sớm càng tốt”.

Thay vào đó, Trung Quốc đang cố gắng phát triển 10 ứng cử viên vaccine mRNA của riêng mình. Nghiên cứu đi xa nhất là từ nhóm công nghệ sinh học Abogen Bioscatics và Học viện Khoa học Quân y do nhà nước điều hành.

Indonesia đã phê duyệt vaccine này để sử dụng khẩn cấp vào tháng 9, nhưng nó chưa nhận được sự đồng ý từ các cơ quan quản lý Trung Quốc và có thể phải chờ đến khi có dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 ở Indonesia và Mexico. Các thử nghiệm dự kiến ​​​​sẽ kết thúc vào tháng 5/2023.

Các lựa chọn khác ở Trung Quốc bao gồm vaccine dạng hít do CanSino phát triển, đã có mặt ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu từ tháng 10. Một loại thuốc kháng virus do Trung Quốc phát triển, Azvudine, ban đầu được sử dụng cho bệnh nhân HIV, đã được phê duyệt để điều trị COVID-19 vào tháng 7. Các loại thuốc truyền thống của Trung Quốc cũng được sử dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, các loại vaccine mới và hiệu quả hơn vẫn là ưu tiên hàng đầu và các công ty dược phẩm hàng đầu của Trung Quốc đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. CanSino đang hoàn thiện một cơ sở sản xuất ở Thượng Hải có thể sản xuất 100 triệu liều mỗi năm sau khi vaccine được phê duyệt.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post)
Cuộc sống của người dân Bắc Kinh bị đình trệ vì phong tỏa, xét nghiệm COVID-19
Cuộc sống của người dân Bắc Kinh bị đình trệ vì phong tỏa, xét nghiệm COVID-19

Khi ca COVID-19 hàng ngày tăng lên mức kỷ lục, Trung Quốc đã tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt theo chính sách “không COVID” – bao gồm phong tỏa, xét nghiệm diện rộng và cách ly mọi ca nghi nhiễm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN