Đã có những chuyển biến tích cực kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực (1/1/2020), số vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ người điều khiển phương tiện lạm dụng rượu bia giảm rõ rệt. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài cả nước dồn sức chống dịch COVID-19, thì nhiều người dân, nhiều tài xế có tâm lý chủ quan, cho phép mình được xả hơi, được hòa mình vào không khí “rượu chè”. Đó cũng là nguyên nhân mà các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng tăng trở lại, đặc biệt là ở các thành phố, đô thị lớn, các tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ liên tỉnh.
Có lẽ đây là lý do mà Bộ Công an quyết định triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường vi phạm nồng độ cồn” từ ngày 15/3 đến hết ngày 31/12/2021; trong đó tập trung các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, các tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh trật tự...
Khác với những đợt ra quân trước, lần này, lực lượng chức năng chuẩn bị rất kỹ về trang bị, phương tiện và nhân sự. Các tổ công tác đều được trang bị camera, thậm chí ở nhiều tuyến đường, địa bàn còn được bố trí người làm nhiệm vụ ghi âm, ghi hình.
Lâu nay, cứ hễ xảy ra vi phạm về trật tự an toàn giao thông, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thì một số người vi phạm có hành vi “gọi điện thoại cho người thân” để nhờ vả. Trong số đó có không ít cán bộ, công chức, đảng viên đang công tác tại các cơ quan nhà nước. Trong đợt ra quân lần này, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng công an xử lý nghiêm vi phạm, không nể nang, không có vùng cấm, tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ. Đơn vị, cá nhân nào vi phạm quy định, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ bị xử lý, kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm.
Chỉ trong ngày đầu ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý 7.388 trường hợp vi phạm, phạt tiền 7,1 tỷ đồng, tạm giữ 59 ô tô, 139 mô tô và tước 667 giấy phép lái xe, trong đó có 604 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đã xuất hiện tình trạng người điều khiển phương tiện tỏ thái độ không hợp tác, xin xỏ hoặc viện đủ lý do để tránh đo nồng cộ cồn, thậm chí có hành động chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ... Hầu hết tài xế mặc dù biết được tác hại của sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, biết được chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quá nồng độ cồn khi lái xe, nhưng vẫn cố tình vi phạm và biện minh rằng, dù có sử dụng rượu bia, nhưng họ vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái. Ấy vậy mà, trong đợt ra quân kiểm tra lần này, có lái xe khi được lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra vẫn trong tình trạng say xỉn, mất kiểm soát.
Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu lực lượng chức năng không phát hiện, xử lý kịp thời đối với những lái xe sử dụng chất kích thích như vừa nêu. Rất nhiều người đã phải nhận cái chết oan uổng do những tài xế sử dụng rượu bia quá đà gây ra. Rồi còn bao nhiêu tài xế không bỏ được thói quen uống rượu bia, thậm chí phê ma túy vẫn tham gia giao thông chưa được phát hiện, vẫn ung dung cầm vô lăng điều khiển những chiếc “hung thần” trên khắp các nẻo đường.
Dư luận xã hội hết sức phẫn nộ và lên án mạnh mẽ hành vi lái xe coi thường pháp luật, lạm dụng rượu bia gây ra hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều người biết rõ hậu quả của việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia nhưng vẫn vô tư cầm lái. Để làm thay đổi hành vi của người sử dụng rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vấn đề đặt ra là phải làm thay đổi nhận thức của họ. Trong đó, việc “luật hóa” và tăng chế tài xử phạt đối với người vi phạm cũng là một trong những giải pháp để họ điều chỉnh hành vi và từng bước thay đổi nhận thức.
Từng có nhiều cuộc vận động, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, điều đó rất cần nhưng chưa đủ. Cái gốc của vấn đề là phải tăng cường kiểm soát bằng pháp luật và phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, để người tham gia giao thông khi nghĩ đến chế tài xử phạt nặng là không muốn, không dám vi phạm.
Từ nhiều năm trước, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về phòng chống, xử lý vi phạm nồng độ cồn với lái xe được xây dựng và triển khai trong thực tiễn. Từ Luật Giao thông đường bộ (năm 2008), Nghị quyết 88/NQ- CP ngày 23/8/2011 đến Nghị định 171/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2015); Nghị định 46/2016/NĐ- CP đều quy định mức xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt, Nghị định 100/2019/NĐ- CP đã tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở)…, đã có tác dụng răn đe, không ít lái xe trước khi cầm vô lăng đã không dám sử dụng rượu bia.
Với chế tài được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ- CP, không chỉ tăng mức xử phạt với những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà với cả lực lượng thi hành công vụ. Điều đó đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ, của toàn xã hội trong việc đẩy lùi tai nạn giao thông, nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của người tham gia giao thông.
Hy vọng, với những chế tài nghiêm khắc, chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến những chuyện thương tâm xuất phát từ những “ma men” cầm vô lăng.