Thành phố Hà Nội vừa đón nhận danh hiệu dành cho các làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của "Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu". Như vậy, cùng với các TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Vinh, Cao Lãnh, Sa Đéc là thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”; TP Hà Nội, Hội An là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu”, sự ghi danh đối với Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc đưa hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới.

Ngày 14/2/2025 vừa qua, tại Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra Lễ đón chứng nhận làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Đây là hai làng nghề đầu tiên của Việt Nam tham gia vào mạng lưới này, góp phần quảng bá tinh hoa nghề và xúc tiến thương mại cho Hà Nội trong thời gian tới.

Làng gốm Bát Tràng

Làng gốm Bát Tràng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, là một trong những làng nghề gốm sứ lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam, hình thành từ thế kỷ XIV-XV khi các dòng họ làm gốm từ Ninh Bình di cư đến vùng Bạch Thổ phường (nay là xã Bát Tràng) để lập nghiệp. Nhờ nguồn đất sét trắng dồi dào, Bát Tràng nhanh chóng phát triển, ban đầu chuyên sản xuất vật dụng sinh hoạt, sau đó mở rộng sang các dòng gốm cao cấp phục vụ tầng lớp quý tộc và cung đình.

Ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới trao chứng nhận Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới.

Thời kỳ hoàng kim của gốm bát Tràng là vào thế kỷ XV-XVII. Không chỉ phổ biến trong nước, gốm Bát Tràng còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVIII-XIX, các biến động chính trị và kinh tế đã khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp, làm nghề gốm suy giảm. Từ những năm 1960, gốm Bát Tràng hồi sinh nhờ mô hình hợp tác xã và phát triển mạnh mẽ trở lại khi chuyển sang kinh tế thị trường.

Ngày nay, làng gốm Bát Tràng không chỉ giữ gìn và phát huy các kỹ thuật truyền thống mà còn sáng tạo, đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại, khẳng định vị thế trong ngành gốm sứ Việt Nam, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Gốm sứ Bát Tràng là sản phẩm mang tính nghệ thuật độc đáo, từ việc lựa chọn nguồn nguyên liệu cầu kỳ và kỹ lưỡng, công cụ chế biến đặc trưng, quy trình và kỹ thuật chuyên biệt thể hiện rõ tài năng, sức sáng tạo của người thợ gốm Bát Tràng qua nhiều thế hệ.

Làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và tinh hoa thủ công Việt Nam.

Nét đẹp và độ tinh xảo của gốm Bát Tràng được thể hiện ở quy trình sản xuất thủ công trên bàn xoay, kiểu be trạch tạo xương gốm dày cùng kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ rót vào khuôn thạch cao. Đặc biệt, kỹ thuật nung gốm ở nhiệt độ cao giúp sản phẩm có độ bền cao, màu sắc đẹp và tinh xảo. Cùng với sự kết hợp tinh tế giữa các loại men cổ truyền như men ngọc, men rạn, men lam với kỹ thuật chạm khắc, vẽ tay tỉ mỉ, đã góp phần tạo nên thương hiệu nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng.

Kinh nghiệm truyền đời của làng gốm Bát Tràng là "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạt lò", nghĩa là đất làm gốm phải đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm, kế đó là kỹ thuật tạo men, men nâu, men xanh lam, men rêu, men rạn… Cuối cùng người thợ gốm phải thật kinh nghiệm trong khâu nung lò để có được sản phẩm gốm sứ Bát Tràng như ý và không bị lỗi.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, gốm Bát Tràng vẫn giữ được những vẻ đẹp độc đáo và tinh xảo trong từng sản phẩm, đưa gốm sứ Bát Tràng ngày càng hội nhập và phát triển trên thị trường thế giới.

Với những nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, năm 2019, nghề gốm Bát Tràng đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng lụa Vạn Phúc 

Nói đến làng dệt tơ lụa đẹp và nổi tiếng tại Việt Nam, không thể không nhắc đến cái tên làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Chẳng thế mà dân gian đến nay vẫn "định vị” thương hiệu làng lụa qua câu ví: "The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn". Và không phải ngẫu nhiên mà “Áo lụa Hà Đông” lại nổi tiếng và đi vào thơ ca, âm nhạc, điện ảnh như vậy: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” (thơ Nguyên Sa).

Làng Vạn Phúc, xưa có tên gọi là Trang Vạn Bảo, xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Nam Sơn. Cuối thế kỷ XIX, do kiêng húy tên vua Thành Thái (1889-1906) là Bảo Lân nên mới đổi tên gọi thành Vạn Phúc.

Ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới trao chứng nhận Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới.

Tương truyền, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có từ hơn 1.000 năm trước, do bà Ả Lã Thị Nương - một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc truyền dạy cho dân làng. Từ khi mới ra đời, lụa Vạn Phúc đã trở thành một mặt hàng được ưa chuộng bởi sự khéo léo, tinh tế của bàn tay và tâm hồn người thợ kết tinh vào trong từng thước vải. Dưới triều nhà Nguyễn sản phẩm lụa Hà Đông đã được chọn để may quốc phục cho hoàng triều. Tiếng thơm vang xa, năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được quảng bá, giới thiệu ra thị trường quốc tế tại Hội chợ Marseille và được người Pháp ca ngợi là “Đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”. Từ 1958 - 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nghề dệt lụa Vạn Phúc vẫn trụ vững trong suốt 10 thế kỷ qua và ngày càng phát triển, trở thành nghề truyền thống nổi tiếng của đất kinh kỳ.

Nhắc đến lụa Vạn Phúc là nhắc đến các loại: lụa, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi… với đặc trưng bền đẹp, mềm mại vừa tạo sự sang trọng, vừa gần gũi. Trong đó, dòng lụa vốn được đánh giá là quý nhất của làng Vạn Phúc là lụa vân với lối dệt tinh xảo. Lụa vân được làm hoàn toàn từ tơ tằm tự nhiên, không quá bóng bẩy mà hài hòa, trang nhã; ánh lụa tự nhiên vô cùng bắt mắt khi ra nắng, khi mặc ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Để dệt được loại lụa này, người thợ phải dệt với hai loại vo dây và vo võng rất khó. Người dệt lụa vân phải đạt đến trình độ tinh xảo, vì thế nên ở trong làng không phải nhà nào cũng có thể dệt được lụa vân cổ. Trên cả nước có nhiều làng nghề truyền thống dệt lụa, nhưng dường như chỉ có làng Vạn Phúc mới dệt được lụa vân.

Lụa Vạn Phúc luôn giữ được sức hút, trở thành biểu tượng của sự tinh tế trong văn hóa trang phục Việt.

Trên cơ sở những đề tài trang trí từ nghệ thuật truyền thống, người thợ làng lụa Vạn Phúc sáng tạo thêm để thích ứng với từng chất liệu dệt như ngũ phúc, long vân, thọ đỉnh, quần ngư vọng nguyệt, hoa lộc… để cho ra đời những sản phẩm đẹp. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn được làm theo kiểu truyền thống xưa. Nếu có thay đổi, thì cũng chỉ cải tiến về các thiết bị để sản phẩm ngày càng đẹp và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Cũng bởi đặc tính nổi trội này, lụa Hà Đông luôn được chọn làm quà tặng cho người thân và bạn bè khi du khách về đây.

Trải qua bao đổi thay, có những giai đoạn tưởng như nghề dệt lụa truyền thống của làng Vạn Phúc không còn giữ được, nhưng người dân làng lụa đã tìm ra hướng đi mới để giữ lấy nghề truyền thống của ông cha. Hiện làng lụa Vạn Phúc Hà Đông có gần 800 hộ gia đình làm nghề dệt lụa, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại nơi đây. Mỗi năm, làng tơ lụa Vạn Phúc Hà Đông đã sản xuất khoảng 2,5 - 3 triệu m2 vải, tương đương với 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề.

Với bề dày truyền thống hơn 1.000 năm, làng Vạn Phúc đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay”. Năm 2023, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việt Nam có 3 thành phố được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo, gồm Hà Nội, Hội An và Đà Lạt. Việc UNESCO công nhận các thành phố này trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo không chỉ thể hiện sự tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời mà còn ghi nhận những nỗ lực trong việc đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm đặc trưng có giá trị quốc tế.

Hà Nội: Thành phố sáng tạo về thiết kế

Thăng Long - Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống với hệ thống di sản phong phú, như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long… cùng các làng nghề truyền thống, như: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ... Cùng với đó là nghệ thuật sân khấu (chèo, tuồng, ca trù), và phong tục tập quán đậm nét dân tộc. Những di sản văn hóa này đã góp phần xây dựng nên hình ảnh một Hà Nội vừa cổ kính, vừa năng động, sáng tạo.

Nằm trong sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hoá bản địa với các nền văn hoá Đông - Tây, kế thừa những di sản và tiếp nối mạch nguồn của đô thị sáng tạo Thăng Long ngàn năm tuổi, Thủ đô Hà Nội cũng sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. 

Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 thu hút đông đảo người dân và du khách. 

Năm 2019, Hà Nội là thành phố thứ 246 tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và được ghi nhận trong lĩnh vực thiết kế, một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược phát triển đô thị và văn hóa của thủ đô.

Trong những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển, thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.

Hà Nội đã trở thành một trung tâm văn hóa đa dạng với nhiều sự kiện nghệ thuật nổi bật như các Tuần lễ Thiết kế sáng tạo được tổ chức hằng năm với sự nở rộ của các không gian công cộng và nghệ thuật đường phố. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các không gian sáng tạo đang là điểm nhấn, thể hiện tiềm năng sáng tạo đã len lỏi vào cuộc sống của người dân Thủ đô.

Hội An: Thành phố sáng tạo về thủ công mỹ nghệ

Năm 2023, cùng với Đà Lạt, Hội An đã được công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi, như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da... Trong đó, một số làng nghề đã được công nhận Di sản Phi vật thể quốc gia.

Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công, trong đó có nghề làm đèn lồng.

Sản xuất và kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sinh kế; trình diễn nghệ thuật dân gian là sinh hoạt tinh thần của người Hội An. Hai thứ đó hòa quyện với nhau, song hành tồn tại hàng trăm năm qua. Đó vừa là di sản do tiền nhân để lại, vừa là tài sản do các thế hệ đương đại kế thừa và lan tỏa ra thế giới bên ngoài. Sự sáng tạo, thực hành và trao truyền bền bỉ này đã khiến cho nghề thủ công, làng nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian ở Hội An trở thành một "di sản sống", một tài sản giá trị của cộng đồng cư dân, mà UNESCO đã nhận ra và tôn vinh khi kết nạp Hội An vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu. 

Hội An còn là mảnh đất có sức hút mạnh mẽ và mang lại nguồn cảm hứng cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sỹ trong và ngoài nước đến sinh sống và sáng tác với đa dạng các loại hình, lĩnh vực sáng tạo cũng như chiều sâu và hàm lượng sáng tạo; làm cho thành phố thân yêu này thành một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn của cả nước.

Đà Lạt: Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc

Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng với những nét yên bình, lãng mạn hiếm có tại Việt Nam, đã thu hút không ít những nghệ sỹ tài năng đến đây sáng tạo nghệ thuật (nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca, hội họa..). 

Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng với những nét yên bình, lãng mạn hiếm có tại Việt Nam.

Đến nay, đã có hơn 300 ca khúc hát về Đà Lạt, trong đó có những ca khúc đã đi sâu vào lòng người, như: “Lời thiên thu gọi” (Trịnh Công Sơn), “Ai lên xứ hoa đào” (Hoàng Nguyên); “Thành phố buồn” (Lam Phương); “Nồng nàn cao nguyên” (Krazan Dick); “Mimosa” (Trần Kiết Tường); “Hoa Langbiang” (Đình Nghĩ); "Thành phố sương" (Việt Anh)...

Nhiều nhà hát, hội quán âm nhạc, phòng trưng bày và những sân khấu nghệ thuật đã được xây dựng để thu hút du khách đến thưởng ngoạn và cảm nhận những nét đẹp của Đà Lạt. Hằng năm thành phố cũng có các sự kiện, các dự án âm nhạc được thực hiện tại đây để phục vụ cho người địa phương lẫn du khách. 

Đặc biệt, những năm gần đây thành phố đã hình thành nhiều cộng đồng sáng tạo, các không gian nghệ thuật, không gian trình diễn hấp dẫn, quy tụ nhiều nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, góp phần đưa nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng, tạo điều kiện để cộng đồng được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo.

Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam - Vietnam Classical Music Festival tổ chức tại Đà Lạt - thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, quy tụ trên 100 nghệ sĩ, tháng 3/2024.

Ngay sau khi được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, Đà Lạt đã nỗ lực thực hiện các cam kết cho giai đoạn từ 2024 - 2027, trong đó xác định rõ các hoạt động thực hiện hàng năm.

Thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc như hội thảo chuyên đề: “Bức tranh âm nhạc trong bối cảnh mới - Đà Lạt với vai trò là thành phố âm nhạc của UNESCO”; phối hợp tổ chức các buổi biểu diễn hòa nhạc cổ điển; tổ chức chương trình Lễ hội âm nhạc cổ điển - Vietnam Classical Music Festival...

Chú thích ảnh

Danh hiệu “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” được trao lần đầu tiên vào năm 2015, vinh danh 2 năm/lần. Đến nay, Việt Nam có 5 thành phố được công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu" là TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Vinh, Cao Lãnh và Sa Đéc (từ năm 2020 - 2024).

TP Hồ Chí Minh (2024)

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế văn hóa của cả nước và trong khu vực; có nhiều tiềm lực về ý tưởng và sức sáng tạo trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. 

TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ tiêu chí với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường; dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: kết nối với bản thân - kết nối với người khác - kết nối với thế giới tự nhiên.

TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được môi trường học tập trong toàn xã hội. Phong trào học tập phát triển sôi nổi trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị... Thành phố quyết tâm xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời. Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La (2024)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Sơn La, thành phố Sơn La năng động, giàu bản sắc văn hóa và luôn dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Diễn đàn “Văn hóa ứng xử học đường, xây dựng trường học hạnh phúc” ở Sơn La, tháng 12/2023.

Thành phố Sơn La đã tập trung nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học cơ sở đối với 100% trẻ trong độ tuổi. Xóa mù chữ mức độ 1 cho 99% số người trong độ tuổi từ 35 đến 60; mức độ 2 cho 100% người trong độ tuổi từ 15 đến 34.

Cùng với đó, 100% đơn vị giáo dục chuyển hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thành phố Sa Đéc (2020) và Thành phố Cao Lãnh (2022), tỉnh Đồng Tháp 

Đồng Tháp là tỉnh duy nhất của Việt Nam có 2 thành phố được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” là thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh. 

Tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm phát triển giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, tạo cơ hội học tập cho toàn dân. Trong 5 đột phá chiến lược phát triển của Đồng Tháp giai đoạn 2020 - 2025, giáo dục và đào tạo đứng thứ hai: “Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Bà Miki Nozawa, Trưởng Ban Giáo dục của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trao Giấy chứng nhận thành phố Cao Lãnh là thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu cho đại diện lãnh đạo thành phố Cao Lãnh.

Ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Tháp mở chuyên mục “Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp” phát sóng 2 kỳ/tháng vào tối thứ sáu hằng tuần; phối hợp với Báo Đồng Tháp thực hiện chuyên trang “Giáo dục Đồng Tháp”, 2 kỳ/tháng.

Đến nay, có 143/143 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có 12/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn mức độ 3; có 84/143 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2 và 59/143 đơn vị đạt chuẩn mức độ 3, có 3/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn mức độ 2.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai thực hiện sâu rộng đến cơ sở. Nhiều mô hình được thực hiện từ những năm qua, như: Tổ dân phòng-khuyến học, Gia đình hiếu học/Gia đình học tập, Dòng họ hiếu học/Dòng họ học tập, Đơn vị học tập và Cộng đồng học tập cấp xã được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào Nuôi heo đất khuyến học, phong trào xây dựng “Góc học tập” tại gia đình, Tủ sách khuyến học... được quan tâm duy trì.

Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (2020)

Ngày 21/9/2020, UNESCO đã trao chứng thư công nhận thành phố Vinh trở thành thành viên của "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" cùng với 55 thành phố từ 27 quốc gia trên thế giới.

Sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thành phố Vinh đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc xây dựng thành phố học tập

Sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thành phố Vinh đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc xây dựng thành phố học tập. Thành phố Vinh đã xây dựng chương trình đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng và trung tâm văn hóa cộng đồng đến năm 2030. Tổ chức ngày hội đọc sách hàng năm ở các trường học, nhà văn hóa khối, xóm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động thu hút người dân tham gia, đặc biệt là thanh thiếu niên, người cao tuổi và các nhóm người yếu thế giúp họ hình thành thói quen đọc sách và kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin; Triển khai và đẩy mạnh việc xây dựng thư viện cộng đồng ở các nhà văn hóa khối, xóm, khu dân cư để giúp người dân có không gian đọc sách mọi lúc, mọi nơi.

Thành phố cũng phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng, các trường dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên. Trên địa bàn thành phố có 25 trung tâm học tập cộng đồng, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên cùng nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề. Tổ chức các khóa học, chương trình bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân như: Tổ chức các lớp dạy nghề, các lớp dạy nấu ăn, chăn nuôi, trồng trọt... đến tận từng khối xóm, khu dân cư, từ đó đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong cộng đồng.

Chú thích ảnh

Bài: Dung Duyên - Minh Hiếu - Diệp Ninh
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

23/02/2025 06:05