Huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hiện có trên 6000 ha cây sơn tra (táo mèo); trong đó, trên 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 3.000 tấn mỗi năm. Với những hiệu quả kinh tế mang lại nên nhiều năm qua cây sơn tra trở thành một cây trồng mũi nhọn trong kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên, cây sơn tra cũng rơi vào điệp khúc của ngành nông nghiệp đó là được mùa mất giá. Năm nay, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm sơn tra gặp rất nhiều khó khăn.
Vào thời điểm này của những năm trước khi sơn tra được giá bán và có mức tiêu thụ mạnh, khu vực rừng sản xuất trồng 185 ha cây sơn tra của người dân 3 bản Nậm Khắt, Hua Khắt và Làng Sang thuộc xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) luôn nhộn nhịp người ra, vào thu hái, bảo vệ diện tích sơn tra của gia đình. Nhưng, năm nay cả khu vực chuyên canh tác sơn tra này vắng không một bóng người đi thu hái, cánh cổng ngăn gia súc vào khu vực này cũng mở toang, những cây sơn tra quả chín vàng, sai trĩu cành mà chưa được thu hái, dưới tán nhiều cây quả chín rụng thối.
Chị Mùa Thị Sua nhà ở bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) cho biết, gia đình chị hiện có 1 ha, những năm trước đây với giá bán từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng 10 triệu đồng mỗi vụ, nhưng năm nay sơn tra giá quá rẻ chỉ bán được có 2.000 đồng/kg, loại ngon bán được 6.000 đồng/kg nên chị không đi hái để bán, quả chín rụng đầy gốc cây.
Nậm Khắt là một trong những xã trọng điểm về phát triển cây sơn tra của huyện Mù Cang Chải, hiện xã có trên 1.000 ha sơn tra; trong đó có 400 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng gần 650 tấn mỗi năm. Nếu chỉ cần tính giá bán trung bình 10.000 đồng/kg cũng mang về nguồn thu trên 6 tỷ đồng, một nguồn thu nhập khá lớn đối với người dân xã Nậm Khắt, giúp cho nhiều hộ dân trong xã thoát được nghèo. Không chỉ có vậy, cây sơn tra từ lâu đã trở thành cây đa mục tiêu vừa là rừng phòng hộ, vừa là rừng kinh tế. Năm nay sơn tra không bán được đồng nghĩa người dân mất đi nguồn thu nhập, cấp ủy chính quyền xã cũng vào cuộc, loay hoay đi tìm đầu ra tiêu thụ sơn tra cho người dân nhưng rất khó vì chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư vào địa bàn xã trong lĩnh vực thu mua, chế biến.
Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt Lý A Sử cho biết, mong muốn lớn nhất là nhận được sự quan tâm đầu tư một nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cây sơn tra để có đầu ra ổn định, tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân trồng sơn tra.
Đối với gia đình ông Sùng A Sàng ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải (Mù Cang Chải), sau hơn 20 năm trồng và phát triển cây sơn tra, gia đình ông hiện có trên 10 ha. Những năm trước đây khi sơn tra được giá, mỗi năm gia đình ông thu khoảng 500 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 đến 6 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng/người. Năm nay khi dịch COVID-19 bùng phát, giá sơn tra giảm chỉ bằng 1/4 so với những năm trước và việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn nên đã gây thiệt hại nặng nề cho gia đình ông Sàng và các hộ dân khác trong bản.
Được biết, vùng nguyên liệu cây sơn tra ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải với sản lượng ổn định cũng như chất lượng tốt nên đã được Công ty Đông dược Thế Gia ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) chuẩn bị ký kết hợp đồng liên kết chuỗi giá trị theo Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của tỉnh Yên Bái quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025 . Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, do chưa ký hợp đồng nên sản phẩm sơn tra của gia đình ông Sàng cùng nhiều hộ dân khác trong bản vẫn phải thu hái với mong muốn bán được đồng nào hay đồng đấy.
Ông Sùng A Sàng chia sẻ, dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn về khâu tiêu thụ và vận chuyển sơn tra nên chưa tìm ra phương án khả dĩ, giờ chỉ mong các cấp chính quyền quan tâm tìm được thị trường tiêu thụ, giới thiệu cho bà con để bán...
Theo, ông Sùng A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, huyện khuyến cáo bà con, trước mắt tạm thời không gia tăng diện tích trồng sơn tra. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn, giáp ranh với Mù Cang Chải đang xây dựng một cơ sở chế biến sâu các sản phẩm từ sơn tra của Công ty Đông dược Thế Gia với sản lượng tiêu thụ khoảng 2.000 tấn, dự kiến cuối năm nay đi vào hoạt động, huyện đã làm việc và liên kết với nhà tiêu thụ này. Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ với các nhà phân phối, bán hàng tại các trung tâm, thành phố, thành lập tổ hợp tác xã thu mua và chế biến sản phẩm sơn tra trên địa bàn huyện.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước tháo gỡ những khó khăn cho người trồng sơn tra trong việc tiêu thụ là việc làm cần thiết của huyện Mù Cang Chải. Những định hướng, giải pháp huyện đưa ra sẽ là tiền để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như giá trị cây sơn tra mang lại, tránh thiệt hại cho người dân trồng sơn tra trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải.