Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Sẽ hạ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 9 đến nay, trung bình mỗi tháng Hà Nội ghi nhận hơn 10 ca mắc bệnh sởi. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 63 ca mắc sởi (tăng 61 ca so với năm 2016), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc đang có dấu hiệu tăng lên trong những tuần gần đây. Theo đánh giá, năm nay bệnh sởi xuất hiện sớm và nhiều ca mắc hơn năm trước, nguy cơ phát sinh thành dịch rất cao.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận khoảng 80 ca mắc sởi. Đặc biệt, năm nay, các bệnh nhân mắc sởi chủ yếu tập trung ở đối tượng trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm phòng sởi.
Lý giải về việc gần đây, nhiều trẻ mắc sởi, ho gà sớm, khi chưa đủ tuổi tiêm chủng, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: “Đó là do thế hệ những bà mẹ của các trẻ này đã được tiêm chủng phòng bệnh, nên không có khả năng mắc các bệnh này và không có miễn dịch tự nhiên để truyền cho con. Vì khi người mẹ đã từng mắc sởi, ho gà thì trong cơ thể sẽ tạo ra lượng miễn dịch rất cao, có thể truyền cho con qua nhau thai khi mang thai và bảo vệ con không bị mắc các bệnh này trong khoảng 9 tháng đến 1 năm đầu đời. Đây cũng là lý do các chương trình tiêm chủng đã nghiên cứu và đưa vắc xin sởi vào tiêm cho trẻ bắt đầu từ 9 tháng tuổi, khi miễn dịch tự nhiên đã hết".
Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng có được miễn dịch tự nhiên trong những tháng đầu đời, việc có những trẻ em mắc sởi sớm dưới lứa tuổi tiêm chủng là một khó khăn trong công tác phòng chống dịch bênh, vì vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất nhưng đối tượng chưa đủ tuổi tiêm lại rất dễ mắc bệnh.
“Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn để có những nghiên cứu cụ thể nhằm hạ thấp tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi so với lịch tiêm chủng hiện nay, hướng tới đưa một loại vắc xin phòng bệnh sởi giống như vắc xin hiện nay đang sử dụng vào tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi để tăng khả năng phòng bệnh cho trẻ. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho phụ nữ mang thai cũng đang được nghiên cứu, thu thập những bằng chứng vụ thể ”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.
Tiêm chủng là phương án hiệu quả nhất
Từ khi có vắc xin phòng sởi đưa vào lịch tiêm chủng thì dịch sởi đã không còn theo chu kỳ mùa hằng năm, nhưng lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, phụ thuộc vào tỷ lệ cộng đồng được tiêm vắc xin. Cụ thể, sau khi Bộ Y tế tổ chức chiến dịch tiêm sởi cho khoảng 20 triệu trẻ em từ 1- 14 tuổi, gần như dịch sởi đã được dập tắt.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, trong chương trình tiêm chủng, thường xuyên tỷ lệ tiêm chỉ đạt trên 95- 97%, như vậy mỗi năm còn sót khoảng 3% trẻ không được tiêm chủng. Tỷ lệ này càng cao ở những địa phương có dân số đông, số lượng bỏ sót càng lớn. Vì vậy, Bộ Y tế cũng đã tiên lượng trước khả năng dịch sởi sẽ bùng phát nên đang tập trung quyết liệt cho hoạt động phòng dịch, không để dịch xảy ra diện rộng.
PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, chỉ có tiêm chủng đầy đủ mới giải quyết dứt điểm được bệnh sởi, ho gà. Qua thống kê, những trẻ mắc các bệnh này thời gian qua, phần lớn là chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi. Đặc biệt, vắc xin sởi là một trong những vắc xin an toàn, các phản ứng nặng sau tiêm chủng rất ít, trẻ đã tiêm chủng thì gần như không mắc bệnh.
Theo PGS.TS Trần Như Dương, thực tế thời gian qua, nhiều nơi, tại một số thời điểm có tỷ lệ tiêm chủng thấp nên dẫn đến hậu quả là nhiều dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Các cha mẹ phải thường xuyên theo dõi lịch tiêm chủng của con để thực hiện tiêm đầy đủ, đúng lịch, đến lịch tiêm là phải tiêm ngay. Càng trì hoãn thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao và khả năng phòng bệnh thấp do không có miễn dịch bảo vệ.