Thách thức nghiêm trọng mới từ việc EU giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga

Bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường tích trữ khí đốt trước mùa đông, năng lượng của châu Âu vẫn không được đảm bảo về lâu dài. Đặc biệt, trong tương lai EU có thể ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Chú thích ảnh
EU đang đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt, tập trung vào LNG. Ảnh: AFP

Từ thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU biết rằng họ sẽ sớm phải tự trả lời một số câu hỏi rất phức tạp. Theo bình luận của kênh CNN (Mỹ) mới đây, nổi bật trong số đó là liệu châu Âu có thể độc lập với khí đốt của Nga vốn đã phục thuộc trong nhiều thập kỷ và tránh bị một cú sốc nếu nguồn cung từ Moskva bị cắt giảm đột ngột do sự hỗ trợ của EU cho Ukraine hay không. 

Đối với châu Âu, an ninh năng lượng luôn là một sự đánh đổi: Năng lượng nhập khẩu giá rẻ đi kèm với nguy cơ phụ thuộc vào các quốc gia sản xuất ra nó. 

Trong trường hợp của Nga và khí đốt tự nhiên từ nước này, các quan chức EU ban đầu suy đoán rằng một mùa đông dài và lạnh giá vào năm 2022-2023 có thể buộc châu Âu nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva. Suy cho cùng, các nước phát triển như những thành viên EU không thể để công dân của họ chịu lạnh giá vì Ukraine một cách không hợp lý. 

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa may mắn, có kế hoạch và ủng hộ của người châu Âu đã khiến cuộc chiến năng lượng – từng được coi là "con át chủ bài" của Tổng thống Nga Vladimir Putin – trở nên không hiệu quả. Châu Âu đã có một mùa đông đặc biệt ôn hòa trong khi chính phủ và người dân của họ đã nỗ lực phối hợp để sử dụng ít khí đốt hơn.

Sự kết hợp giữa mùa đông ấm áp và mức tiêu thụ khí đốt thấp hơn đã tạo cơ hội cho EU chuyển hướng khỏi chính sách "Wandel durch Handel" (Thay đổi thông qua thương mại - một chính sách đối ngoại của Đức về việc tăng cường thương mại nhằm nỗ lực tạo ra sự thay đổi về chính trị).

Bước đầu tiên của EU là giảm nhập khẩu từ Nga. Vào năm 2021, một năm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, 45% tổng lượng khí đốt mà EU nhập khẩu đến từ Nga. Ở Đức, con số đó đạt mức 52%. Những số liệu trên đã giảm mạnh kể từ đó. Theo dữ liệu của EU, trong quý 1 năm 2023, Nga chỉ chiếm 17,4% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối. 

Bước thứ hai là tận dụng mùa đông ấm áp và tích trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa lạnh năm 2023-2024. 

Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã sớm đạt mức lưu trữ theo mục tiêu đặt ra năm nay đến mức có sự đồng thuận rằng Nga sẽ không thể "vũ khí hóa" năng lượng theo cách có thể làm thay đổi quyết tâm của EU trong việc trừng phạt Moskva và ủng hộ Ukraine. EU nói chung đã đạt được mục tiêu dự trữ đầy 90% vào giữa tháng 8, vài tháng trước thời hạn ngày 1/11 tới.

Hơn nữa, châu Âu đã đa dạng hóa đáng kể các nguồn cung năng lượng của mình. 

Chú thích ảnh
Trung Quốc đi đầu trong sản xuất tấm pin mặt trời. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực trên, các quan chức EU và nhà phân tích vẫn lo ngại rằng dù những tiến bộ đó có ấn tượng đến đâu, năng lượng của châu Âu vẫn không được đảm bảo về lâu dài. 

Điểm đáng lo ngại nhất là do toàn bộ châu Âu đã đa dạng hóa việc nhập khẩu khí đốt, phần lớn trong số đó hiện đang được dự trữ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). 

Milan Elkerbout, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, cho biết: “LNG là một giải pháp rõ ràng đến mức nó trở thành ưu tiên, nhưng vì LNG cũng rất linh hoạt và có thể giao dịch nên khó truy tìm nguồn gốc hơn một chút”. 

Ông Elkerbout nói thêm: “Điều đó có nghĩa là gián tiếp một số lượng LNG nhất định có thể đến từ Nga và vẫn đóng góp vào nguồn thu của Điện kremlin”. 

Trong khi EU cho biết phần lớn LNG của họ được mua từ Mỹ, Qatar và Nigeria, loại khí này thường được bán trên các sàn giao dịch nơi các hợp đồng chỉ quy định về khối lượng mà không có bất kỳ sự xem xét nào về xuất xứ.

Lĩnh vực quan tâm thứ hai – và được cho là quan trọng hơn – là về dài hạn. Mặc dù châu Âu có thể đã từ bỏ một phần chính sách "Thay đổi thông qua thương mại" với Nga, nhưng EU vẫn phụ thuộc vào năng lượng của các nước khác. Và khi nói đến an ninh năng lượng, sự phụ thuộc này cuối cùng sẽ đưa châu Âu quay trở lại với sự đánh đổi kinh điển ban đầu: Giữa kinh tế và rủi ro. 

Nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc

Một trong những cách mà EU hy vọng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng là thông qua Thỏa thuận xanh, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến châu Âu trở thành lục địa trung hòa khí hậu đầu tiên vào năm 2050.

Dự án này, theo dự đoán hiện tại, sẽ tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ euro (1,07 nghìn tỷ USD), dự kiến đạt được bằng nhiều cách, từ trồng 3 tỷ cây mới đến cải tạo các tòa nhà để sử dụng năng lượng hiệu quả. Tất nhiên, đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và giao thông sạch cũng sẽ đóng vai trò rất lớn. 

Cột mốc quan trọng đầu tiên trong Thỏa thuận Xanh là lượng khí thải nhà kính của EU giảm 55% trước năm 2030, so với mức của năm 1990. Các nhà phê bình ngày càng lo lắng rằng tiến độ đang bị chậm trong việc đạt được mục tiêu này, bên cạnh chi phí khổng lồ cho từng quốc gia thành viên, sẽ khiến một số quốc gia phải tìm đến một nguồn đầu tư nước ngoài khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng: Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen thừa nhận nhiều kế hoạch dài hạn của EU sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn khi hợp tác với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Rất ít người ở Brussels nói rằng mối quan hệ của EU với Bắc Kinh hiện nay là bế tắc. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen gần đây đã thay đổi quan điểm của mình về Trung Quốc, nói một cách chi tiết về sự cần thiết phải “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ của châu Âu với nước này. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng nhiều kế hoạch dài hạn của EU sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn khi hợp tác với Trung Quốc, bao gồm cả tham vọng về một "châu Âu xanh". 

Quan điểm của bà Leyen phản ánh lập trường khác nhau giữa 27 quốc gia thành viên EU. Một số nước coi Trung Quốc là "cưỡng ép về kinh tế" (ví dụ Litva) trong khi số khác coi nước này là nguồn cung cấp các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và pin giá rẻ. Số còn lại cho rằng vẫn cần hợp tác với Trung Quốc nhưng muốn tiến hành một cách thận trọng.

Một vấn đề, như một số người chỉ ra, là Trung Quốc đã biến mình thành một nước đóng vai trò chủ chốt về mặt chiến lược trong nhiều công nghệ và nguyên liệu thô quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.

“Trung Quốc bắt đầu chiến lược công nghiệp về năng lượng xanh khoảng 15 năm trước. Họ đã làm rất tốt điều đó, đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên như lithium để sản xuất pin, thép cho tua-bin gió và đã xây dựng năng lực sản xuất để chế tạo tất cả các thiết bị này”, Adam Bell, cựu quan chức năng lượng của Chính phủ Anh, nêu rõ. 

Ông Bell lưu ý: “Trong khi đó, châu Âu do dự và giờ đây có lẽ không thể tránh khỏi việc Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai xanh của EU nếu không có hành động quyết liệt”.

Về phần mình, Velina Tchakarova, chuyên gia hàng đầu về an ninh châu Âu, nêu quan điểm: “Nguồn vốn khổng lồ của Trung Quốc cùng với việc kiểm soát một lượng lớn vật liệu thô quan trọng mang lại cho ngành công nghiệp Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh đáng kể, điều mà các công ty châu Âu sẽ ngày càng khó bắt kịp".

Nhiều quan chức phương Tây chỉ ra những thách thức an ninh trực tiếp hơn do Trung Quốc đặt ra nếu châu Âu cuối cùng phải dựa vào nước này để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, ví dụ những lỗ hổng về nguồn cung, tương tự như châu Âu đã trải qua với Nga.

Tóm lại, EU đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết vấn đề phụ thuộc vào năng lượng của Moskva và tốc độ phản ứng của họ trước cuộc xung đột Nga - Ukraine là rất ấn tượng, vì điều này từng được cho là không thể thực hiện được. Tuy nhiên, dân số đông và ngày càng già của châu Âu – kết hợp với nền kinh tế trì trệ – vẫn đòi hỏi cần một lượng năng lượng khổng lồ nếu họ muốn duy trì mức sống hiện tại. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo CNN)
Tây Ban Nha ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Tây Ban Nha ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu khí đốt từ Nga tăng 70%, chiếm 21% tổng lượng nhập khẩu khi Tây Ban Nha trở thành khách hàng lớn thứ hai của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN