Trường hợp này là anh Võ Hồng P. (sinh năm 1990), ở khu phố 4, phường Tân Thiện, thị xã La Gi. Ngày 20/4, bệnh nhân khởi phát triệu chứng như: mệt mỏi, tê tay, chân, sợ gió, sợ nước. Đến ngày 22/4, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 23/4, bệnh nhân có dấu hiệu nặng hơn và được chẩn đoán bệnh dại. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại. Bệnh nhân tử vong sau đó.
Theo kết quả điều tra dịch tễ, người nhà cho biết trong thời gian vừa qua không rõ bệnh nhân có bị chó cắn hay không. Tuy nhiên, hơn 2 năm trước, bệnh nhân bị một con chó thả rông cắn với vết cắn nông. Bệnh nhân không tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Ngay khi ghi nhận trường hợp này, lực lượng y tế địa phương đã tiến hành điều tra những trường hợp tiếp xúc, nguồn lây nhiễm tại gia đình và cộng đồng; hướng dẫn cách sát trùng khử khuẩn tại nhà nạn nhân; hướng dẫn những người bị phơi nhiễm đi điều trị dự phòng và triển khai hoạt động phòng chống bệnh dại.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại địa bàn phường Phước Hội nói riêng và thị xã La Gi nói chung, tình trạng chó nhà nuôi thả rông nhiều nhưng tỷ lệ tiêm ngừa dại thấp. Trong tình hình thời tiết như hiện nay, nguy cơ mắc bệnh dại trên động vật rất cao. Điều đáng lưu ý, trước đó hồi tháng 2/2024, địa phương này cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000- 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại vi khuẩn có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, cào, liếm. Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên một năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Ngay khi vào cơ thể, virus dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Bình Thuận, bệnh dại diễn biến phức tạp và đã có 6 trưởng hợp tử vong nghi bệnh dại. Riêng chỉ trong tháng 4/2024, địa phương ghi nhận 3 trường hợp. Việc liên tiếp xảy ra các vụ tử vong đau lòng do bệnh dại đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu kiểm soát việc chó, mèo thả rông và tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo thấp; đặc biệt là ý thức phòng bệnh dại của người dân.
Một bộ phận người dân vẫn còn thờ ơ, lơ là, chưa hiểu đúng, đủ về bệnh dại và vaccine phòng dại nên dẫn đến việc chủ quan, điều trị sai cách. Từ đó ảnh hướng đến tính mạng của bản thân, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, gây khó khăn trong công tác phòng, chống và đẩy lùi bệnh dại.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, trong thời gian tới, ngành Y tế Bình Thuận tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung truyền thông với mục tiêu nâng cao nhận thức phòng bệnh của người dân. Đồng thời, ngành Y tế phối hợp với ngành Nông nghiệp và các địa phương tuyên truyền, vận động người dân nuôi nhốt chó, mèo, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng và đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà. Các bậc phụ huynh hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.