Hỗ trợ doanh nghiệp
Bạc Liêu tiếp tục triển khai các giải pháp về phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ; đồng thời, tích cực đối thoại với doanh nghiệp, người dân, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 45/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển, phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp để chủ động triển khai ngay sau khi dịch cơ bản được kiểm soát.
Tỉnh đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh triển khai Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; đẩy mạnh việc giải quyết hoàn thuế theo quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, Bạc Liêu đẩy mạnh triển khai cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện cũng như triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao điểm số và thứ hạng về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI).
Đăc biệt, tỉnh cũng sớm thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và xúc tiến đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, góp phần cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu, tổng dư nợ đến cuối tháng 8/2021 đạt hơn 31.800 tỷ đồng, tăng 1.684 tỷ đồng và tăng gần 6% so với đầu năm; trong đó, nhiều chương trình tín dụng thế mạnh của tỉnh tiếp tục được các ngân hàng quan tâm đầu tư như: cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp hơn 14.445 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu trên 3.669 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 7.500 tỷ đồng…
Trong điều kiện sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng các chương trình cho vay đều tăng so với cùng kỳ với bình quân khoảng 5 – 6% và góp phần cho tăng trưởng tín dụng chung trong 8 tháng của năm 2021 tăng gần 6%. Đây là một thành tích đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp, khách hàng của các tổ chức tín dụng.
Thúc đẩy lưu thông tiêu thụ hàng hóa
Để giải quyết các khó khăn, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông – thủy sản theo hướng bền vững, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các phương án trong sản xuất - kinh doanh, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu nông sản – thủy sản thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng, đồng thời chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và đời sống Nhân dân.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lưu Hoàng Ly, Bạc Liêu đã kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng chống dịch COVID-19 đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý giá giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân và xem xét giảm giá điện sản xuất cho nông dân.
Bạc Liêu cũng kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đẩy mạnh liên kết vùng thông qua cung cấp đầu mối sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản; rà soát, lập danh sách các công ty, doanh nghiệp về nhu cầu nông sản thu mua, sản lượng thu mua... để phối hợp giữa các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Đồng thời, Bạc Liêu kiến nghị thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện vận chuyển lưu thông khi đáp ứng đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định chung; đặc biệt, về lâu dài cần có chính sách đầu tư phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt và nâng cao giá trị nông sản, nhất là giúp bảo quản được lâu trong những thời điểm khó tiêu thụ mà không làm giảm chất lượng hay hư hỏng…