Bài cuối: Chủ động để phòng dịch hiệu quả

Bộ Y tế dự báo, năm 2018 có nguy cơ cao bùng phát các dịch bệnh như: Sởi, cúm, sốt xuất huyết… Để phòng chống và hạn chế những thiệt hại, các lực lượng ngành y tế và địa phương chủ động vào cuộc để ngăn chặn các dịch bệnh ngay từ đầu.

Tiêm chủng là biện pháp phòng chống dich tốt nhất với những bệnh đã có vắc xin dự phòng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Đồng bộ vào cuộc


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù từ đầu năm đến nay chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, nhưng hiện nay đáng lo ngại nhất vẫn là dịch bệnh sốt xuất huyết, mà vụ dịch năm ngoái xảy ra tại Hà Nội là một bài học. Do đó, đối với một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch bệnh mùa hè cần đánh giá tình hình, đưa ra dự báo chính xác nhất để hạn chế khả năng lan rộng. Muốn vậy, cả hệ thống y tế, chính quyền và người dân không được lơ là, chủ quan dù chưa có dịch xảy ra.


Để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị tập trung triển khai một số giải pháp như: Nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ ban ngành đoàn thể trong việc chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và thực hành các biện pháp vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường. Các cơ sở y tế phải sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị...


Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, để sẵn sàng chủ động đáp ứng với diễn biến của dịch bệnh, tránh để dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh như năm 2017; ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội đã lên kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè như: Phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh định kỳ 1 tháng 1 lần; tuyên truyền đến các hộ gia đình hàng tuần chủ động vệ sinh môi trường tại gia đình; tổ chức phun thuốc diệt muỗi định kỳ... Đồng thời tổ chức 700 điểm giám sát dịch bệnh để tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao; duy trì mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời không để dịch lan rộng, giảm số mắc và tử vong do dịch bệnh.Sở Y tế cũng đã xây dựng 3 tình huống cụ thể khi dịch xảy ra là: Khi chưa có dịch, khi xuất hiện dịch và khi dịch đã lan rộng ra cộng đồng để có kế hoạch chủ động phòng chống cụ thể trong từng trường hợp.


Sẽ hạ tuổi tiêm vắc xin


PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng(Bộ Y tế) cho biết: Thời gian gần đây, có nhiều trẻ mắc bệnh sởi, ho gà ở độ tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng(dưới 9 tháng tuổi), thậm chí dưới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân là do một thời gian dài các bà mẹ được tiêm chủng, không bị mắc bệnh nên không có miễn dịch để truyền cho con, đây là lý do gây nên tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi, ho gà.


Trước nguy cơ dịch sởi đang có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị chức năng đánh giá lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi, hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng để đẩy sớm tuổi tiêm vắc-xin ở trẻ em từ 9 tháng tuổi xuống 6 tháng, trẻ sẽ được tổ chức tiêm vắc-xin sởi ngay từ khi 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng như hiện nay.


Bên cạnh nghiên cứu lịch tiêm vắc xin sởi, việc đẩy mạnh tổ chức tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm cũng đang được đẩy mạnh tại các địa phương nhằm bao phủ tiêm chủng, nâng cao miễn dịch cộng đồng.


Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tuần thay bằng hàng tháng như trước đây tại các trạm y tế.


Theo đó, trước đây, việc tổ chức tiêm chủng 1 lần/tháng, nhiều trẻ bị ốm, có việc đột xuất phải hoãn tiêm chủng, chờ cả tháng mới được tiêm lại; thậm chí có những trẻ đã đợi đến gần ngày tiêm lại ốm và phải trì hoãn. Vì thế, Hà Nội quyết định tổ chức tiêm chủng 7 ngày một lần tại trạm y tế xã. Cách tổ chức liên tục tuy tốn kém hơn nhưng vẫn phải chấp nhận để trẻ em được tiếp cận vắc xin nhiều hơn. Từ đó sẽ tăng tỷ lệ tiêm chủng, tăng miễn dịch cộng đồng, hạn chế xảy ra dịch bệnh.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hà Nội triển khai 700 điểm giám sát dịch bệnh
Hà Nội triển khai 700 điểm giám sát dịch bệnh

Trước nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh trong mùa hè, Hà Nội đã triển khai gần 700 điểm giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm chủng phòng bệnh hàng tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN