Hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD tới Seongju (Hàn Quốc) ngày 7/9. Ảnh: Yonhap/EPA |
Theo Bloomberg, 4 bệ phóng thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ngày 7/9 đã tới một căn cứ quân sự của Hàn Quốc, trong bối cảnh Seoul cảnh báo Triều Tiên có thể phóng tiếp một quả tên lửa vào cuối tuần này.
Vào lúc 0 giờ 30 phút sáng ngày 7/9 (giờ địa phương), một đoàn gồm 10 xe tải chuyên dụng chở các bộ phận của 4 bệ phóng thuộc Hệ thống THAAD đã rời căn cứ không quân Mỹ ở thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi bằng cửa sau để tới thành phố Seongju thuộc tỉnh Gyeongbuk. Ngoài ra, 1 trung đội thuộc sở cảnh sát phía Nam tỉnh Gyeonggi cũng đã được điều động để hộ tống đoàn xe.
Hàn Quốc trước đó cho biết Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một lần phóng thử tên lửa khác ngay sau
vụ thử bom H triển khai vào rạng sáng 3/9 vừa qua, nhằm cải thiện năng lực chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Phát biểu trong một hội nghị tại Seoul ngày 5/9, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho biết Triều Tiên có thể phóng tiếp tên lửa vào hôm thứ Bảy tới nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Việc lắp đặt thêm các bệ phóng cho hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc và Nga. Chính quyền Bắc Kinh phản biện hệ thống THAAD có thể khiến an ninh khu vực mất cân bằng.
Theo Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong ngày 6/9, Trung Quốc yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngay lập tức dừng triển khai mới các hệ thống THAAD và tháo dỡ toàn bộ các thiết bị đã lắp đặt.
Người phát ngôn Cảnh Sảng nhấn mạnh: Việc triển khai THAAD “không giúp ích trong việc giải quyết các mối lo ngại an ninh của các nước liên quan. Nó chỉ càng làm suy yếu trầm trọng cân bằng chiến lược trong khu vực, gây nguy hại lợi ích an ninh và chiến lược của các nước khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, làm căng thẳng và tình thế đối đầu leo thang và càng làm phức tạp hóa tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, phía Nga cũng cho rằng THAAD có thể phá vỡ sự ổn định chiến lược. Giáo sư của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga, chuyên gia quân sự Vladimir Kozin đã đưa ra nhận định rằng khả năng và số lượng của các THAAD có thể phá vỡ sự ổn định chiến lược, cho dù chúng được bố trí ở đâu.
Phát biểu với báo giới, chuyên gia Kozin nêu rõ không quan trọng đâu là nơi những tên lửa này sẽ được triển khai tại Hàn Quốc, Alaska hoặc các vùng biển, người Mỹ “nếu có càng nhiều tên lửa đánh chặn các loại thì càng nguy hiểm cho Nga".
Cũng theo chuyên gia này, việc mở rộng triển khai lắp đặt hệ thống THAAD có thể thôi thúc Mỹ phát động một cuộc tấn công hạt nhân hoặc phi hạt nhân nhằm vào các quốc gia khác mà không sợ bị trả đũa.
Ông Kozin giải thích đầu tiên, Mỹ có thể gài thêm vũ khí tấn công vào trong bệ phóng của các hệ thống phòng thủ tên lửa. Thứ hai là nếu số lượng hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều hơn số lượng tên lửa hạt nhân, thì Mỹ có thể sẽ bị thôi thúc phát động vụ tấn công hạt nhân đầu tiên hoặc phi hạt nhân nhằm vào Triều Tiên, rồi sau đó "trốn" sau các hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD của Mỹ được thiết kế để ngăn chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, đánh chặn mục tiêu bay ở độ cao 150km. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đạn tên lửa của hệ thống THAAD sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vectơ.