Thế hệ 7x chúng tôi, sinh ra và lớn lên ở vùng quê đồng chiêm trũng, nhiều nhà sát núi, những năm chín mươi của thế kỷ trước, cuộc sống vô cùng khó khăn. Một năm hai vụ lúa, xen canh một vụ trồng màu, người dân một nắng hai sương quần quật ngoài đồng, nhiều nhà vẫn không lo đủ cái ăn cái mặc.
Ngôi trường cấp một, cấp hai tôi theo học nằm giữa cánh đồng. Từ nhà tôi, đi xuyên qua một ngôi làng, chừng ba cây số thì tới. Làng có không ít nhà tranh vách đất, lũ bạn tôi ngày ngày lấm lem bùn đất, làm bạn với ruộng đồng. Đồng quê vào vụ, sáng theo mẹ ra ruộng làm cỏ lúa, trưa trật mới về, ăn vội bát cơm rồi cắp cặp tới trường. Chiều về lại tranh thủ dắt trâu ra đê chăn thả, đứa khéo tay thì vớ lấy cái nơm theo chúng bạn men theo con lạch nhỏ, hoặc lội con mương nông mà bắt cá. Tối về mệt nhoài, sách vở sáng đi học về quăng đó, hôm sau lại cắp đi học, bài vở có khi không kịp ngó.
Trong lớp, nhiều đứa bạn nhà nghèo, bố mẹ quanh năm vay mượn rồi trả lúa non. Vay một phải trả hai, lúa trên ruộng chưa chín đã gặt rồi chở thẳng đến nhà chủ nợ. Cơm hai bữa một phần gạo hai phần sắn. Nhiều đứa bỏ học khi còn chưa học hết cấp một.
Mẹ tôi dạy cấp ba trường huyện, học sinh cũng từ các làng quê tụ về. Cuộc sống vất vả, nhiều gia đình cũng đành ngậm ngùi cho con nghỉ học giữa chừng. Nhiều lần tôi theo mẹ đến tận các anh chị học sinh đển vận động phụ huynh cho con cái đi học. Giống như các cô giáo cắm bản vận động học trò vùng sâu vùng xa đi học bây giờ, việc vận động học sinh đi học chưa khi nào là dễ dàng.
Tôi nhớ mãi lần theo mẹ sang sông vào mùa nước lớn để vận động phụ huynh cho con tiếp tục đi học. Chiếc cầu phao dập dềnh bắc ngang con sông rộng. Mẹ dắt xe đạp đi trước, tôi bám xe đi phía sau. Cầu phao được ghép từ hàng nghìn ống bương, tre, phía dưới là những chiếc thùng phuy làm bệ đỡ. Những đoạn cầu ngập, tôi vừa đi vừa run, nhìn sóng nước táp vào mà tôi thấy mình như trao nghiêng. Người lắc lư, dập dềnh, tôi thấy mình như đang trôi đi theo con nước. Chỉ đến khi sang tới bờ bên kia tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Hỏi thăm qua nhiều người dân, mẹ cũng tới được căn nhà đơn sơ vách làm từ gạch xỉ (ngày xưa nhiều nhà tự đóng gạch xỉ để xây nhà), mái ngói rêu loang lổ. Ngoài hiên nhà, chiếc cối xay lúa nằm im. Những bắp ngô vàng óng phơi trên sợi dây chăng ngang. Ngô giống cho vụ đông sắp tới.
Tôi tha thẩn ngoài sân, nghe câu chuyện vọng ra từ trong nhà.
- Học để làm gì hả cô, học có mài chữ ra ăn được đâu. Giờ cháu nó còn phải đi làm lấy cái ăn, rồi mà lo lấy chồng. Con gái học hết cấp ba, ra trường cũng chỉ làm ruộng thôi mà. Bằng tuổi nó, con nhà người ta lấy chồng có con hết cả rồi.
Mẹ tôi ra về, mang theo nỗi buồn cho cô học trò nhỏ. Con sông lúc nãy giờ như rộng thêm. Mẹ có thể giúp sách vở giấy mực, nhưng không thể giúp cho học trò một công việc sau này. Cái khó bó cái khôn, cái nghèo khiến người ta mãi trong vòng luẩn quẩn.
Có lần, chiều muộn, một người đàn ông say rượu xông vào trường mẹ tôi, đứng ngay khu hiệu bộ quát to:
-Rồi cái trường này sẽ giải thể, dạy dỗ làm gì, học xong cũng chỉ về con trâu đi trước cái cày theo sau.
Bác bảo vệ phải nhờ người kéo mãi người đàn ông đó mới đi ra. Cái nghèo đói đã khiến người ta không nghĩ sáng ra được. Nhiều người sinh ra, lớn lên và khi trở về với đất cũng chỉ quẩn quanh trong luỹ tre làng, không đi đâu xa bao giờ. Chuyện học hành của con cái không phải là sự quan tâm hàng đầu của nhiều nhà.
Nhưng cũng từ làng quê ấy, tôi chứng kiến nhiều anh chị học thành tài, quyết chí để thoát nghèo. Lớp mẹ tôi chủ nhiệm, nhiều anh chị thi đỗ đại học, có anh thi đỗ bốn trường đại học, sau này rất thành đạt. Nhà người học trò ấy lúc đó cũng khó khăn, cả nhà trông vào ruộng đồng, mẹ anh ấy có thêm nghề làm bún, tần tảo nuôi những đứa con. Tôi khi ấy mới chỉ đang học lớp mười, khâm phục vô cùng.
Một chị khác là học trò của mẹ tôi, giờ cùng gia đình định cư ở nước ngoài, cũng đi lên từ ruộng đồng nghèo khó. Mấy chục năm cô trò xa nhau, nhưng vẫn luôn nhớ về nhau. Mỗi lần về nước, chị đều ghé thăm cô giáo. Cô trò mừng mừng tủi tủi, nhớ về những ngày đã qua.
Bạn thân của tôi, một người bạn tôi rất yêu quý và luôn khâm phục nghị lực vượt khó, cũng vô cùng chăm chỉ học hành. Nhà có bốn chị em, nó là chị cả. Cho đến giờ tôi không thể quên hình ảnh khi nó chạy bộ mấy cây số, hớt hải từ nhà đến khu tập thể trong trường cấp ba nhà tôi ở. Trời nắng chang chang. Mắt nó đỏ hoe.
-Cậu cho tớ gửi sách ở đây nhé. Bố tớ đốt sách không cho đi học nữa.
Tôi đứng lặng người. Nhà nghèo, bố mẹ không thể cùng lúc lo cho bốn đứa con ăn học. Nhưng nó vốn ham học, có lẽ nào bỏ học ngang chừng?
Sách gửi tạm nhà tôi, có quyển bị đốt cháy xém nham nhở. Để sách đó, khi cần chỉ đi người không đến lớp, bố sẽ không biết.
Sau hôm đó, để có thể giúp bạn ấy có thế tiếp tục đi học, nhà trường đã miễn giảm các loại học phí, các khoản đóng góp. Những năm học cấp ba, bạn ấy học rất tốt, thi học sinh giỏi tiếng Nga ba năm liền đều đạt giải của tỉnh.
Những năm tháng vất vả và sự nỗ lực không ngừng đã không phụ lòng người, sau này cô bạn ấy rất thành đạt. Ba đứa em cũng học hành thành tài. Bốn chị em giờ đây đều vững vàng, có thể lo được cho bố mẹ. Căn nhà ngói năm xưa đã được xây mới. Cuộc sống làng quê cũng đã thay đổi rất nhiều, nét cười đã rạng ngời trên những gương mặt.
Thế hệ 7x chúng tôi, giờ cũng đã là ông bố bà mẹ của những đứa con. Nhiều đứa học dang dở từ cấp một trường làng lấy vợ lấy chồng sớm giờ đã thành ông bà ngoại, ông bà nội. Nhiều đứa khác con cái cũng đã học cấp ba, bằng tuổi chúng tôi năm nào. Nhưng mỗi khi có dịp gặp mặt, chúng tôi lại rôm rả chuyện năm nào, nhớ về một thời gian khó nhưng đầy ắp những kỷ niệm khôn nguôi.