Cổng làng

Làng tôi không có cổng. Dấu hiệu để nhận biết làng mình, dù đi trong đêm tối, là luỹ tre đầu làng. Rặng tre kéo dài cả trăm mét, những thân tre vàng óng, xanh non, ken dày uốn câu hai bên đường, sát ra tận mép ruộng.

Chú thích ảnh
Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Luỹ tre trở thành dấu hiệu nhận biết “đã về tới làng”, xác lập một vị trí hiển nhiên, ranh giới giữa “bên trong” và “bên ngoài” làng, cũng là xác lập một vị trí trong tâm thức những người dân của làng. Còn tôi thì, cứ đi qua rặng tre của làng là lại nhớ tới lời cô giáo giảng về: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!” của nhà văn Thép Mới. Tôi cho là, đoạn văn này đã nói cụ thể và hay nhất về Cây tre Việt Nam.

Đi qua rặng tre là bắt ngay vào con đường đất như cái xương sống chạy dọc làng, đan cài vào hông nó là chi chít những nhánh ngõ hai bên. Ra khỏi luỹ tre là ngút ngát màu xanh của đồng ruộng lúc thì con gái, hoặc vàng ruộm lúa chín lúc sắp thu hoạch. Cái biển vàng, biển xanh của lúa ấy mang theo hơi thơm thứ ngọc của trời, vấn vít cho làng từ đời này sang đời khác, bền bỉ và thẳm sâu.

Luỹ tre làng vì thế từ bao lâu nay đã quá đỗi quen thuộc, đến mức, nhắm mắt lại, cũng có thể tưởng tượng sau ngã rẽ nào thì đến “cột mốc” ấy. 

Ngày trước, khi cơ giới hoá còn chưa về, lúa còn cấy tay, sáng sớm, bà con hẹn nhau ra luỹ tre đầu làng, uống vội bát nước vối, rồi hối hả lội ruộng. Đến khi mặt trời lên đến ngọn sào, đã là lúc lác đác đi về, ngả nón ngồi dưới rặng tre, vài ba câu chuyện gẫu, rồi hối hả về sắp bữa cơm trưa. Đám trâu cày cũng được các nông phu, mỗi trưa đi cày về, cũng thong thả buộc dưới gốc tre, đợi xong hơi thuốc lào, mới thủng thẳng về làng. Những người bà, người mẹ tảo tần phiên chợ sớm, cũng xôn xao nói cười dưới rặng tre đầu làng, khi sương còn đọng trên nhữnh nhánh lá tre sắc nhọn. Cánh học trò đi học trường huyện, sáng ra hẹn nhau đầu làng, trưa về dựng xe đạp nghỉ chân rồi mới về nhà. Nhiều cái hẹn bạn bè, đôi lứa, cũng dưới rặng tre đầu làng, trong vi vút gió. 

Luỹ tre đầu làng đã thành “biểu tượng” của ngôi làng, thân thuộc và bền lâu tựa như cổng làng hay cây đa đầu làng của nhiều làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ. 

Nhưng rồi một ngày, luỹ tre làng bị chặt.

Cái tin ấy lan ra từ đám bạn thuở chân đất, một buổi đi học, buổi kia cắt cỏ chăn trâu, đánh đáo, mò ốc, bắt cua cá ao thùng ao đống đầu làng cuối làng; lan đến tận phố thị, nơi đám học trò của làng năm nào, bao năm rời làng sinh cơ lập nghiệp ở đất khách, nhưng hễ cứ hội làng, lễ Tết hoặc con cái nghỉ hè thì sẵn sàng bỏ mặc bộn bề mà về. 

Năm, bảy năm nay làng thay đổi rất nhiều. Nhà cao tầng mọc lên, ô tô của con cái đi làm ăn xa, ngày lễ Tết, cuối tuần, để dọc đường làng. Đường bê tông cũng đã chạy ra tận ruộng. Không ai còn cấy tay nữa, giờ là gieo sạ, máy gặt tại ruộng vừa chạy vừa phun phì phì rơm rạ lên trời, thóc thì đã gọn gàng thành bao, chỉ việc đánh xe chở về. 

Rồi người ta bỗng nhận ra, con đường làng tự bao giờ đã trở nên quá chật chội. Đường cần phải mở rộng ra, mà muốn thế thì phải chặt bỏ luỹ tre hai bên đường ở đầu làng đi, rồi đổ thêm đất ra mép ruộng, rồi kè lại cho chắc cho đẹp. 

Từ khi cái “cổng luỹ tre” được chặt để làm đường, con đường rộng rãi hẳn ra, đường bê tông xe chạy bon bon, khách phương xa về trầm trồ khen làng có con đường đẹp quá. Nhiều người nói để có con đường đẹp thì chặt đi là phải, nhiều người tiếc vì từ nay không còn hình ảnh quen thuộc, gần gũi với bao thế hệ con cháu của làng. Nhưng dù tiếc hay không thì luỹ tre ken dày hai bên đường cũng đã không còn nữa. Rồi người ta cũng sẽ quên. Chỉ ai từng biết nó hẳn sẽ không khỏi trống trải khi ngang qua, ai ở xa lâu ngày mới về đi trong đêm tối sẽ phải loay hoay tìm lối rẽ khi về làng!

Cũng giống như, bây giờ trong làng không còn nhà nào đánh trâu ra đồng hay chăn thả trên đê, con trâu là “đầu cơ nghiệp” giờ cũng chỉ câu chuyện kể. Cũng chẳng ai đánh đống rơm bên chái nhà, để mỗi chiều về thấy khói bếp bay lan, vì bây giờ nhà ai cũng dùng bếp gas. Nhiều nhà giữ lại gian bếp cũ, cũng chỉ cái kho, như giữ chút kỷ niệm ngày xưa, nhớ về một thời khó khăn chung.

Rồi đúng là như thế, chuyện luỹ tre đầu làng dần không ai nhắc tới nữa. Hai năm dịch COVID-19 cũng đã qua đi, trong thời gian đó, vì nhiều lý do, có cả việc giãn cách xã hội, tình hình dịch phức tạp, nhiều người đi làm ăn xa không về làng. Rồi khi dịch được kiểm soát, mọi thứ trở lại bình thường, nhiều người trở lại làng. 

Và cũng giống như cái hồi họ nghe chuyện chặt tre làm đường, giờ cũng rất đỗi ngạc nhiên, khi đúng nơi dãy tre đầu làng ngày xưa một chiếc cổng làng bề thế đã được xây lên. Nhiều người thích thú vì làng ngày một thêm đổi mới, chiếc cổng làng là một điểm nhấn cho sự đổi mới ấy. Từ nay cái “ranh giới” của làng sẽ lại trở nên rõ ràng, hơn cả hồi còn cái luỹ tre ken dày hai bên đường. Bởi cổng làng in nổi tên của làng, đó là lời khẳng định chắc chắn “đó là làng tôi đấy”. Từ nay, “bên trong” và “bên ngoài” lại định hình rõ nét như xưa, qua cổng là vào làng, là san sát nhà cửa, dân cư, ra khỏi cổng làng cánh đồng lúa rộng lớn thẳng cánh cò bay, dù cũng đã có những khoảnh đất màu mỡ được quy hoạch phân lô. 

Tôi lâu lâu về làng, cũng giống không ít người, ngạc nhiên khi đi qua chiếc cổng còn màu vôi mới. Rồi cũng sẽ quen, tôi nghĩ thế. Nhiều làng (trước giờ chưa có cổng làng bao giờ) cũng xây cổng, to và bề thế, trào lưu chăng? Tự nhiên tôi lại nhớ luỹ tre đầu làng ngày xưa, thèm được cảm giác đứng dưới rặng tre, đón ngọn gió mát lành từ cánh đồng thổi vào. Nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi, và để tốt lên, thì tại sao lại không chứ? 

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Tết xưa rộn ràng ở làng cổ Đường Lâm
Tết xưa rộn ràng ở làng cổ Đường Lâm

Ngày 23/1, gần 30 Đại sứ và đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội đã có chuyến tham quan Làng cổ Đường Lâm và trải nghiệm không khí Tết cổ truyền tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN