Nghị định 100 khắc chế 'ma men'

Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm nồng độ cồn được thực thi từ ngày 1/1/2020 đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực từ xã hội.

Từ ngày 1 - 5/1, lực lượng chức năng cả nước đã xử phạt 1.518 người lái ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định trên. Trong số những lái xe vi phạm bị xử lý, nhiều người bị phạt với số tiền rất cao, ở mức 30 - 35 triệu đồng, góp phần chấn chỉnh tình trạng uống rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông trên địa bàn toàn quốc.

Mức phạt đủ sức răn đe "ma men"

Chú thích ảnh
Lực lượng cảnh sát liên ngành 141 kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn tại phố Trần Khát Chân (Hà Nội). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Những ngày đầu tháng 1/2020, tại một quán bia trên đường Tăng Bạt Hổ (Hà Nội), thưa vắng khách hơn nhiều so với trước đây. Buổi tối, tình trạng tương tự cũng diễn ra, chỉ khoảng 30% số bàn có khách ngồi ăn uống. Những con phố vốn "đông như nêm" sau mỗi giờ tan tầm như Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Thịnh (Hà Nội)... bỗng trở nên thưa vắng lạ thường kể từ khi mức phạt nồng độ cồn tăng lên.

Một chủ quán nhậu cho biết, hơn 1 tuần nay, lượng khách đã giảm đi đáng kể, chưa bao giờ quán rơi vào tình trạng này. Nhiều đơn vị, cá nhân đã đến đặt bàn, gọi món, nhưng ít ngày sau lại thông báo hủy kế hoạch ăn uống, khiến việc kinh doanh rất bấp bênh. Quán đang có kế hoạch bố trí 2 - 3 ô tô túc trực đưa khách về nhà nhằm ổn định tình hình kinh doanh.

Khác hẳn tâm lý lo lắng của chủ quán ăn nhậu, nhiều người vợ, người mẹ vui mừng ra mặt khi có quy định xử phạt nặng hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Chị Nguyễn Minh Nguyệt ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, những tháng trước, chồng chị thường rời cơ quan là đến quán bia với bạn bè để ăn nhậu, bàn chuyện làm ăn. Nhiều hôm mải vui về đến nhà say mềm người. Nhưng khoảng 1 tuần nay, hội bạn của anh ấy dù vẫn tụ tập nhưng đã không dám uống nhiều nữa, mỗi người chỉ uống 1 - 2 chai bia rồi về nhà, khiến mọi người trong gia đình rất vui.

"Là người vợ, người mẹ, tôi vẫn luôn mong quy định gắt gao này được duy trì. Khi đó mới có thể giảm sự đau khổ và mất mát cho những gia đình do bia rượu gây ra", chị Nguyễn Minh Nguyệt bày tỏ.

Là người ngoại tỉnh đến Hà Nội công tác, cuối năm, gia đình chị Nguyễn Hà Vân ở Cầu Giấy thường về quê đón Tết. Chị kể, những năm trước đến nhà ai chúc Tết cũng mời chén rượu, lon bia. Vì thế, mấy ngày Tết, chồng chị lúc nào cũng la đà trong men say, sức khỏe giảm sút do ăn uống thất thường, nồng độ cồn trong máu luôn ở mức cao. Mặc dù vậy, việc từ chối uống rượu bia rất khó. Cả năm xa quê, Tết gặp anh em, người thân mời cốc rượu mà từ chối lại bảo xem thường nhau nên cũng khó. Do cả nể, nhiều khi chồng chị say vẫn phải chở vợ con về nhà. Những lúc như vậy, ngồi sau xe máy mà lo ngay ngáy. Đã có lần quá chén, chồng chị bị ngã xe khi tham gia giao thông.

Chị Hà Vân nhìn nhận: "Với việc Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm nồng độ cồn được thực thi, hy vọng sẽ giảm được tình trạng "ma men" ngày Tết. Đồng thời, người điều khiển phương tiện dễ dàng từ chối rượu bia khi được mời uống, sẽ góp phần đáng kể giảm số vụ tai nạn giao thông xảy ra".

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông đội 4 kiểm tra nồng độ cồn tại phố Lạc Trung - Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong năm 2019 trên địa bàn đã xảy ra 1.272 vụ tai nạn giao thông làm chết 508 người, bị thương 847 người. So với năm 2018 giảm 92 vụ, giảm 36 người chết, giảm 69 người bị thương.

Hưởng ứng "Năm An toàn giao thông 2020" với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 263/KH - UBND, ngày 23/12/2019, về thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, với mục tiêu tiếp tục giảm 5% - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông.

Trước mắt, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020. Thành phố sẽ huy động tối đa các lực lượng chức năng hướng dẫn, phân luồng, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại các tuyến cửa ngõ, đường vành đai, vào nội đô, nhất là thời điểm trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020. Thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa.

Giảm tai nạn giao thông nhờ không bia rượu

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Hải Dương kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên tuyến quốc lộ 5 Hải Phòng - Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 1 - 5/1, lực lượng chức năng cả nước đã xử phạt 1.518 người lái ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong số những lái xe vi phạm bị xử lý, nhiều người bị phạt với số tiền rất cao, ở mức 30 - 35 triệu đồng. Hà Nội cũng là một trong những địa phương có kết quả xử lý cao so với toàn quốc.

Đánh giá về hiệu quả của việc thực thi Luật Phòng chống tác hại rượu, bia trên cả nước trong những ngày qua, theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, quy định cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo người dân, góp phần quan trọng giảm số vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc. Số liệu từ Cục Cảnh sát Giao thông chỉ ra, từ ngày 1 - 6/1, toàn quốc có 103 người chết do tai nạn giao thông, trung bình 17 người chết/ngày, thấp hơn 4 người so với con số 21 người chết/ngày do tai nạn giao thông trong năm 2019. Dù phải cần một thời gian nữa để đánh giá toàn diện hơn nhưng đây chính là hiệu quả thực sự của quy định này.

Tuy có những tín hiệu tích cực từ việc cấm rượu bia khi tham gia giao thông, song hiện nay tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên toàn quốc đã xuất hiện tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sĩ thi hành nhiệm vụ... Vì thế, nhiều người dân bày tỏ, quy định cấm như trên là tiến bộ, nhận được sự ủng hộ của xã hội, rất cần duy trì xử phạt nghiêm, một cách thường xuyên, chứ không nên làm theo kiểu phong trào như dẹp vỉa hè, sau thời gian ra quân "trống giong cờ mở", rồi đâu lại vào đấy.

"Ăn nhậu" đã ăn sâu vào đời sống, trong thời gian dài như một nét văn hóa của nhiều người, họ giải quyết nhiều vấn đề tại cuộc nhậu. Vì vậy, bên cạnh việc xử phạt nặng các "ma men" như hiện tại, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để người dân, nhất là thế hệ trẻ thoát khỏi sức ép rượu bia từ các mối quan hệ trong xã hội, tránh để lại hậu quả do chính rượu, bia gây ra.

Tuy nhiên, văn hóa tiệc và mời khách ăn tiệc cũng là một nét đẹp, nhưng việc lạm dụng quá mức, sử dụng rượu bia quá đà dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, để hài hòa giữ được nét đẹp đời thường, cuộc sống không bị quá xáo trộn, ngoài việc xử phạt để răn đe người vi phạm, cần nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, gia đình và cộng đồng xã hội.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Giải đáp nhiều băn khoăn về xử phạt uống rượu bia khi lái xe
Giải đáp nhiều băn khoăn về xử phạt uống rượu bia khi lái xe

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN