Chính sách châu Á của Nga: Những hạn chế cũ và điều kiện mới

Đối với Nga, việc tăng cường quan hệ với châu Á không còn là một lựa chọn nữa mà là nhu cầu, đặc biệt sau các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột ở Ukraine. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày 12/9/2023. Ảnh: Sputnik/Reuters

Theo nhận định của Tiến sĩ Khoa học Timofey Bordachev, Giám đốc Chương trình Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, thành viên Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), một năm rưỡi qua có thể đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Nga và châu Á. Đối với Moskva, việc tăng cường quan hệ với các cường quốc trong khu vực và nền kinh tế khác ở châu Á không còn là một lựa chọn nữa mà là điều cần thiết. 

Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, châu Âu được coi là các đối tác hàng đầu của Nga, trong khi việc phát triển quan hệ với các nước châu Á và sự hiện diện ở khu vực này chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu của Moskva. 

Điều này xuất phát từ: Thứ nhất, Nga hầu như chưa bao giờ bị đe dọa về mặt an ninh từ châu Á và thứ hai, trong lĩnh vực kinh tế, Nga luôn có mối liên hệ chặt chẽ với châu Âu và phương Tây nói chung. Chính yếu tố địa lý đã góp phần tăng cường hợp tác và thương mại, đến mức ngay cả các cuộc đối đầu, xung đột trong lịch sử giữa người Nga và châu Âu cũng không thể phá vỡ được. 

Ngoài ra, các khu vực của Nga giáp với châu Á chưa bao giờ có dân cư đông đúc hoặc chưa bao giờ đủ quan trọng trong hệ thống kinh tế của Moskva. Cùng với các yếu tố khí hậu và địa hình, quan hệ với châu Á rất phức tạp bởi thực tế là, từ quan điểm địa chính trị, Nga bị tách biệt khỏi phần lớn các quốc gia châu Á: bị ngăn cách với châu Á về phía Nam bởi vành đai Hồi giáo rộng lớn ở Trung Á và Afghanistan, về phía Đông Nam bởi Trung Quốc khổng lồ, và về phía Đông Bắc bởi Nhật Bản.

Vì vậy, việc phát triển mối quan hệ giữa Nga và phần còn lại của châu Á đòi hỏi phải tạo ra các năng lực hậu cần đặc biệt. Bản thân châu Á trước đây cũng không đại diện cho một phần quan trọng của hệ thống quốc tế, hầu hết các quốc gia ở đó tập trung vào việc hội nhập với trật tự thế giới phương Tây do Mỹ chi phối. 

Tuy nhiên, sau khi các nước phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm cô lập Nga về kinh tế và quân sự, đã dẫn đến sự rạn nứt nhanh chóng nhiều mối quan hệ giữa Moskva và các quốc gia châu Âu.

Trong bối cảnh mới này, Nga thực sự cần phát triển quan hệ với châu Á. Trong giai đoạn 2022-2023, quy mô quan hệ kinh tế thương mại giữa Nga và các nước châu Á tăng lên đáng kể và khu vực Vladivostok trở thành một trong những “cửa ngõ” chính của hàng hóa Nga vào thị trường thế giới.

Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu ngày càng bất ổn, bản thân các nước châu Á cũng quan tâm đến việc tích cực giao thương với Nga và từng bước chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ. Châu Á từng được coi là đối tác "thứ yếu" với Moskva, nhưng giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử Nga, những điều kiện khách quan đã xuất hiện buộc nước này phải hướng về "phương Đông".

Việc Nga vừa tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2023 (EEF 2023 - diễn ra từ ngày 10 - 13/9) là một sự kiện minh chứng cho "xoay trục" sang châu Á của Moskva. Chính sách đầy tham vọng này đã được Điện Kremlin tuyên bố cách đây hơn 10 năm, khi trong một bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát triển vùng Viễn Đông của nước này và hội nhập với thị trường thế giới là ưu tiên quốc gia trong thế kỷ 21. 

Kể từ năm 2015, diễn đàn đã quy tụ các chính trị gia Nga và nước ngoài, cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, khoa học, giáo dục và xã hội dân sự. Nhiều lần Diễn đàn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ những quốc gia lớn nhất châu Á – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tờ Izvestia (Nga) cũng cho rằng EEF 2023 nêu bật sự "xoay trục" về phía Đông của Nga và mục tiêu kinh tế chính của diễn đàn là thiết lập mối liên hệ với các đối tác châu Á, tập trung vào các dự án riêng lẻ. Các phái đoàn lớn nhất tham dự sự kiện năm nay đến từ các nước như Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ, Mông Cổ và Lào. 

Như đánh giá của Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), kết quả chính trị quan trọng nhất của diễn đàn EEF năm nay là đã bác bỏ ý kiến cho rằng Nga có thể bị cô lập một cách hiệu quả và rõ ràng như thế nào.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Valdai Club/Izvestia)
Bất chấp bị trừng phạt, Nga sản xuất tên lửa nhiều hơn cả trước xung đột Ukraine
Bất chấp bị trừng phạt, Nga sản xuất tên lửa nhiều hơn cả trước xung đột Ukraine

Theo tờ New York Times, Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt và biện pháp kiểm soát xuất khẩu do phương Tây áp đặt để mở rộng sản xuất tên lửa vượt mức trước cuộc xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN