Theo trang tin Politico.eu ngày 4/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đang bắn hạ nhiều máy bay không người lái tấn công các cơ sở hạ tầng của họ, lên tới 80 phương tiện bay trên bầu trời Kiev chỉ trong cuộc tấn công bất ngờ của Nga vào đêm 31/12.2022.
Vậy làm thế nào Ukraine có thể thực hiện điều đó? Theo các quan chức Ukraine và cố vấn cho Kiev, phần lớn là nhờ hệ thống Gepard do Đức sản xuất, một phương tiện có hai khẩu pháo tự động cỡ nòng 35mm có khả năng bắn hạ các UAV. Berlin đã gửi 30 hệ thống Gepard cho Ukraine trong năm qua và 7 hệ thống nữa sẽ được chuyển trong năm nay.
Loại vũ khí này, về cơ bản là một hệ thống phòng không di động đóng vai trò chính trong việc tiêu diệt máy bay không người lái và tên lửa tấn công cả các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Theo Yurii Ihnat, người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine, kể từ tháng 9, lực lượng phòng không nước này đã phá hủy 540 UAV "cảm tử" mà Kiev cho là do Iran chế tạo. Ông Ihnat nói thêm rằng Gepard “có hiệu quả chống lại các UAV này, cũng như đối phó với tên lửa hành trình, nhưng loại vũ khí đó, vốn được thiết kế để phòng không cho lực lượng trên bộ, là không đủ”.
Với nhiều mối đe dọa từ máy bay không người lái và tên lửa, lực lượng Ukraine vẫn phải sử dụng các loại hệ thống tên lửa phòng không đắt tiền, cả hệ thống vũ khí cũ thời Liên Xô cũng như hệ thống radar mới hơn và bệ phóng tên lửa do các nước phương Tây viện trợ.
Mặc dù phía Mỹ không thể xác nhận số lượng lớn UAV bị bắn rơi ở Ukraine, nhưng “chúng tôi không có lý do gì để không tin vào những gì họ nói”, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết trong điều kiện giấu tên.
Trong khi Gepard đã chứng tỏ hiệu quả đặc biệt, một số thách thức vẫn tồn tại.
Đạn sản xuất cho hai khẩu pháo của Gepard được thực hiện tại Thụy Sĩ và Chính phủ nước này đã từ chối cho phép Đức tái xuất những viên đạn đó sang Ukraine, với lý do Thụy Sĩ trung lập.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã viết thư cho Chính phủ Thụy Sĩ vào tháng 10/2022 đề nghị gửi 12.400 viên đạn do Thụy Sĩ sản xuất tới Ukraine, nhưng đã bị từ chối. Vào tháng 12, nhà sản xuất Rheinmetall của Đức cho biết họ sẽ mở một dây chuyền sản xuất mới để bắt đầu chế tạo loại đạn 35 mm, nhưng những viên đạn đầu tiên sẽ được sản xuất nhanh nhất vào cuối năm nay.
Việc thiếu năng lực công nghiệp quốc phòng trong nước đã ngày càng khiến các chính phủ phương Tây lo ngại kể từ khi bắt đầu nổ ra xung đột ở Ukraine. Do đó, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đang gấp rút làm việc để xác định các loại vũ khí mà họ có thể xuất kho từ nguồn dự trữ và xem xét các biện pháp huy động nguồn lực khi cuộc xung đột tiếp tục làm cạn kiệt các kho vũ khí trên khắp NATO.
Tại Mỹ, các cuộc thảo luận bí mật đã diễn ra về việc rút các loại vũ khí thời Chiến tranh Lạnh ra khỏi boongke và nâng cấp chúng đủ để hữu ích cho Kiev. Một chương trình như vậy đã được khởi động, với các tên lửa dành cho hệ thống phòng không HAWK do Mỹ sản xuất đã quá hạn sử dụng từ lâu dự kiến sẽ được cải tiến để đưa vào tham chiến.
Các tên lửa HAWK sẽ được nâng cấp để phù hợp với một số bệ phóng mà Tây Ban Nha đã cam kết gửi cho Ukraine. HAWK vẫn được sử dụng ở châu Âu và các nơi khác, nhưng đã bị Quân đội Mỹ loại bỏ vào đầu những năm 1990 để chuyển sang hệ thống Patriot, nghĩa là các tên lửa hiện có trong kho của Mỹ này cần được cải tiến lại.