Theo hãng tin Reuters, diễn đàn đã thu hút lãnh đạo của 18 quốc gia Thái Bình Dương, cộng thêm phái đoàn từ quốc gia không phải là thành viên bao gồm có Mỹ và Trung Quốc đến dự.
Tổng thống Nauru, ông Baron Waqa đã gay gắt chỉ trích phái đoàn Trung Quốc tại diễn đàn vì mang thái độ “kiêu ngạo” và “bắt nạt”, khăng khăng đòi phát biểu khi chưa đến lượt.
Tổng thống Waqa trả lời trong một hội nghị báo chí ngày 4/9: “Quan chức Trung Quốc yêu cầu được nói khi Thủ tướng Tuvalu đang chuẩn bị phát biểu. Ông ấy khăng khăng đòi phát biểu và không có thái độ khiêm nhường. Ông ấy gây rối loạn và khiến cuộc họp có sự tham gia của nhiều lãnh đạo gián đoạn vài phút, trong khi ông ấy chỉ là một quan chức. Có lẽ vì ông ấy đến từ một nước lớn nên muốn bắt nạt chúng tôi”.
Quan chức dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Du Qiwen – Đại sứ Trung Quốc tại Fiji.
Về phía Bắc Kinh, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết chính quốc đảo Nauru mới có hành vi phi ngoại giao giao yếu kém như vậy.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường ngày, bà Hoa Xuân Oánh nói: “Nauru, nước chủ nhà tổ chức diễn đàn, đã vi phạm quy tắc và luật lệ của diễn đàn”.
Trước khi xảy ra sự cố trên, giới chức Nauru cũng đã làm phật lòng phái đoàn Trung Quốc khi yêu cầu các đại biểu Trung Quốc dùng thị thực cá nhân, và kiên quyết không đóng dấu thị thực ngoại giao.
Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có vai trò kinh tế chủ chốt tại khu vực quần đảo Thái Bình Dương khi chi hàng tỷ USD cho các hoạt động giao thương, đầu tư và du lịch.
Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, số tiền nợ Trung Quốc của các quốc gia tại khu vực này đã tăng vọt từ con số 0 lên tới 1,3 tỷ USD. Trung Quốc trở thành quốc gia tài trợ lớn thứ 2 cho khu vực, chỉ sau Australia.
Quốc đảo Nauru không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.