Để giải quyết vấn đề này, các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng, giúp người dân sớm xoay vòng sản xuất.
Trang trại nuôi gà của chị Nguyễn Thị Huyền (khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh) có hơn 10.000 con gà, bình quân mỗi ngày xuất bán hơn 8.000 quả trứng. Tuy nhiên, từ khi thành phố Vinh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg khiến việc xuất bán trứng hàng ngày của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ gia đình chị Huyền, nhiều hộ chăn nuôi gia trại khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Để giải quyết vấn đề này, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ phường Đông Vĩnh đứng ra đảm nhận việc kết nối tiêu thụ trứng cho các gia đình. Thông qua nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Hội đã kết nối với các cấp chính quyền, đơn vị trên địa bàn thành phố Vinh tiếp nhận thu mua để cung ứng cho người dân trong thời gian "ai ở đâu ở yên chỗ đó". Việc tập kết, thu mua, vận chuyển trứng đến các đơn vị tiếp nhận đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình phòng, chống dịch.
Chị Huyền chia sẻ, trước đây gia đình chủ yếu tiêu thụ trứng phục vụ các nhà hàng, quán ăn, trường học… tại trung tâm thành phố Vinh, nhưng bị ngừng trệ nhiều ngày do dịch bệnh. Nếu không có sự kết nối kịp thời của Hội Phụ nữ và Hội Nông dân phường Đông Vĩnh thì số lượng trứng hư hỏng phải đổ bỏ rất nhiều, gia đình không có nguồn vốn để xoay vòng, phát triển sản xuất.
Còn tại xã Nghi Liên, thành phố Vinh, mô hình trồng mướp sạch tại xóm Trung Liên đang bước vào thời điểm thu hoạch chính vụ với diện tích hơn 2 ha, mỗi ngày xuất bán hơn 1 tấn quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người dân không thể tiêu thụ.
Chính quyền xã Nghi Liên đã cùng tổ chức đoàn thể kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các bếp ăn Thiện nguyện, cung ứng cho tổ chức từ thiện hỗ trợ người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn thông qua Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các phường, xã trên địa bàn thành phố.
Chị Lê Thị Vân (xóm Trung Liên, xã Nghi Liên, thành phố Vinh) cho biết, với sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể nên gia đình đã tiêu thụ được gần 1 tấn mướp. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời này của các cấp chính quyền, mướp quá lứa, già không thể tiêu thụ thì nguy cơ đổ bỏ, thiệt hại kinh tế gia đình.
Không chỉ tại phường Đông Vĩnh và xã Nghi Liên mà các xã ngoại thành khác của thành phố Vinh như Nghi Đức, Nghi Ân, Hưng Chính, Hưng Hòa…, hàng trăm tấn nông sản cũng bị tồn đọng khi đến kỳ thu hoạch. Thành phố Vinh đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên các chợ đầu mối lớn và hệ thống chợ truyền thống tại đây cũng đóng cửa, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thu mua của hệ thống thương lái, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông và tiêu thụ lượng hàng nông sản lớn của người nông dân.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 24/8 đến nay, các tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn toàn thành phố Vinh đã giúp bà con nông dân tiêu thụ bình quân mỗi ngày hơn 15.000 quả trứng, hơn 1.000 con gà, vịt, gần 1 tấn thịt lợn, hơn 1,5 tấn rau xanh các loại. Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ giúp người dân vừa có thể duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống cho người dân giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bà Lương Thị Thanh Thúy, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vinh cho biết, Hội đã thành lập Trang thông tin riêng trên mạng xã hội để 25 phường, xã có thể trao đổi, kết nối việc cung ứng, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng đã phát huy tính tự lực tại chỗ, chuyển đổi phương thức liên kết và giao dịch để hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại thành phố Vinh và các huyện, thị lân cận, sự chủ động của địa phương, chung tay của các đoàn thể xã hội là điều rất quan trọng để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người dân. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần sẻ chia, chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; tăng thêm sức mạnh, niềm tin cho cuộc chiến chống dịch COVID-19.