Tri ân người có công – Trách nhiệm và nghĩa tình

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng, thể hiện truyền thống quý báu, đạo lý“uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Chú thích ảnh
Tại Phiên họp thứ 6 của Ban chỉ đạo xoá nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, thân nhân, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 27/7/2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hiện cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong suốt những năm qua, kể từ năm 1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 27/7 là “Ngày Thương binh toàn quốc”, sau này trở thành “Ngày Thương binh – Liệt sỹ”, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Công tác chăm lo cho người có công với cách mạng giữ vị trí quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

Điều này thể hiện qua việc Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công. Các chủ trương, chính sách ngày càng được bổ sung hoàn thiện; nhằm góp phần cải thiện, dần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người có công với cách mạng và thân nhân. 

Trong đó, tháng 7/2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (năm 2020) nêu nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ phải bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Gần đây nhất, ngày 30/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 102/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chăm lo tốt đời sống người có công với cách mạng. Tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, phấn đấu từ 27/7/2025 không còn người có công nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát (sớm hơn thời gian hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc - ngày 31/8). 

Không chỉ thế, Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội đã vận động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Nhiều việc làm ý nghĩa như: Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, trao tặng nhà tình nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu neo đơn,… ngày một lan toả trong toàn xã hội.

Tại các địa phương, những năm qua, các cấp, các ngành cũng đã chủ động vận dụng linh hoạt các nguồn lực để thực hiện tốt việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công; hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí cho con cháu người có công. Đặc biệt, các hoạt động như: Xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ… được tích cực triển khai.

Mỗi năm, vào dịp 27/7, nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng được tổ chức rộng khắp trên cả nước như: Thăm hỏi, tặng quà, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức... tạo hiệu ứng lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức từ thiện cũng đồng hành trong các hoạt động tri ân như tài trợ xây nhà tình nghĩa, khám bệnh miễn phí, hỗ trợ học bổng cho con em gia đình chính sách.

Năm nay, hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, tại nhiều địa phương đã và đang diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Lợi (trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà gia đình người có công với cách mạng tại phường Đông Hưng Thuận. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Tại TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước cho 67.244 người có công với cách mạng với tổng số tiền 20,39 tỷ đồng. Tại TP Đà Nẵng, đến nay thành phố đã xây mới và sửa chữa 2.938 ngôi nhà trên tổng số 2.942 tổng số ngôi nhà tạm, nhà dột nát (đạt 99,86%) cho đối tượng là người có công và thân nhân liệt sỹ. Thành phố phấn đấu, đến trước trước dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) năm nay, toàn bộ số nhà trên sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trước đó, từ giữa tháng 6, tỉnh Thái Nguyên (cũ) cũng đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 136 hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ, về đích trước thời hạn Thủ tướng giao.

Việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đây cũng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. 

Điều đáng trân trọng là, ngày càng có nhiều địa phương và người dân chủ động hơn trong công tác chăm lo người có công. Ý thức tri ân đã trở thành một phần văn hóa cộng đồng, thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực. Những việc làm tưởng chừng nhỏ bé như đến thăm các thương binh, viếng nghĩa trang liệt sỹ, hay chỉ đơn giản là giữ gìn từng tấm bia ghi danh các anh hùng, đều thể hiện tấm lòng biết ơn và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh.

Chú thích ảnh
Nhà của bà Đoàn Thị Ánh Hồng, thương binh hạng 4/4, xã Đức Phú, thành phố Đà Nẵng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/ TTXVN

Để chăm lo tốt hơn cho người có công với cách mạng, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung dữ liệu người có công để đảm bảo không ai bị bỏ sót. Trong kỷ nguyên số, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết chế độ chính sách cũng sẽ góp phần để chính sách đến nhanh hơn với từng đối tượng. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác “đền ơn đáp nghĩa”, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và cá nhân. 

Đặc biệt, thường xuyên giáo dục truyền thống yêu nước và lòng biết ơn trong thế hệ trẻ thông qua các chương trình học đường, hoạt động ngoại khóa hay “hành trình về nguồn”. Hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp bước lý tưởng cách mạng của thế hệ cha anh, phát huy sức trẻ để học tập, lao động, cống hiến, sáng tạo, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Đây là cách tri ân thiết thực và lâu dài nhất đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập hôm nay.

Xuân Phong
Chăm lo cho người có công dịp 27/7
Chăm lo cho người có công dịp 27/7

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tặng quà của Chủ tịch nước cho 67.244 người có công với cách mạng với tổng số tiền 20,39 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN