Phát biểu tại họp báo ở Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge cho biết: "Khi các cuộc tụ tập xã hội gia tăng, nhiều người di chuyển hơn và các lễ hội lớn cũng như các sự kiện thể thao lớn diễn ra trong thời gian tới, WHO châu Âu kêu gọi mọi người hãy thận trọng". Ông nói: "Nếu bạn chọn cách đi lại, hãy có trách nhiệm. Hãy ý thức các nguy cơ".
Trong hai tháng qua, số ca nhiễm, tử vong và nhập viện mới tại châu Âu đều đã giảm, cho phép 36 trong số 53 quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Số ca nhiễm ghi nhận trong tuần trước là 368.000 ca, tương đương 1/5 số ca nhiễm hằng tuần ghi nhận trong thời đỉnh dịch tháng 4/2020.
Ông Kluge thừa nhận tiến bộ đạt được ở hầu hết các nước trong khu vực, song nhấn mạnh "không có gì chứng tỏ rằng đã hết nguy hiểm". Ông cho biết biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, rất đáng lo ngại, đồng thời nhắc nhở rằng các nước cần rút ra bài học từ đợt bùng phát số ca trong mùa Hè năm ngoái ngay cả khi các chiến dịch tiêm phòng hiện đang được đẩy nhanh khắp khu vực. Theo ông, đến nay chỉ có 30% dân số khu vực châu Âu được tiêm liều vaccine đầu tiên, và điều đó là chưa đủ đề ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.
Trong diễn biến khác, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đã quyết định không chọn mua bổ sung 100 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson, và nếu có đặt hàng thì sẽ cân nhắc dùng số vaccine này để viện trợ cho các nước nghèo.
Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện một số vấn đề về nguồn cung và an toàn của vaccine này. Các cuộc thảo luận trong EU đã cho thấy niềm tin giảm đối với loại vaccine chỉ tiêm một liều duy nhất này, dù ban đầu được ca ngợi là đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tiêm phòng thành công ở châu Âu.
Liên quan đến hợp đồng giữa EU với hãng Johnson & Johnson, có một sự hiểu nhầm trong cách dùng từ liên quan đến việc đặt mua 100 triệu liều bổ sung. Trong hợp đồng, EU đặt mua 200 triệu liều và "có thể chọn mua" thêm 200 triệu liều theo hai đợt. Thời hạn để đưa ra lựa chọn cho đợt thứ hai gồm 100 triệu liều còn lại đã hết vào cuối tháng 6 nhưng không có quyết định nào được đưa ra về việc có mua hay không.
Lý do của quyết định trên có thể là vấn đề nguồn cung và sự an toàn của vaccine này.
Một quan chức Ủy ban châu Âu (EC) cho biết theo thỏa thuận ban đầu, Johnson & Johnson cam kết cung cấp 55 triệu liều cho EU vào cuối tháng 6, nhưng đến nay chỉ giao 12 triệu liều. Các chính phủ EU đã từng bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ này. Hai đợt giao hàng triệu liều khác đã phải chậm lại trong vài tuần do Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đánh giá độ an toàn của vaccine này sau đợt lây nhiễm tại một nhà máy của Johnson & Johnson ở Mỹ.
Johnson & Johnson không bình luận về vấn đề nguồn cung cũng như lệnh mua mang tính lựa chọn của EU, song khẳng định cam kết cung cấp đủ 200 triệu liều cho khối.
Các số liệu nội bộ cho thấy EU đã đảm bảo đủ vaccine từ các nguồn cung khác để tiêm cho người trưởng thành trong mùa Hè này, và cũng có một hợp đồng lớn với Pfizer/BioNTech trong những năm tới nếu cần tiêm bổ sung. Tuy nhiên, EU vẫn cân nhắc khả năng chọn đặt hàng vaccine của Johnson & Johnson, chủ yếu nhằm mục đích viện trợ cho các nước nghèo hơn. Đến nay, EU đã cam kết viện trợ ít nhất 100 triệu liều bổ sung vào cuối năm nay.
Cơ chế tiếp cận vaccine COVAX, do WHO khởi xướng, hiện mới chỉ giao được 80 triệu liều vaccine cho gần 130 quốc gia với tổng dân số hàng tỷ người. Trước khi đối mặt với các vấn đề về nguồn cung, COVAX đã có kế hoạch giao ít nhất 2 tỷ liều vào cuối năm nay. Giờ đây, cơ chế này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vaccine viện trợ để đạt mục tiêu đề ra.