Do đó, chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn đã phần nào sẻ chia gánh nặng về kinh tế, giúp bà con có được cơ hội chăm sóc sức khỏe để vươn lên ổn định cuộc sống.
Huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn Ia Pa có đến hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội huyện Ia Pa đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho gần 30.000 lượt người với số tiền hơn 5,3 tỷ đồng; trong đó hơn 26.000 lượt người điều trị ngoại trú và gần 2.500 lượt người điều trị nội trú. Điều trị bệnh tim tái phát tại Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, bệnh nhân Ksor H’Ôn trú tại thôn Hlin1, xã Ia Mrơn vui mừng cho biết, bệnh tim đã dần ổn định. “Gia đình em rất khó khăn, vào đây điều trị bệnh được các bác sỹ tận tình chăm sóc, viện phí, thuốc men được cấp miễn phí nên em đỡ lo nhiều lắm”, Ksor H’Ôn chia sẻ.
Không chỉ thuận lợi trong việc khám và điều trị bệnh ban đầu ngay tại cơ sở, bệnh nhân chẳng may lâm bệnh nặng cần chuyển tuyến gấp không cần thực hiện thủ tục chuyển viện. Điều này giúp người bệnh giảm tối đa thủ tục hành chính và kịp thời được tiếp cận với kỹ thuật chữa trị hiện đại, tạo được niềm tin trong nhân dân. Ông Huỳnh Ngọc Thiên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa cho biết: Đa phần bệnh nhân đến khám chữa bệnh đều là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Để chia sẻ khó khăn, đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ của Trung tâm và các cơ sở y tế luôn ý thức cao việc nỗ lực, cố gắng điều trị và chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Việc phối hợp thanh quyết toán giữa các cơ sở y tế và Bảo hiểm xã hội rất kịp thời, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, điều trị bệnh của nhân dân.
Để chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền đến tận cơ sở bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp nên người dân ngày càng nhận thức đầy đủ về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh Gia Lai đạt trên 99% với gần 1.280.000 người tham gia; trong đó hơn 825.000 đối tượng được cấp miễn phí, gần 478.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 1.270.000 lượt người đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh; trong đó gần 1.120.000 lượt người điều trị ngoại trú, hơn 150.000 lượt người điều trị nội trú với tổng số tiền hơn 560 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai Lê Quốc Khánh, để chính sách bảo hiểm y tế kịp thời đến với tất cả người dân vùng sâu, vùng xa, cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội các địa phương trực tiếp xuống tận các thôn, làng lập danh sách, rà soát đối tượng để nắm bắt thực tế và kịp thời bổ sung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho những hộ chưa được cấp, tránh những thiếu sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Hiện nay, mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh đều rất thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thẻ bảo hiểm bị sai kiểu chữ do ký hiệu chữ viết của người bản địa có dấu đặc biệt nên khi nhập máy không trùng khớp với chứng minh nhân dân. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những trường hợp này, Bảo hiểm xã hội kịp thời cấp thẻ ngay trong ngày theo kiểu chữ Tây Nguyên, ông Khánh cho biết thêm.
Chính sách cấp miễn phí bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của cả nước. Chính sách mở ra cơ hội cho đồng bào nghèo được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xâu, vùng xa.