Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó bổ sung nhiều chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển ngành đường sắt và khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư. Theo Nghị quyết Kỳ họp, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ chọn hình thức đầu tư, nhà đầu tư phù hợp với quy mô dự án. Ngoài phương án đầu tư công, hai hình thức mới được bổ sung là: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cho phép hợp tác Nhà nước - doanh nghiệp qua hợp đồng dự án và đầu tư kinh doanh, trong đó doanh nghiệp tự bỏ vốn để xây dựng, khai thác, thu lợi nhuận.
Đường sắt tốc độ cao Shinkansen là niềm tự hào của người dân Nhật Bản. Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN
Hiện đã có 4-5 tập đoàn, doanh nghiệp lớn đăng ký với Chính phủ được tham gia làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trong đó, riêng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed (Tập đoàn VinGroup) và Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tham gia đầu tư xây dựng, còn Liên minh đầu tư Mekolor (Việt Nam) & Great USA (Mỹ) đề xuất tham gia dự án theo hình thức đầu tư trực tiếp bằng vốn tự có, trong khi một số doanh nghiệp tư nhân khác muốn tham gia thi công, cung cấp vật liệu xây dựng, phát triển dịch vụ liên quan...
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là “cú hích” cho nền kinh tế. Do đó, quá trình thực hiện phải tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, chống lãng phí, “lợi ích nhóm”, “sân sau” và đảm bảo tiến độ đưa dự án vào khai thác. Thời gian qua, hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, năng lượng tái tạo, hầm xuyên núi… đã được các doanh nghiệp tư nhân triển khai và cán đích đúng tiến độ, chất lượng, thời gian, nên các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn đủ năng lực để đảm đương dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Vì vậy, có càng nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất làm dự án càng tốt...
Chính phủ kỳ vọng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ là khởi đầu cho sự hình thành ngành công nghiệp đường sắt hiện đại quốc gia, với hệ sinh thái đồng bộ trải dài từ Bắc vào Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, xây dựng năng lực để Việt Nam vừa làm chủ công nghệ đường sắt trong nước, vừa mang thương hiệu Việt ra thế giới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là công trình hạ tầng chiến lược, được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Dự án được Quốc hội thông qua áp dụng hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư sơ bộ 1,713 triệu tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), dự kiến chốt ngày khởi công vào tháng 12/2026 và tổ chức lễ động thổ trong năm 2025.
Rõ ràng, việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực tài chính, thời gian triển khai, mà còn mở ra cơ hội cho sự đổi mới, sáng tạo trong thiết kế, thi công và quản lý dự án. Doanh nghiệp tư nhân thường có tính linh hoạt cao hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân cũng tạo ra động lực cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho dự án.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần phải có những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn doanh nghiệp tư nhân phù hợp, nhất là về tiềm lực tài chính, năng lực thi công, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự và khả năng huy động vốn. Việc lựa chọn sai có thể dẫn đến chậm tiến độ thi công, chất lượng công trình không đảm bảo, thậm chí là thất thoát, lãng phí tài nguyên.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn trong thi công và kỹ thuật cũng là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Đường sắt tốc độ cao là công trình hạ tầng giao thông đặc thù, đòi hỏi tính chính xác, mức độ an toàn tuyệt đối. Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả, đặt an toàn của công trình và người dân lên cao nhất.
Một trong những lợi thế của doanh nghiệp tư nhân là khả năng tiếp cận công nghệ mới và hiện đại, do đó, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, Chính phủ nên khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến trong thiết kế, thi công, nhằm nâng cao hiệu suất, giúp giảm chi phí và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường; đồng thời, cần thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá liên tục tiến độ và chất lượng thi công dự án trong từng giai đoạn, nhằm phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn và xây dựng lòng tin của người dân vào dự án.
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Để đạt được mục tiêu thành công, việc lựa chọn doanh nghiệp đủ tài lực, năng lực bằng cơ chế giám sát chặt chẽ, cùng với sự đổi mới, sáng tạo trong công nghệ và quản lý... sẽ là yếu tố quyết định.