Tại Nghệ An, đã không ít trường hợp tử vong do bệnh dại, để phòng ngừa bệnh dại, chính quyền các cấp cần phải quản lý việc thả rông chó, mèo và có chế tài xử phạt nghiêm với các trường hợp vi phạm.
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, trong hai tháng đầu năm 2023, tại tỉnh Nghệ An có tới trên 1.450 người bị chó, mèo cắn, cào gây thương tích phải đi tiêm vaccine phòng dại. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay tại Nghệ An đã có 3 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn, trong đó có hai trẻ nhỏ.
Các sự việc đau lòng này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu kiểm soát việc chó, mèo thả rông. Thực tế hiện nay tại Nghệ An cho thấy, tình trạng chó thả rông ở ngoài đường khá phổ biến từ nông thôn đến thành thị, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, tình trạng này thực sự đang là nỗi lo về bệnh dại trong cộng đồng.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có hơn 465.000 con chó, mèo được nuôi tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt từ 20-30% tổng đàn.
Ông Ngô Đức Quỳnh, Chi Cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn có 8 người tử vong vì bệnh dại do chó, mèo cắn. Đã có thời kỳ, các địa phương trong tỉnh lập đoàn đi bắt chó thả rông nhưng không hiệu quả. Việc thực hiện quy định chưa nghiêm, các địa phương chưa tập trung xử lý các trường hợp vi phạm, ý thức của người dân trong việc nuôi chó mèo chưa cao khiến các trường hợp tử vong do bệnh dại có xu hướng tăng cao.
Bác sĩ Võ Mạnh Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus dại gây ra. Bệnh thường có 3 thể: thể co thắt, thể liệt và thể hung dữ. Gặp thể co thắt, bệnh nhân toàn phát, tử vong. Virus dại dẫn đến biểu hiện cơ chế phát bệnh, ở tuyến nước bọt chó mèo, động vật có virus dại qua vết cắn, da tổn thương, tế bào cơ dây thần kinh vận động, dây thần kinh ngoại biên, xâm nhập gây viêm não, tổn thương thần kinh trung ương. Tùy vào các thể, gây liệt, kích thích, vật vã, liệt chi, liệt cơ, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Võ Mạnh Hùng, cách phòng bệnh dại là phải quản lý chó, mèo; rọ mõm cho chó khi thả ra nơi công cộng. Người dân cần đăng ký nuôi và tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo theo khuyến cáo của ngành Thú y. Người dân khi bị chó mèo không rõ nguồn gốc cắn, cào cần phải sớm tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, người dân, không tự ý thăm khám, chữa trị người bị bệnh dại bằng thuốc Nam, bởi không có thuốc Nam nào chữa được khi dại đã phát.
Theo Nghị định 90/2017 quy định, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600 – 800 ngàn đồng. Tuy nhiên, đến nay tại Nghệ An việc áp dụng và thực thi còn rất hạn chế.
Sự chủ quan, vô ý thức của nhiều người trong việc nuôi thả chó, mèo hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến những sự việc đau lòng. Nếu không có chế tài xử lý nghiêm minh, thì bệnh dại sẽ trở thành nỗi ám ảnh và hiểm họa đối với cộng đồng.