Hành trình qua 4 vùng di sản
Tính đến tháng 4/2024, lượng khách quốc tế đến Hạ Long (Quảng Ninh) đạt hơn 600.000 lượt, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Quảng Ninh có tên trên bản đồ tổ chức sự kiện của nhiều khách hàng cao cấp thế giới, trong đó có sự kiện gây tiếng vang như đám cưới của con tỷ phú Ấn Độ. Đây là tiền đề để địa phương tìm hướng thu hút khách quốc tế tới Hạ Long tổ chức các sự kiện đặc biệt.
Clip kết nối bốn vùng vịnh, đảo thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp:
"Hành trình di sản Hạ Long" được coi là một trong những hành trình mở đường cho xu thế này. Đây là hải trình đưa du khách qua bốn vùng di sản, khám phá hết các giá trị: Địa chất địa mạo, thẩm mỹ, văn hóa lịch sử, đa dạng sinh học... của bốn vùng vịnh biển và đảo là Hạ Long - Bái Tử Long - Cô Tô - Vân Đồn.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh, đây là hành trình mới trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ninh năm 2024. "Hành trình di sản Hạ Long" là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với việc tôn vinh giá trị riêng biệt toàn cầu của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long kết nối với vịnh Bái Tử Long.
Để thực hiện Hành trình di sản Hạ Long”, du thuyền Grand Pioneers - thuộc cặp đôi du thuyền lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, có tổng vốn đầu tư 35 triệu USD đã được đưa vào sử dụng.
Xuất phát từ cảng Tuần Châu, hải trình đi qua hết các điểm nổi tiếng đặc trưng của kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, như: Hòn Chó Đá, Hòn Gà Chọi, Hòn Đỉnh Hương, Đảo Titop, Hang Sửng Sốt, Hòn Đầu Người, Hang Trống, Vung Viêng, Ba Cửa, Vụng Hà, Cống Đỏ...
Các điểm dừng đáng chú ý khác là Hang Thiên Cảnh Sơn, Hòn Rồng, Cặp La, Trà Sản, Cống Đầm, Công viên Đá Xếp (bảo tàng địa chất ngoài trời tồn tại suốt 320 triệu năm), Vạn Giò, Ba Mắt và đảo Xương Rồng, nơi gắn biểu tượng đánh dấu ranh giới điểm cuối cùng của di sản thiên nhiên thế giới. Hải trình tiếp tục mở rộng xuống Bản Sen, Vân Đồn, Quan Lạn, Vườn Quốc gia Bái Tử Long và ngược lại.
Đặc biệt, đây cũng là chuyến hải trình đầu tiên đưa du khách đặt chân đến đảo Xương Rồng, nơi gắn biểu tượng đánh dấu ranh giới điểm cuối cùng của vịnh Hạ Long, khám phá 5/7 làng chài cổ trên vịnh, đặc biệt là điểm bắt đầu của chuyến tàu không số.
“Hành trình di sản Hạ Long” kéo dài ít nhất 3 ngày 2 đêm, chỉ thực hiện được trên cấp tàu lưu trú VR-SB và đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và môi trường. Mỗi ngày tàu sẽ chạy hành trình tối thiểu từ 6-8 giờ (gấp 4 lần so với tour thông thường).
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, hành trình này đúng định hướng của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát triển vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Cô Tô - Vân Đồn, hướng tới các sản phẩm du lịch cao cấp, phát triển bền vững.
“Hành trình di sản Hạ Long” được kỳ vọng là làn gió mới trong xu hướng mới cho du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên vịnh, tăng tính quảng bá thu hút các thị trường khách du lịch cao cấp trong tương lai, giảm áp lực cho vùng lõi vịnh Hạ Long.
Trải nghiệm trên con tàu lớn nhất vịnh Hạ Long
Nằm kế bên di sản, vịnh Bái Tử Long nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và tiềm năng du lịch lớn, giá trị văn hóa lịch sử phong phú, đa dạng, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, đối với khách quốc tế, Bái Tử Long vẫn là cái tên ít được biết đến so với vịnh Hạ Long.
Ông Phạm Lê Hưng, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết, ý tưởng kết nối hai vịnh biển đẹp của Quảng Ninh đã có từ lâu, nhưng chưa làm được vì để khám phá cả cả bốn vùng vịnh sẽ cần hành trình dài. Không có các đội tàu chất lượng gắn với các sản phẩm du lịch trên vịnh, các doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện.
"Trước đây, nhắc đến Cẩm Phả, du khách chỉ nghĩ đến than. Dù Cẩm Phả giáp với vịnh Bái Tử Long, các hoạt động biển chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ và phát triển nuôi biển. Ý tưởng kết nối các vùng vịnh biển trên hành trình di sản sẽ giúp du khách khám phá thêm nhiều vẻ đẹp riêng thiên nhiên, văn hóa của vịnh. Việc có những đội tàu lớn, chở được nhiều khách hơn, ngoài thăm vịnh sẽ có thêm những trải nghiệm trên tàu sẽ giúp đánh thức được tiềm năng du lịch của Cẩm Phả, Vân Đồn", ông Hưng chia sẻ.
Ông Lương Thế Tuyên, Phó Tổng giám đốc Việt Thuận Group, đơn vị vận hành "Hành trình di sản Hạ Long" chia sẻ, ý tưởng cho chuyến hải trình đặc biệt này xuất phát từ chính nhu cầu của du khách và mong muốn khai thác hết tiềm năng du lịch của di sản.
"Vào những ngày cao điểm, tại điểm ngủ đêm trên vịnh Hạ Long có khoảng 200 du thuyền cùng hoạt động, nhưng mới chỉ khai thác hết 1/4 diện tích di sản. Còn 3/4 diện tích di sản du khách chưa được khám phá. Đối với các sản phẩm du lịch tập trung ở vùng lõi di sản, nếu khách mới đến lần đầu thì cảnh vật tuyệt đẹp. Nhưng đối với khách du lịch đến Hạ Long lần 2, lần 3 và nhiều hơn nữa, cần thêm nhiều trải nghiệm", ông Tuyên chia sẻ.