Bệnh dại diễn biến phức tạp tại Đồng Nai

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại trên địa bàn Đồng Nai diễn biến phức tạp, tỉnh ghi nhận 1 người tử vong do bệnh dại (bị chó cắn) và 2 ổ dịch chó dại. Đây là điều bất thường, bởi trước đó, từ năm 2014 đến tháng 11/2022, ở Đồng Nai không xuất hiện bệnh dại trên người và động vật.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, những tháng qua, chi cục tiến hành điều tra dịch tễ tại những khu vực có ca bệnh dại. Kết quả cho thấy, nhiều trường hợp người dân, công nhân đưa chó từ các tỉnh, thành khác về nuôi mà không kiểm soát việc tiêm phòng. Chó, mèo tại các khu vực có ca bệnh hầu hết đều nuôi thả rông, chưa được tiêm phòng dại. Điều này khiến bệnh dại lây lan khi chó, mèo tiếp xúc, cào cấu nhau.

Ông Nguyễn Trường Giang khẳng định: “Ở Đồng Nai, mầm bệnh dại đã lưu hành âm thầm trên diện rộng. Do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại thấp nên khả năng bệnh dại tiếp tục lây lan trong quần thể chó, mèo tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh là rất cao”.

Nguyên nhân bệnh dại tái xuất hiện ở Đồng Nai là do sau thời gian dài bệnh được khống chế, người dân và cả chính quyền có phần chủ quan, lơ là phòng, chống bệnh. Người dân không tiêm phòng dại cho vật nuôi, chính quyền chưa quản lý tốt đàn chó, mèo trong cộng đồng.

Để ngăn chặn bệnh lây lan, từ đầu năm 2023 đến nay, Đồng Nai đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng, khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan khi bị chó, mèo cắn. Đồng thời cấp cho các địa phương gần 52.000 liều vaccine dại chó, mèo; các huyện, thành phố cơ bản đã tiêm (miễn phí) hết số vaccine này.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, để thực hiện tốt việc phòng, chống bệnh dại thì các địa phương cần phải làm tốt quản lý nuôi chó, mèo. Yêu cầu người dân nuôi loại động vật này đăng ký và phải nhốt trong khuôn viên gia đình. Khi thả vật nuôi ra ngoài đường thì phải rọ mõm, xích và có người dắt. Chủ nuôi chó, mèo phải tiêm phòng dại theo quy định. Khi phát hiện chó, mèo có dấu hiệu bất thường cần thông báo cho ngành chức năng để xử lý. Tuyệt đối không vứt chó, mèo chết ra môi trường, không sử dụng chó, mèo mắc bệnh.

Ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả nhất là vaccine. Tuy nhiên, hiện con số thống kê đàn chó, mèo trong cộng đồng chưa chính xác, điều này gây khó khăn cho quá trình triển khai tiêm vaccine phòng dại của ngành chức năng. Người nuôi chó, mèo cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động tiêm vaccine cho vật nuôi. Những người bị chó, mèo cắn nên đi tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Công Phong (TTXVN)
Bình Phước: Kiểm soát và phòng chống bệnh dại trên động vật nuôi
Bình Phước: Kiểm soát và phòng chống bệnh dại trên động vật nuôi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, để kiểm soát tốt bệnh dại trên động vật, đối với địa phương khi phát hiện có chó mắc bệnh cần tiêm phòng khẩn cấp vaccine dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh. Đồng thời, tổ chức tiêu hủy bắt buộc động vật chết, động vật mắc bệnh dại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN