Hàn Quốc và Nhật Bản đẩy nhanh thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19

Ngày 25/6, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul thông báo đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đánh giá tính ổn định cũng như hiệu quả của việc sử dụng kết hợp giữa thuốc kháng virus Remdesivir và thuốc chống viêm Baricitinib trong phác đồ điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Thuốc remdesivir và baricitinib. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, hiện bệnh viện trên và Bệnh viện Đại học Quốc gia Bundang Seoul đang tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng toàn cầu mới có tên gọi ACTT-2 nhằm đánh giá sự ổn định và hiệu quả trong việc sử dụng kết hợp thuốc Remdesivir và thuốc chống viêm Baricitinib. Tổng cộng có 1.032 bệnh nhân đã đăng ký dùng thử thuốc. Thời gian phục hồi có thể được rút ngắn khi bệnh nhân sử dụng kết hợp Remdesivir và Baricitinib.

Baricitinib là loại thuốc uống thường được sử dụng ở các bệnh nhân bị viêm khớp. Baricitinib có một cơ chế kháng viêm bằng cách điều chỉnh các tế bào miễn dịch.

Theo Giáo sư Park Wan-beom, triệu chứng bệnh ở những bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19 thường diễn biến phức tạp nên việc phát triển phương pháp điều trị hiệu quả là điều vô cùng cấp bách. Ông bày tỏ hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả đối với các bệnh nhân nặng.

Trước đó, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng toàn cầu nghiên cứu ACTT-1 do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tổ chức tại Mỹ và xác nhận hiệu quả của thuốc Remdesivir trong phác độ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Có tổng cộng 1.063 người từ 73 bệnh viện tại 10 quốc gia đã tham gia nghiên cứu trên từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay. Kết quả cho thấy bệnh nhân sử dụng Remdesivir phục hồi nhanh hơn 30% so với bệnh nhân dùng giả dược (placebo). Thông qua nghiên cứu trên, Remdesivir được công nhận là loại thuốc kháng virus duy nhất đạt hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn cần phải tìm thêm thuốc kết hợp trong phác đồ điều trị để có thể kiểm soát tình trạng viêm nhiễm của các bệnh nhân mắc bệnh này.

* Cùng ngày, công ty dược phẩm sinh học Anges thông báo sẽ sớm triển khai cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine DNA lần đầu tiên trên người tại Nhật Bản - vaccine có nhiều triển vọng ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 - sau khi được một Ủy ban của Bệnh viện Đại học thành phố Osaka chính thức phê chuẩn.

Thông báo nêu rõ Anges sẽ bắt đầu tuyển chọn người đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng được tổ chức tại bệnh viện Đại học Osaka nhằm thuyết phục Chính phủ Nhật Bản cấp phép sản xuất và bán vaccine DNA vào mùa Xuân cho tới mùa Thu năm tới.

Vào giữa tháng 6 vừa qua, Thị trưởng Osaka Hirofumi Yoshimura thông báo cuộc thử nghiệm lâm sàng nói trên sẽ bắt đầu được thực hiện từ ngày 30/6 tới, với nhóm thử nghiệm ban đầu gồm 20-30 nhân viên y tế tại bệnh viện Đại học Osaka. Nếu kết quả thử nghiệm vaccine đường tiêm này bước đầu hiệu quả, Anges sẽ  thử nghiệm trên diện rộng hơn đối với khoảng 400 tình nguyện viên vào tháng 10 năm nay nhằm xác định liệu những người trưởng thành tham gia có tăng được lượng kháng thể ngừa virus SARS-CoV-2 hay không. 

Trong bối cảnh gia tăng các cuộc "chạy đua" phát triển vaccine tiềm năng phòng bệnh COVID-19, đã có khoảng 10 cuộc thử nhiệm lâm sàng được tiến hành trên toàn cầu, trong đó có các cuộc thử nghiệm do công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ, công ty dược phẩm AstraZeneca của Anh và công ty sinh học CanSino của Trung Quốc thực hiện.

Mạnh Hùng - Minh Tâm (TTXVN)
Những tiến triển trong phát triển vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu
Những tiến triển trong phát triển vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu

Viện Khoa học quân sự (AMS) của Trung Quốc mới được cấp phép thử nghiệm trên người loại vaccine thứ 2 do viện này phát triển để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN