Đây là loại vaccine thứ 8 được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc, quốc gia đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19.
Hiện chưa có vaccine nào được cấp phép bán ra thị trường nhưng trên thế giới có trên 10 loại vaccine đã bước vào các giai đoạn thử nghiệm khác nhau ở người.
Loại vaccine mới nói trên do AMS - một viện nghiên cứu thuộc Quân đội Trung Quốc - điều chế, và đã được Cục Quản lý giám sát dược phẩm quốc gia Trung Quốc cấp phép bắt đầu thử nghiệm ở người.
Theo thông báo của AMS đăng trên mạng xã hội Wechat ngày 24/6, vaccine này có tên là ARCoV, sử dụng công nghệ mRNA. Công nghệ này cũng được hãng dược Moderna Inc tại Mỹ và hãng CureVac của Đức sử dụng trong phát triển các loại vaccine tiềm năng. Đây là là lần đầu tiên một vaccine sử dụng công nghệ này được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc.
Thông báo cũng nêu rõ tất cả các nguyên liệu thô và thiết bị dùng trong phát triển vaccine đều lấy từ nguồn trong nước và việc tăng cường năng lực sản xuất hoàn toàn trong khả năng.
Trong khi đó, dù không nêu đích danh ARCoV, Cơ quan đăng ký thử nghiệm lâm sàng Trung Quốc cho biết một loại vaccine mRNA do AMS bảo trợ sẽ bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 25/6. Một loại vaccine tiềm năng khác do AMS và CanSino Biologics cùng phát triển có tên gọi là Ad5-nCoV đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại Trung Quốc. Ad5-nCoV cũng đã được cấp phép bắt đầu thử nghiệm ở người tại Canada.
* Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trường Đại học Oxford (Anh) đã bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng ở người loại vaccine phòng COVID-19 tại Brazil. Đây là loại vaccine do chính Đại học Oxford phát triển và được đánh giá là một trong những loại vaccine tiềm năng nhất hiện nay.
Lemann Foundation, nhà tài trợ dự án, cho biết khoảng 2.000 nhân viên y tế của bang Sao Paulo và 1.000 người khác tại Rio de Janeiro đã tình nguyện tham gia vào đợt thử nghiệm này. Toàn bộ số người tình nguyện đều trong tình trạng sức khỏe ổn định và không có tiền sử tiếp xúc với dịch bệnh.
Hồi đầu tháng 6, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia (Anvisa) của Brazil cũng đã cấp phép thử nghiệm lâm sàng loại vaccine do Đại học Oxford phát triển, với sự hỗ trợ của công ty dược AstraZeneca Plc.
Brazil là nước đầu tiên ngoài Anh cho phép thử nghiệm lâm sàng loại vaccine được đánh giá có nhiều triển vọng nhất trong số trên 70 loại vaccine phòng COVID-19 đang được phát triển hiện nay trên thế giới. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng nếu thành công, sản phẩm này sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm nay.
Brazil đang là tâm dịch mới của COVID-19 trên toàn cầu. Quốc gia Nam Mỹ này đang xếp thứ 2 thế giới, sau Mỹ, và đứng đầu khu vực Mỹ Latinh về số ca nhiễm và số ca tử vong với hơn 1,15 triệu ca nhiễm và 52.771 ca tử vong.
* Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch bệnh (CEPI) mới đây đã chọn ra các cơ sở có thể sản xuất khoảng 4 tỷ liều vaccine phòng COVID-19/năm. Liên minh này hiện cũng đang bảo trợ phát triển 9 loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19.
Trả lời phỏng vấn báo giới, chuyên gia sản xuất hàng đầu của CEPI James Robinson cho biết liên minh đã lựa chọn khoảng 2 hoặc 3 cơ sở sản xuất cho mỗi loại vaccine. Mục tiêu tối thiểu mà CEPI đề ra là sản xuất khoảng 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021. Liên minh này cũng đã nhắm sẵn 10 địa điểm phân phối vaccine tại các khu vực để thuận lợi cho việc vận chuyển trên toàn cầu.
Dù chưa có loại vaccine nào được cấp phép nhưng CEPI đã lên kế hoạch sẵn sàng các chuỗi sản xuất và cung ứng để đảm bảo vaccine được phân phối đồng đều khắp thế giới.
Liên minh này có trụ sở tại Na Uy, nhận được sự ủng hộ của 14 chính phủ và Quỹ "Bill & Melinda Gates". Tới nay, CEPI đã chi khoảng 829 triệu USD cho nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 phối hợp với khoảng 9 nhà phát triển và kỳ vọng ít nhất 1 loại vaccine sẽ hiệu quả.