Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, việc mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - là một quyết định lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta. Con đường ấy là biểu hiện sinh động của khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Không chỉ mang sứ mệnh trong cuộc kháng chiến, thời bình, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy sức mạnh của con đường huyền thoại, góp phần đưa Việt Nam vững bước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hiệp định Geneva tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền. Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời là hậu phương cho tiền tuyến miền Nam giành lại chính quyền đang đặt dưới sự cai trị ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Yêu cầu ngày càng cao của mặt trận miền Nam đặt ra nhu cầu bức thiết về một tuyến vận chuyển đảm bảo được nhân lực, vật lực cho tiền tuyến.
Con đường mòn xuyên dãy Trường Sơn đã được sử dụng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Những đoàn quân chiến đấu, những chuyến xe thồ, những gùi lương thực, đạn dược đã theo con đường này tỏa ra các mặt trận từ Bắc đến Nam. Tuy nhiên, quy mô của nó không thể đáp ứng được sự chi viện cho cách mạng miền Nam đang ngày càng lớn mạnh; cho nên, việc khai thông, mở rộng hệ thống đường mòn Trường Sơn thật sự cấp thiết.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Đoàn 559 để xây dựng đường Trường Sơn thành tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam, cũng như cách mạng Lào và Campuchia. Do ngày thành lập Đoàn 559 trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đây, con đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh” - cái tên đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân và dân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, Đoàn 559 chọn khe Hó - nằm giữa một thung lũng ở phía Tây Nam Vĩnh Linh (Quảng Trị) - làm địa điểm xuất phát để tiến vào dãy Trường Sơn “soi đường”, lập trạm. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, chuyến hàng đầu tiên được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến, vì mỗi khẩu súng, mỗi viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.
Như vậy, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành là kết quả của đường lối cách mạng độc lập, sáng tạo của Đảng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên cả hai miền Nam - Bắc, động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc chi viện cho chiến trường miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam. Bộ đội Trường Sơn đã vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, tổ chức, xây dựng tuyến chi viện chiến lược theo quy luật của cuộc chiến tranh nhân dân, phát triển từ thấp đến cao, từ yếu đến mạnh, từ thô sơ đến hiện đại.
Từ những đường mòn nhỏ hẹp ở Đông Trường Sơn, chỉ sau 5 năm hoạt động, Đoàn 559 cùng các đơn vị vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xây dựng được tuyến hành lang vận tải, với tổng chiều dài gần 2.000 km, gồm đường cơ giới, đường gùi thồ, đường giao liên và đường sông, hoạt động ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn xa tới Lộc Ninh (Bình Phước), gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, với tổng chiều dài gần 17.000 km đường xe cơ giới, trên 3.000 km đường giao liên, gần 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc… tạo thành một thế trận đường chiến lược xuyên Bắc - Nam, đi qua các nước bạn Lào, Campuchia, vươn tới các chiến trường, các địa phương một cách liên hoàn, đồng bộ, thông suốt, bắt kịp thời cơ “thần tốc” mở đường, đáp ứng yêu cầu vận tải chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc tới tiền tuyến lớn miền Nam.
Khởi đầu từ Tiểu đoàn giao liên vận tải bộ 301 - đơn vị vận tải bí mật, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, quy mô nhỏ, với lực lượng gần 500 cán bộ, chiến sĩ, sau 2 năm, Đoàn 559 đã phát triển thành lực lượng tương đương cấp sư đoàn, với quân số 6.000 người; sau 6 năm phát triển thành lực lượng tương đương cấp quân khu. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn phát triển lên đến gần 12 vạn người, với sự đa dạng về thành phần lực lượng, được tổ chức thành nhiều trung đoàn, sư đoàn binh chủng và các cục nghiệp vụ.
Từ phương thức hoạt động phòng tránh bị động, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tiến tới phòng tránh tích cực với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Từ vận tải chủ yếu vào ban đêm để tránh địch phát hiện, đánh phá, Bộ đội Trường Sơn đã chuyển sang vận chuyển cả ban ngày trên hàng nghìn ki-lô-mét “đường kín” (là các con đường chạy dưới các tán cây của rừng Trường Sơn). Đây là một trong những sáng tạo độc đáo của Bộ đội Trường Sơn.
Trải qua 16 năm (1959 - 1975), Bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ, tuyến đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, vươn xa, tạo thành mạng lưới vận tải cơ giới đường bộ, đường sông hoàn chỉnh, trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam; biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Chiến tranh kết thúc, nhưng sứ mệnh của đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã và đang được các thế hệ sau viết tiếp. Trên những tấm bia của Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, hơn 1 vạn hài cốt trong tổng số hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong năm xưa ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn đã được quy tập về đây, để ngàn đời sau tri ân, tưởng nhớ. Và cũng trên tuyến đường này, các công trình mới đang được xây dựng, cải tạo, nhằm biến đường Hồ Chí Minh thành một mạch xương sống mới, mang sứ mệnh mới của thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước.
Nhận thức được vị trí chiến lược của đường Hồ Chí Minh, vừa là con đường chiến lược an ninh, quốc phòng, vừa là con đường quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, nhất là vùng Tây Nguyên, ngày 3/12/2004, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km, kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến tận Đất Mũi Cà Mau, trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500 km. Tuyến đường chiến lược này hình thành trục xuyên Việt thứ hai, bên cạnh Quốc lộ 1A, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng cường liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc - Trung - Nam; tạo điều kiện hạ tầng để khai thác, phát triển vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng phía Tây Tổ quốc.
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh. Ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng.
Tính đến đầu năm 2024, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.488 km (đạt hơn 90%) và khoảng 258 km tuyến nhánh. Hơn 250 km còn lại thuộc 5 dự án thành phần đang triển khai dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế, thể hiện rõ vai trò là con đường mang tính chiến lược trong phát triển, góp phần quan trọng bảo đảm chính trị, an ninh, phòng thủ biên giới, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Đường Hồ Chí Minh là một công trình lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi được phê duyệt đến nay tròn 20 năm, đường Hồ Chí Minh đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở phía Tây đất nước.
Đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Bắc Trung Bộ đã khiến vùng đất này thay đổi diện mạo. Từ những cánh rừng heo hút, nay đã có dân cư sinh sống cùng nhiều khu công nghiệp, mô hình kinh tế. Quy hoạch của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định đường Hồ Chí Minh là một trong những hành lang kinh tế của địa phương, trong đó khu vực miền Tây và vùng phụ cận phát triển các cụm công nghiệp và một số khu công nghiệp quy mô diện tích phù hợp để thu hút các ngành: chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm; sản phẩm đầu vào ngành nông nghiệp; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; ngành may mặc, da giày và nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày; sản xuất các loại vật liệu xây dựng thông thường... và hình thành chuỗi đô thị.
Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có 53 km đường Hồ Chí Minh đi qua 11 xã, trong đó có 5 xã biên giới. Đây là vùng rừng núi rộng lớn, hoang vu. Hiện nay, bám dọc đường Hồ Chí Minh là 22.000 ha rừng trồng, gần 5.000 ha chè công nghiệp, cây ăn quả, cùng hệ thống nhà máy chế biến chè xuất khẩu tương đối dày đặc và một số dự án chế biến nông - lâm sản đang triển khai.
Đối với tỉnh Quảng Bình, đường Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội ở các xã phía Tây của tỉnh, mà còn mở ra triển vọng lớn đối với ngành du lịch tỉnh nhà. Những địa phương nằm dọc đường Hồ Chí Minh đã kết hợp, phát triển du lịch lịch sử với du lịch sinh thái; trùng tu, tôn tạo, khai thác giá trị các di tích lịch sử như: Hang 8 thanh niên xung phong, Trạm Thông tin A72. Du lịch đường Hồ Chí Minh gắn liền với các tuyến du lịch có tính liên hoàn như điểm du lịch nước khoáng nóng Bang, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những địa danh quen thuộc trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, đường 12A, đường 15… Những năm gần đây, các tuyến du lịch này đều đặn thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm, mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cũng mang giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của ông cha cho các thế hệ mai sau, đồng thời phát triển thành các địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Đường Hồ Chí Minh không chỉ làm cho diện mạo và cuộc sống bà con sinh sống hai bên đường thay đổi rất lớn, kết nối thông thương hàng hóa từ Bắc vào Nam, mà còn là con đường phục vụ cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão. Đường Hồ Chí Minh gần biên giới, có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tuần tra biên giới, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Con đường phát triển, thu hút dân cư và những cư dân này đã trở thành những “cột mốc sống” trong bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Tuy nhiên, so với tuyến đường ven biển, tốc độ phát triển dọc tuyến đường Hồ Chí Minh còn khoảng cách khá xa, nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hiệu quả. Sản vật địa phương dọc khu vực đường Hồ Chí Minh đa dạng nhưng việc tiêu thụ còn hạn chế; hạ tầng công nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, việc khai thác các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản và du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.
Đường Hồ Chí Minh cũng đi qua các khu vực biên giới, gần các cửa khẩu, khu vực đất lâm nghiệp rộng lớn, là vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Do vậy, các địa phương cần có chiến lược quy hoạch sớm khi còn thưa dân, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến, đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những "kỳ tích" mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài: Diệp Ninh - Thu Hạnh (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Hà Nguyễn
26/05/2024 06:10