Xây dựng vùng an toàn, phòng chống bệnh dại

Thời gian gần đây, bệnh dại từ chó, mèo lây sang người gia tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành phố, số ca tử vong do bệnh dại cũng tăng cao. Chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng đang tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, qua đó, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật.

Chú thích ảnh
Chó không rọ mõm tại khu vực người dân qua lại. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Nguy cơ lây lan bệnh dại

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn hai lần so cùng kỳ năm 2023 - 12 ca). Tính trong năm 2023, cả nước có 82 người chết do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại là do: đàn chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine thấp; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông, tiêm vaccine phòng bệnh dại. Qua báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; cá biệt có một số tỉnh, thành phố chỉ đạt khoảng 10%. Ngoài ra, lực lượng thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nhất là nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế.

Nhiều tháng qua, Nam Bộ nắng nóng gay gắt cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, tỉnh đã ghi nhận ba ổ bệnh chó dại từ đầu năm đến nay tại ba huyện: Định Quán, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Riêng số ca bị chó cắn hai tháng đầu năm 2024 phải tiêm phòng bệnh dại là hơn 4.000 ca, tăng cao so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, nhiều trường hợp bị chó cắn tại những vị trí nguy hiểm, vết thương lớn, phải tiêm huyết thanh kháng bệnh dại.

Qua điều tra dịch tễ tại các địa phương có ổ bệnh chó dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai nhận định, tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó ở những khu vực này rất cao, trong khi tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại chưa đạt mức có thể tạo hiệu quả miễn dịch (từ 70% trở lên), nguy cơ xuất hiện các ổ bệnh dại mới rất lớn.

Tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh dại, không xảy ra bệnh dại trên người và động vật. Tuy nhiên, trong năm 2023, có 1 người tử vong do bị chó nuôi tấn công tại thành phố Dĩ An. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương Trần Phú Cường cho biết, tỉnh có khoảng 60.000 con chó, được tiêm phòng bệnh dại định kỳ hằng năm. Thời gian qua, Chi cục chỉ đạo Trung tâm Thú y các huyện, thành phố rà soát số lượng tiêm phòng dại trên tổng đàn chó của địa phương. Hiện, cơ quan thú y đã tiêm phòng được trên 57.000 liều vaccine dại cho đàn chó, mèo nuôi, đạt trên 90%.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương phối hợp với khu phố, tổ dân phố đến từng nhà dân để phổ biến các quy định về quản lý vật nuôi, đồng thời đã tổ chức nhiều đợt bắt chó thả rông. Người dân có thể lập danh sách các hộ nuôi chó báo cho tổ dân phố để cán bộ thú y đến nhà tiêm phòng, nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nạn chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Việc chủ nuôi không thực hiện tiêm ngừa hay đeo rọ mõm, tình trạng chó cắn người gây thương tích vẫn tồn tại…

Cả nước hiện có hơn 4,9 triệu hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn là 7,6 triệu con. Phong trào nuôi chó, mèo đang phát triển mạnh, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Việc nuôi chó, mèo nếu không được quản lý sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.

Nhiều giải pháp phòng bệnh dại

Chú thích ảnh
Người dân đưa chó, mèo tiêm vaccine phòng dại tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Chưa ghi nhận ca mắc bệnh dại nào từ đầu năm 2024 đến nay, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn chủ động triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo trong bối cảnh bệnh ngày càng gia tăng ở các địa phương. Thành phố đang là địa phương duy nhất đạt chứng nhận Vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh, với trên 90% tổng đàn chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), số người tiêm vaccine ngừa dại hai tháng đầu năm 2024 là 19.552, tăng nhẹ so cùng kỳ là 18.810. Để công tác tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả, người dân cần phối hợp thực hiện rà soát thống kê về tình hình tiêm vaccine của chó, mèo 2 lần/năm vào ngày 1/1 và 1/7. Kết quả thống kê sẽ là cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng như: chuẩn bị nguồn nhân lực, nguồn vaccine và các dụng cụ cần thiết khác.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố chủ động, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người; phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan tổ chức tập huấn và tái tập huấn về chuyên môn cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại trên người. Đồng thời, Trung tâm phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại, phối hợp điều tra, xử lý ổ bệnh kịp thời.

UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê trong giai đoạn năm 2023 - 2025, từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026 - 2030. Tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại; rà soát, tổ chức xây dựng và duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025, trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng được thêm ít nhất hai vùng an toàn bệnh dại cấp huyện; 100% huyện, thành phố có điểm tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người; 100% số người tiêm vaccine phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua Hệ thống báo cáo quốc gia.

Theo các chuyên gia y tế, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; quá trình nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm, không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Người bị động vật cắn cần kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Những gia đình có trẻ nhỏ cần hướng dẫn cho trẻ cách phòng tránh chó, mèo cắn, thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn…

Hồng Đạt (TTXVN)
Kon Tum: Hỗ trợ kinh phí tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo
Kon Tum: Hỗ trợ kinh phí tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, năm 2024, ngân sách tỉnh chi hỗ trợ kinh phí mua vaccine tiêm phòng cho đàn chó, mèo của toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng từ 70% tổng đàn. Đây là động thái quyết liệt của tỉnh Kon Tum trong bối cảnh bệnh dại đang có nguy cơ bùng phát trên phạm vi toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN