Thuốc lá gây ra gánh nặng y tế là 108.000 tỷ đồng/năm

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 do Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 26/5 tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thuốc lá là gánh nặng với tổng chi phí khám chữa bệnh, ốm đau, tử vong là 108.000 tỷ đồng/năm

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu. Ảnh: TTXVN phát

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, theo Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. 
 
Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.
 
Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. 
 
Tại Việt Nam, hàng năm được phép của Thủ tướng, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5. Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay với thông điệp được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn: "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".
 
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ. Bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
 
Bộ trưởng cho biết, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.
 
Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022). Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.
 
"Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là trong giới trẻ, ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, với quyết tâm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Trong đó, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng.
 
Vào ngày 13/5 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục ban hành Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.
 
"Với sự ủng hộ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức, Bộ Y tế mong rằng công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ ngày càng đạt được những kết quả tốt hơn nữa, góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và mọi người dân Việt Nam vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và cộng đồng, hãy tiếp tục có những hành động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
 
Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, vì mục tiêu sức khỏe của toàn dân.
 
Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, hai hành động: Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; và tăng thuế thuốc lá - sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững. 
 
"Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ để lại một di sản lâu dài, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người trên khắp đất nước hiện nay và cho các thế hệ mai sau - bằng cách giúp mọi trẻ em ở Việt Nam có cơ hội sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc", Tiến sĩ Angela Pratt nói.
 
Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc.
 
Rất nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như chiến dịch "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử"; "Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc" của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Các chiến dịch sáng kiến, Hội thi: Gia đình có sức khỏe, không khói thuốc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được triển khai và có tác động sâu rộng tới cộng đồng, đặc biệt là trong thanh niên, phụ nữ và trẻ em gái.

Bích Thuỷ (TTXVN)
Những lợi ích lâu dài của việc bỏ thuốc lá
Những lợi ích lâu dài của việc bỏ thuốc lá

Không hút thuốc lá không những giúp bạn giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần lẫn thể chất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN