Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, cách đây khoảng 4 tháng, bệnh nhân bị chó chạy rông cắn nhưng chỉ rửa vết thương bằng nước muối; không tiêm phòng ngừa dại. Ngày 17/4, bệnh nhân có triệu chứng ngứa hai bàn chân và lan dần lên cả người, sau đó xuất hiện thêm các triệu chứng tê chân, khó thở, sợ gió… Ngày 20/4, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và chẩn đoán bệnh dại. Bệnh nhân trở nặng và tử vong cùng ngày.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp này, Phòng khám Đa khoa khu vực xã Tân Thắng đã tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh này, gia đình và người thân trong gia đình bệnh nhân. Được biết, vào đầu tháng 4, chồng của nạn nhân cũng bị chó cắn. Con chó tự chết không rõ nguyên nhân. Hiện, Phòng khám Đa khoa khu vực xã Tân Thắng đã vận động người chồng khẩn trương đi tiêm vaccine phòng dại; tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở; thông báo các gia đình trong khu vực gần nhà bệnh nhân nhốt tất cả con chó đang nuôi để theo dõi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Bình Thuận, bệnh dại đang có diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các ổ dịch dại trên đàn chó, mèo. Đã có nhiều trưởng hợp tử vong vì bệnh dại, tập trung tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi. Đáng nói, khi tình hình dịch bệnh dại diễn biến phức tạp, trong khi ngành Y tế tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhiều người dân còn nhận thức hạn chế, có tâm lý chủ quan, khi bị chó mèo cắn đã không tiêm vaccine phòng dại.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đa phần số ca tử vong vì bệnh dại đều không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Một số trường hợp còn chủ quan cho rằng bị chó nhà nuôi cắn thì không sao; hoặc dùng thuốc gia truyền, thuốc nam điều trị.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn người. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp. Theo số liệu của Cục Thú y tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có gần 45.000 con chó, mèo được tiêm vaccine phòng dại, đạt tỷ lệ 38%.
Bệnh dại ở người là bệnh nguy hiểm và không có thuốc đặc trị, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Do đó, ý thức phòng bệnh của người dân là yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả trong công tác phòng, chống và đẩy lùi bệnh dại.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường và kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Các bậc phụ huynh hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y, tuân thủ nghiêm các quy định khi nuôi chó, mèo.