Một số dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng mùa đông xuân

Một số dịch bệnh mùa đông xuân đang có xu hướng gia tăng như: Sởi, quai bị, cúm, thủy đậu... với những biến chứng khó lường

Nhiều trường hợp người lớn mắc sởi đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Những ngày gần đây, tại bệnh viện Bạch Mai, số người đến khám và nhập viện vì các bệnh: Sởi, quai bị… đang có xu hướng tăng lên, có một số trường hợp bị biến chứng nặng.


Đặc biệt, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 20/11 với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai 1 tuần trước khi vào viện. Tuy nhiên, chị H đã không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc về điều trị. Sau khi uống kháng sinh 5 ngày không đỡ, lúc có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn mới chịu vào viện. Sau khi xét nghiệm dịch màng não tủy, bệnh nhân được xác định viêm màng não do vi rút. Ngay trước đó, cả con trai 5 tuổi và chồng chị đều mắc quai bị.


Theo TS. Đỗ Duy Cường, không chỉ quai bị, bệnh sởi cũng đang có dấu hiệu tăng lên, đặc biệt nhiều người lớn cũng mắc sởi. Từ đầu tháng 11 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 4 trường hợp người lớn bị sởi. Hiện tại, khoa đang điều trị cho bệnh nhân Đ.V.T (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) nhập viện với các triệu chứng: Ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng, ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều… được chẩn đoán mắc bệnh sởi.


Cũng theo TS. Đỗ Duy Cường, thường mọi người nghĩ chỉ trẻ con mới mắc sởi, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu chưa có miễn dịch. Tuy nhiên, đối tượng trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh là có nguy cơ mắc sởi cao nhất. Tuy sởi, quai bị là các bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì các bệnh này có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì thế khi phát hiện các triệu chứng bệnh, người dân cần đi khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ", TS. Đỗ Duy Cường cho biết.


Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua, toàn thành phố đã ghi nhận thêm 9 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 3 ca dương tính với sởi. Lũy tích từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 66 ca dương tính với sởi (tăng 64 ca so với năm 2016), trong đó có 1 ca tử vong.


Đánh giá về nguy cơ bệnh sởi bùng phát, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Tốc độ lây lan của sởi nhanh và mạnh hơn so với sốt xuất huyết. chỉ cần người bệnh ho, hắt hơi là mầm bệnh sẽ phát tán ra xung quanh. Trong điều kiện thời tiết lạnh, dễ có mưa như hiện nay chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi lây lan và bùng phát.


Cũng theo ông Cảm, để phòng bệnh sởi, quai bị chỉ có biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm chủng. Hiện thành phố còn tới hơn 30.000 trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, đây là nguy cơ tiềm ẩn dễ gây bùng phát thành dịch.


Sở Y tế Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm bắt diễn biến tình hình các dịch bệnh mùa đông- xuân như: Sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị… để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...Đặc biệt các trường học không được giấu dịch mà phải công bố nếu phát hiện có ca mắc và tiến hành các biện pháp đảm bảo vệ sinh, tránh lây lan các mầm bệnh; Tăng cường rà soát các đối tượng chưa tiêm chủng để vận động người dân tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh cho con em mình và cộng đồng.


TN/Báo Tin tức
Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch sởi
Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch sởi

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều ngày 21/11, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết: Do số trẻ em tiêm phòng chưa đạt 100%, nên nguy cơ bùng phát dịch sởi vẫn còn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN