Báo Deutsche Welle (Đức) dẫn thông tin từ báo cáo được công bố ngày 6/1 cho biết, gần 1.000 quân nhân Đức đã nộp đơn xin miễn phục vụ trong các khu vực xung đột vào năm 2022, tăng mạnh so với số liệu của năm 2021.
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức, năm 2022 có 951 binh sĩ trong quân đội Đức nộp đơn xin được miễn trừ, so với 201 đơn năm 2021. Các lực lượng vũ trang Đức hiện có khoảng 183.000 nhân viên đang phục vụ, nghĩa là có gần 0,52% quân số nộp đơn xin miễn phục vụ trong các khu vực giao tranh.
Báo cáo trích dẫn cuộc xung đột ở Ukraine và căng thẳng gia tăng, đặc biệt là với Nga vào năm 2022, là lý do khiến nhiều binh sĩ yêu cầu được miễn phục vụ tại những vùng chiến sự. Mặc dù NATO chỉ hỗ trợ Ukraine và không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, nhưng viễn cảnh xung đột với Nga vẫn là một nguy cơ trong năm 2022.
Michael Schulze von Glasser, người phát ngôn của DFK-VG, một nhóm người theo chủ nghĩa hòa bình, đã kêu gọi trong báo cáo rằng quân đội Đức nên cho binh sĩ một "lối thoát dễ dàng" nếu họ muốn. Michael Schulze von Glasser nói: “Những người lính, trong thời điểm bất ổn về an ninh này, khẳng định rằng họ không muốn bắn vào người khác hoặc bị bắn, thì phải được tạo điều kiện để được rời khỏi quân đội".
Quan điểm về việc một người lính chuyên nghiệp không muốn đến khu vực chiến sự có vẻ rất kỳ quặc, nhưng lựa chọn được miễn xem xét phục vụ trong khu vực xung đột có từ thời Đức vẫn duy trì nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nhiều thanh niên. Cho đến năm 2011, hầu hết học sinh vừa tốt nghiệp ở Đức được yêu cầu phải phục vụ trong quân đội một thời gian ngắn hoặc thay vào đó phải tham gia vào một số hình thức khác.
Sau thất bại của Đức trong Thế chiến II, quân đội Đức được xác định lại là một lực lượng phòng thủ thuần túy nhằm bảo vệ lãnh thổ nước này và đôi khi cung cấp các dịch vụ phi chiến đấu ở Đức - chẳng hạn như hỗ trợ quản lý khủng hoảng sau các sự cố như lũ lụt hoặc thậm chí với việc vận chuyển thiết bị và vật tư y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong những thập kỷ gần đây, Đức đã bắt đầu đảm nhận vai trò gia tăng trong các hoạt động quân sự quốc tế, thường dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Ví dụ lớn nhất là vai trò đóng góp quân lớn thứ hai ở Afghanistan cho đến khi phương Tây đột ngột rút quân vào năm 2021.
Hầu hết các hoạt động triển khai trong khu vực chiến đấu vẫn là một phần của các hoạt động gìn giữ hòa bình hoặc chống khủng bố và chống nổi dậy, và tổn thất của quân đội Đức trong các hoạt động quốc tế vẫn ở mức khiêm tốn theo tiêu chuẩn của hầu hết các quân đội khác. Theo số liệu của quân đội Đức đến tháng 7/2022, 116 binh sĩ Đức đã thiệt mạng khi phục vụ ở nước ngoài kể từ năm 1992.
Sau nhiều năm chịu áp lực từ các đối tác NATO buộc Đức phải mở rộng vai trò quân sự hơn nữa, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và những cải tổ khác như một phần của cái gọi là "sự thay đổi mang tính thời đại" (Zeitenwende) trước cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, quân đội Đức chưa hoàn toàn rõ ràng về hình dạng chính xác của bất kỳ thay đổi nào trong tương lai. Cho đến nay, các chính trị gia Đức chủ yếu nói chung chung về việc cố gắng tăng chi tiêu, tuyển dụng và mua sắm, thay vì thảo luận các vấn đề có khả năng gây tranh cãi hơn như xác định lại các quy tắc chiến đấu.