Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và vận dụng sáng tạo bài học đoàn kết toàn dân trong chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết xây dựng quê hương, tạo diện mạo mới cho tỉnh miền núi vốn còn nhiều khó khăn này.
* Những đóng góp quan trọng
Trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, quân và dân Tuyên Quang đã chiến đấu 48 trận, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt hơn 1.300 tên địch, bắn chìm, phá hỏng 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay của địch… Tuyên Quang trở thành nỗi kinh hoàng của giặc Pháp với những trận đánh đã đi vào lịch sử. Chiến thắng Bình Ca (tỉnh Tuyên Quang) đánh dấu chuyển biến quan trọng về tình hình chiến cuộc, là chiến thắng mở đầu cho những chiến công vang dội trên mặt trận sông Lô như Chiến thắng cây số 7 (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), chiến thắng Đầm Hồng - Vật Nhèo (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang)… Các trận đánh liên tiếp trên sông Lô, sông Gâm, tuyến Quốc lộ 2 đã giáng cho thực dân Pháp những đòn chí tử, góp phần quan trọng đập tan cuộc tấn công đầy tham vọng của đội quân viễn chinh Pháp, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Tuyên Quang đã không tiếc sức người, tài sản để vận chuyển, bảo quản tài liệu, máy móc, hàng hóa và xây dựng kho tàng, nhà ở cho các cơ quan Trung ương. Nhân dân cũng đã tự nguyện nhường nhà cho cán bộ kháng chiến ở. Nhờ công sức của nhân dân, những tuyến đường giao thông quan trọng được nối liền, thông suốt trong vùng An toàn khu. Những chiến thắng ở Tuyên Quang đã góp phần đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc căn cứ địa Việt Bắc, trung tâm đầu não kháng chiến của cả nước và để lại những bài học rất quý báu đó là: Bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp; bài học về dự báo sát, đúng tình hình âm mưu, hành động của địch để đề ra chủ trương và chỉ đạo kịp thời, chính xác...
* Tạo "đột phá" trong phát triển
Những bài học đúc kết được từ thế trận chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã vận dụng sáng tạo bài học phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân vào xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nhờ vậy Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới, thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết: 70 năm đã trôi qua nhưng Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm xưa vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm xưa vào xây dựng quê hương. Điển hình như việc thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn với cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, kinh phí vận chuyển, nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, vật liệu, tổ chức thi công giám sát… Nhờ có sự đồng lòng của chính quyền và người dân nên sau hơn 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã huy động được trên 1.550 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 48%, nhân dân đóng góp 52%) để bê tông hóa trên 2.700km đường giao thông nông thôn. Người dân cũng đã tự nguyện hiến trên 41.847 m2 đất để làm đường, góp phần tạo diện mạo mới cho các vùng nôn thôn của địa phương...
Tỉnh cũng đẩy mạnh phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân. Đến nay đã có 23 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tiêu chí bình quân đạt lên 12 tiêu chí/xã. Để phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa; chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trên 8.700 ha chè, trên 11.000 ha mía nguyên liệu và trên 8.200 ha cây ăn quả… đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Cùng với phát huy nội lực, tỉnh Tuyên Quang luôn coi trọng thu hút đầu tư từ bên ngoài. Tỉnh đã mời gọi được các nhà đầu tư lớn thực hiện dự án theo định hướng phát triển kinh tế như: Tập đoàn Dabaco đầu tư Dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm; Công ty cổ phần Woodsland đầu tư Dự án cụm công nghiệp chế biến gỗ Tuyên Quang; Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại Vincom Tuyên Quang và Dự án Vinpearl Tuyên Quang; Tập đoàn Mường Thanh xây dựng Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang với tiêu chuẩn 4 sao…
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết thêm: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt đến năm 2020, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, Tuyên Quang sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá là: Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực (chè, mía, cam, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản); khai thác tiềm năng để phát triển du lịch… Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 2.400 USD; trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách Nhà nước đạt 2.300 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, trong đó đào tạo nghề trên 37%; tạo việc làm cho trên 100.000 lao động; tỷ lệ che phủ rừng trên 60%.../.