Tiêu thụ rượu bia thay đổi theo quy định mới

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định: Việc áp dụng nghiêm Luật Phòng chống tác hại rượu bia và mức xử phạt tăng nặng theo Nghị định 100/CP sẽ gián tiếp khiến sản lượng tiêu thụ bia năm 2020 không đạt được mức tăng trưởng hai con số như năm 2019.

Chú thích ảnh
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ tăng cường lực lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TTXVN.

Theo SSI Research, năm 2019 khá suôn sẻ với ngành Kinh doanh bia, khi sản lượng bia tiêu thụ trong nước đạt 4,6 tỷ lít, tăng 10% so với năm 2018. Con số này tăng cao hơn so với mức tăng trưởng 2 năm qua (5 - 6%), do xu hướng người trẻ tuổi ở Việt Nam uống bia nhiều hơn.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1, một trong những quy định xuyên suốt Luật Phòng chống tác hại của rượu bia là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước, cùng với mức xử phạt người vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/CP tăng mạnh đã khiến nhiều người dân e ngại và có ý thức hơn khi dùng rượu, bia. 

Thực tế, từ đầu năm đến nay, không ít nhà hàng, quán bia, đại lý bán bia… đã phải đối mặt với tình trạng lượng khách sụt giảm mạnh 70 - 80% so với trước. Điều này khiến các nhà cung cấp thực phẩm… thất thu, doanh số giảm mạnh. Chủ quán bia nổi tiếng T.H có 10 cơ sở ở Hà Nội than thở: “Doanh số của từng cơ sở đã giảm 500 triệu đồng so với cùng kỳ tháng trước. Các điểm bán bia đều đang phải cố gắng xoay sở tiền lương, thưởng Tết cho nhân viên...”. 

Nghị định 100/CP còn khiến những đơn vị cung cấp thực phẩm “kêu trời” vì bị tác động dây chuyền. Do vắng khách, nên lượng thực phẩm như: Thịt bò, thịt lợn, gà, vịt, cá, rau… đều bị các nhà hàng cắt giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, hoàn toàn không phải câu chuyện cấm uống rượu bia, mà theo quy định mới, người dân phải thay đổi phong cách uống rượu bia. “Đối với các công ty, nhà hàng kinh doanh rượu bia, thời gian đầu sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng dần dần sẽ đi vào quỹ đạo phát triển ổn định. Cũng có những trường hợp người dân sẽ uống nhiều hơn, bởi họ đã lựa chọn di chuyển bằng phương tiện công cộng, thay vì uống ít để còn làm chủ tốc độ, tự lái xe về nhà. Các nhà hàng, quán nhậu cũng sẽ có những chiến lược giữ chân khách phù hợp”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Trước những câu hỏi về hiệu quả của Nghị định 100/CP, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Các lực lượng chức năng cần triển khai liên tục, nghiêm túc, cương quyết. Trước kia cũng có những Luật, quy định đi vào cuộc sống bị vấp phải nhiều ý kiến hoặc lúc đầu “ra quân” rầm rộ, sau thì nhạt dần. Bên cạnh xử lý nghiêm minh, thích đáng, lực lượng công an cần tiếp tục tuyên tuyền để xã hội hiểu rõ, dần thay đổi thói quen lái xe sau khi sử dụng bia rượu

Còn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Nghị định 100/CP có nhiều đột phá, khi tạo ra các giá trị tích cực nhiều hơn tiêu cực. Đơn cử, Nghị định đã tạo ra bước ngoặt trong nhận thức liên quan đến việc uống rượu, bia; giúp giảm bớt tai nạn giao thông và các hệ lụy; đồng thời cũng làm giảm sự tăng trưởng của ngành Rượu, bia, mặc dù ngành này đang đóng góp khá lớn cho ngân sách và tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Song, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp thay đổi chiến lược phát triển, như tăng cường sản xuất rượu, bia không có cồn hoặc độ cồn thấp hoặc phát triển ngành nước uống khác gắn với nông sản, tiềm năng lợi thế của Việt Nam...

Minh Phương/Báo Tin tức
Cảnh sát giao thông 'ghi điểm son' trong thực hiện Nghị định 100
Cảnh sát giao thông 'ghi điểm son' trong thực hiện Nghị định 100

Chiều 18/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm và chúc Tết tại Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN