Bất chấp bị trừng phạt, Nga sản xuất tên lửa nhiều hơn cả trước xung đột Ukraine

Theo tờ New York Times, Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt và biện pháp kiểm soát xuất khẩu do phương Tây áp đặt để mở rộng sản xuất tên lửa vượt mức trước cuộc xung đột.

Chú thích ảnh
Xe quân sự tại xưởng của Nhà máy Obukhov, Tập đoàn Almaz-Antey ở St. Petersburg, Nga. Ảnh: Sputnik

Ngoài việc chi hơn 40 tỷ USD dưới hình thức cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ còn coi biện pháp hạn chế nguồn cung cấp vũ khí cho quân đội Nga là một phần quan trọng trong chiến lược hỗ trợ Ukraine.

Do các lệnh trừng phạt, các quan chức Mỹ ước tính rằng Nga buộc phải giảm đáng kể sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2/2022 trong ít nhất 6 tháng. Nhưng đến cuối năm 2022, ngành sản xuất quân sự của Nga bắt đầu tăng tốc trở lại.

Theo các quan chức Mỹ giấu tên, Nga đã phá vỡ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách sử dụng các cơ quan tình báo và Bộ Quốc phòng để điều hành mạng lưới nhằm đưa các linh kiện quan trọng đến Nga. Trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi xung đột nổ ra, Nga đã xây dựng lại hoạt động thương mại các linh kiện quan trọng bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia như Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu đang tìm cách hợp tác để hạn chế xuất khẩu chip sang Nga, nhưng lại gặp khó khăn trong ngăn chặn hoạt động này ở các quốc gia có quan hệ với Nga.

Vào tháng 10/2022, Mỹ đã phối hợp cùng các nước để nỗ lực tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Vào thời điểm đó, các quan chức Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu có hiệu quả, một phần vì có thể ngăn cản các nước gửi vi mạch, bảng mạch, bộ xử lý máy tính và các bộ phận khác cần thiết cho vũ khí dẫn đường chính xác cũng như các bộ phận cần thiết cho động cơ diesel, máy bay trực thăng, xe tăng.

Nhưng Nga đã nhanh chóng thích nghi, tự nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung cấp các bộ phận cần thiết. Ngày nay, các quan chức Nga đã tái cơ cấu nền kinh tế để tập trung vào sản xuất quốc phòng. Nhờ doanh thu từ giá năng lượng cao, các cơ quan an ninh và Bộ Quốc phòng Nga đã có thể có các thiết bị vi điện tử và các vật liệu phương Tây khác cần thiết cho tên lửa hành trình, các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác. Kết quả là sản xuất quân sự không những phục hồi mà còn tăng vọt.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây cho biết Nga có thể sản xuất 100 xe tăng mỗi năm. Còn bây giờ, Nga đang sản xuất 200 chiếc.

Các quan chức phương Tây cũng cho rằng Nga đang trên đà sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, gấp đôi số lượng mà cơ quan tình báo phương Tây ban đầu ước tính Nga có thể sản xuất trước cuộc xung đột.

Nhờ đó, Nga đang sản xuất nhiều đạn dược hơn cả Mỹ và châu Âu.

Ông Kusti Salm, một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Estonia, ước tính sản lượng đạn dược hiện tại của Nga lớn gấp 7 lần so với phương Tây.

Ông Salm cho biết chi phí sản xuất của Nga cũng thấp hơn nhiều so với phương Tây. Ví dụ, một quốc gia phương Tây phải tốn từ 5.000 đến 6.000 USD để chế tạo một quả đạn pháo 155 mm, trong khi Nga chỉ tốn khoảng 600 USD để sản xuất một quả đạn pháo 152 mm tương đương.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Yahoonews

Tuy nhiên, Nga vẫn gặp một số khó khăn. Trong trường hợp Nga cần hàng triệu linh kiện nào đó, biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây có thể khiến hoạt động sản xuất vũ khí ở Nga bị đình trệ. Dù vậy, những con chip cần thiết để tạo ra vài trăm tên lửa hành trình sẽ để vừa một vài chiếc ba lô, khiến việc tránh các lệnh trừng phạt trở nên tương đối đơn giản.

Các quan chức Mỹ nói họ có thể làm chậm, nhưng không ngăn được Nga mua các bộ phận cần thiết cho sản xuất tên lửa. Theo Bộ Thương mại Mỹ, một cách mà Nga đã thích nghi là vận chuyển các linh kiện sang nước thứ ba sau đó chuyển chúng trở lại Nga.

Hiện tại, Mỹ và Liên minh châu Âu có danh sách chung gồm 38 loại mặt hàng khác nhau bị cấm xuất khẩu sang Nga. Các quan chức Mỹ cho biết 9 trong số 38 thiết bị, chủ yếu là thiết bị vi điện tử cung cấp năng lượng cho tên lửa và máy bay không người lái, là những thiết bị có mức độ ưu tiên cao nhất cần ngăn chặn.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã phối hợp với các ngân hàng để phát triển một hệ thống cảnh báo nhằm cảnh báo các chính phủ về những vi phạm lệnh trừng phạt có thể xảy ra. Cho đến nay, các ngân hàng Mỹ đã cảnh báo chính phủ Mỹ về 400 giao dịch đáng ngờ. Bộ Thương mại Mỹ đã dựa vào 1/3 số báo cáo hoạt động đáng ngờ đó trong các cuộc điều tra.

Vào ngày 31/8, Bộ Thương mại Mỹ đã cáo buộc ba người vi phạm biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Một người đã bị Bộ Tư pháp Mỹ bắt giữ. Người này bị cáo buộc mua lại các thiết bị vi điện tử từ các nhà xuất khẩu Mỹ để gửi đến CH Síp, Latvia hoặc Tajikistan. Khi đến đó, các công ty khác đã giúp gửi tiếp các bộ phận này và cuối cùng các bộ phận đã đến được Nga.

Trước thông tin trên tờ New York Times, đài RT cũng cho biêt lượng bàn giao đơn hàng mỗi tháng của các nhà máy quân sự Nga đang nhiều hơn tổng đơn hàng thực hiện trong cả năm 2022.

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết tổ hợp công nghiệp - quân sự của nước này có thể cần sử dụng trên 16.000 công nhân chuyên môn để nỗ lực đẩy mạnh sản xuất một số loại vũ khí.

Ông Manturov phát biểu tại một hội nghị ở Nizhny Novgorod: “Kể từ đầu năm nay, nhiều loại vũ khí và thiết bị đặc biệt đã được sản xuất nhiều hơn so với cả năm ngoái. Nói về vũ khí, chúng tôi đang đạt đến mức giao hàng chỉ trong một tháng vượt tổng số đơn đặt hàng của cả năm ngoái”.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nga tuyên bố tất cả các doanh nghiệp quốc phòng đang hoạt động dưới công suất chưa từng có. Tuy nhiên, việc tăng sản xuất cũng khiến các doanh nghiệp quốc phòng Nga thiếu lao động.

Ngoài ra, Nga cũng đang vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây về mặt kinh tế. GDP của Nga đang trên đà tăng trưởng hơn 2% trong năm nay sau khi giảm 2,1% năm 2022. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào tháng trước: "Chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và có triển vọng tốt trong tăng trưởng nhanh chóng".

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đức tìm cách 'đẩy vũ khí Nga' ra khỏi thị trường Ấn Độ, nhưng liệu có thành công?
Đức tìm cách 'đẩy vũ khí Nga' ra khỏi thị trường Ấn Độ, nhưng liệu có thành công?

Các nước phương Tây đã có sự e dè trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất tàu ngầm cho Ấn Độ do nước này có mối quan hệ tốt với Nga và chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN