Khuyến cáo này của CDC được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) sau khi có hai nghiên cứu gần đây tại Brazil đã ghi nhận xuất hiện chứng co giật và động kinh ỏ một số trẻ sơ sinh bị nhiễm virus Zika bẩm sinh.
Trẻ em bị mắc chứng đầu nhỏ do ảnh hưởng của virus Zika điều trị tại bệnh viện ở Salvador, Brazil, ngày 28/1/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo tuyên bố của CDC, do các triệu chứng co giật ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất khó phát hiện nên các trường hợp động kinh liên quan đến virus Zika có thể sẽ bị chẩn đoán nhầm hoặc ghi nhận không đầy đủ. Cũng theo CDC, việc phát hiện, chẩn đoán, báo cáo sớm về các triệu chứng co giật và động kinh của trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ sẽ giúp các cơ quan y tế đảm bảo hướng dẫn các gia đình nhận được hỗ trợ và điều trị đúng cách.
Dịch bệnh do virus Zika gây ra bắt đầu bùng phát tại các nước Nam Mỹ từ năm 2015 và hiện đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika do tốc độ lây truyền nhanh chóng của loại virus này. Virus Zika chủ yếu lây truyền qua vết cắn của loại muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) nhưng cũng có thể lây qua đường tình dục.
Người nhiễm virus này có những triệu chứng nhẹ hơn bị sốt xuất huyết hoặc bệnh sốt phát ban do muỗi truyền bệnh, gồm viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và phát ban. Bệnh không nguy hiểm đối với người bình thường, nhưng những phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika có thể sinh con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển, hoặc các vấn đề về thị giác, thính giác và di chuyển chân tay. Cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa bào chế được vaccine hay thuốc đặc trị phòng chống virus Zika.