Đáp ứng nhu cầu điều trị ung thư ở Bắc Trung bộ

Sáng 16/9, Bệnh viện ung bướu Nghệ An, Sở Y tế Nghệ An tổ chức hội nghị khoa học và kỷ niệm 5 năm bệnh viện chính thức đi vào hoạt động.

Toàn cảnh hội nghị.

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chính thức khám chữa bệnh từ ngày 8/8/2011. Trải qua 5 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, thầy thuốc của bệnh viện đã không ngừng học hỏi và làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới. Đến nay, bệnh viện đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật điều trị chuyên sâu từ chẩn đoán, phẫu thuật, hóa trị, điều trị đích phân tử đến các kỹ thuật hạt nhân. Ngoài làm chủ về chuyên môn kỹ thuật, các thầy thuốc của bệnh viện, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc trẻ, đã từng bước tiếp cận các công trình khoa học ở trong nước và thế giới. Bệnh viện đã triển khai được tất cả các kỹ thuật tuyến tỉnh trong chuyên ngành và trên 500 kỹ thuật tuyến Trung ương. Đặt biệt, bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư máu và ghép tế bào gốc tạo máu tự thân hỗ trợ điều trị ung thư vú cho 11 bệnh nhân.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện cho biết, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trung bình mỗi năm có từ 6.000 đến 8.250 người mắc bệnh ung thư. Dự báo đến năm 2020, mỗi năm hai tỉnh này có khoảng 10.000 người mắc ung thư các loại. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An ra đời có nhiệm vụ khám, phát hiện, sàng lọc, điều trị, quản lý bệnh nhân ung thư trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh trong khu vực. Cũng từ đây, Nghệ An và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ có bệnh viện chuyên khoa ung bướu giúp người dân được khám và điều trị ung thư, không phải chuyển ra tuyến trung ương, góp phần hạn chế khó khăn cho người bệnh và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, bệnh viện thường xuyên có khoảng 700 – 750 bệnh nhân điều trị nội trú và trên 3.500 bệnh nhân ngoại trú. Trong năm 2017, bệnh viện sẽ xây dựng hoàn thiện trung tâm xạ trị và y học hạt nhân và những năm tiếp theo tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh thành bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường, đưa bệnh viện trở thành trung tâm khám, chữa bệnh toàn diện, có chất lượng cao về lĩnh vực ung bướu.

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ Bệnh viện K Trung ương, Viện nghiên cứu phòng chống ung thư và một số bệnh viện khác ở Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An… đã trình bày các báo cáo quan trọng như: công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam, thách thức và giải pháp; ung thư phổi không tế bào nhỏ; sàng lọc, phát hiện sớm ung thư; đánh giá kết quả sớm phẫu thuật, điều trị ung thư; kết quả bước đầu đốt u phổi ác tính bằng sóng cao tần; đánh giá kết quả điều trị SORAFENIB trong ung thư tế bào gan nguyên phát giai đoạn tiến xa…


Báo cáo tại hội nghị cũng cho thấy, ung thư đang là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Đây cũng đang là lĩnh vực được Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Theo số liệu ghi nhận từ 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ), ước tính năm 2020 sẽ có tối thiểu 189.344 ca ung thư mắc mới. Tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn làm cho tỷ lệ chữa khỏi ung thư chỉ đạt khoảng 40% ở nữ và 33% ở nam, trong khi đó tỷ lệ này lên tới 80% ở các nước phát triển.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Bứt phá công nghệ nano trong điều trị ung thư
Bứt phá công nghệ nano trong điều trị ung thư

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của nhóm nhà khoa học Canada và Israel, ứng dụng công nghệ nano trong y học có khả năng tạo nên một cuộc cách mạng trong việc điều trị các căn bệnh đe dọa tính mạng như ung thư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN