Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân - Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung phát triển cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước. Từ khi Chỉ thị 40-CT/TW (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng các cấp từ Trung ương tới địa phương luôn quan tâm, huy động các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của đồng bào. Đây là một chủ trương đúng chuyển từ cấp phát "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện thông qua tín dụng chính sách.

Chú thích ảnh
Chị Hứa Thị Thanh, thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan
sử dụng vốn vay phát triển chăn nuôi. Ảnh: baolangson.vn

Chị Hứa Thị Thanh ở thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, năm 2009 chị lập gia đình, được bố mẹ chồng chia cho 2 sào ruộng và ra ở riêng, sống trong ngôi nhà tạm, dột nát. Thiếu đất sản xuất lại không có việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình chị Thanh khi ấy rất khó khăn. 

"Ban đầu tôi không dám nghĩ đến vay vốn vì thú thật tài sản của gia đình chỉ có ngôi nhà tạm, cơm còn không đủ ăn. Bản thân tôi nghĩ vay tiền rồi biết làm gì, rồi lấy lãi đâu mà trả ngân hàng", chị Thanh chia sẻ.

Được sự động viên và tư vấn của cấp uỷ, chính quyền thôn, năm 2010 vợ chồng chị Thanh làm hồ sơ vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Với số vốn ấy chị Thanh mua 1 con trâu và một con lợn nái. Nhưng do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên cả lợn và trâu đều lớn chậm, bán thì không được giá.

Khó khăn nhưng chị Thanh không nản chí, năm 2014 chị Thanh tiếp tục vay 8 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số để mua thêm 1 con bò. Đến năm 2015, sau khi trả hết nợ cũ, chị Thanh vay tiếp 50 triệu đồng mua thêm 2 con lợn nái và 2 con trâu.

"Vừa làm tôi vừa học hỏi kinh nghiệm nên đàn lợn phát triển ổn định. Vậy là công sức mình bỏ ra đã được đền đáp, gia đình tôi có những đồng tiền đầu tiên từ chăn nuôi", chị Thanh nói.

Nhờ sự chăm chỉ học hỏi và chịu khó làm ăn, đến nay gia đình chị Thanh đã có được ngôi nhà khang trang, thu nhập ổn định và không còn trong diện hộ nghèo.

Chị Thanh chia sẻ đầy tâm huyết: "Với thực tế sử dụng vốn vay của gia đình trong những năm qua, tôi nhận thấy các chương trình vay vốn để phát triển kinh tế tại Ngân hàng Chính sách Xã hội rất phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt đối với những hộ là người dân tộc thiểu số sống tại vùng sâu, vùng xa như chúng tôi, cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào ruộng nên rất thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã và đang góp phần giúp nhiều gia đình nghèo như gia đình tôi vơi đi nhiều khó khăn trong cuộc sống."

"Qua kinh nghiệm của bản thân tôi nhận thấy muốn vươn lên thoát nghèo thì cần thay đổi cách nghĩ. Hộ nghèo không nên ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ cho không. Muốn thoát nghèo bền vững phải biết phát triển kinh tế gia đình", chị Thanh cho biết thêm.

Giống như chị Hứa Thị Thanh, chị Hồ Thị Danh, ở thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã 4 lần được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và đã thoát nghèo. Chị Danh chia sẻ, nếu không có vốn làm ăn, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 2010, chị Danh bắt đầu được tiếp xúc với vốn chính sách. Với 10 triệu đồng được vay chị Danh cùng chồng đầu tư trồng keo.

Năm 2011 chị Danh tiếp tục vay thêm 15 triệu đồng trồng thêm keo. Sau 4 năm vườn keo đã cho thu hoạch, chị Danh trả hết nợ và năm 2018 gia đình chị tiếp tục vay trồng keo và nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị Danh đã có cơ ngơi khang trang, đàn lợn của gia đình hiện có khoảng 30 con.

Bà Huỳnh Thị Thuỳ Dung, Bí thư huyện uỷ Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam khẳng định, từ khi có các chương trình vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội và đặc biệt là Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, người dân được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Điều đáng nói hơn cả là nhờ có chương trình này đã khắc phục được tính ỷ lại, trông chờ vào trợ cấp của nhiều hộ dân tộc thiểu số.

"Nguồn vốn này đã giúp nâng cao tính tự giác của người dân. Với ý thức vay là phải trả, nhiều hộ dân sau khi được hỗ trợ vốn đã chăm chỉ làm ăn, không còn ỷ lại như trước đây. Nhờ đó, đời sống bà con đã khá hơn, bộ mặt nông thôn mới thay đổi từng ngày", bà Huỳnh Thị Thuỳ Dung nói.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, với dân số chiếm hơn 14% dân số cả nước, hiện dư nợ của đồng bào dân tộc thiểu số tại Ngân hàng Chính sách Xã hội chiếm tỷ lệ trên 24% tổng dư nợ. Đã có trên 1,4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách, chiếm tỷ lệ 46% trên tổng số 3,04 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc.

Như vậy, vốn chính sách đã "phủ sóng" tới gần một nửa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn này đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ sợ vay, không dám vay đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả; đồng thời giải quyết những vấn đề căn bản, giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Vốn chính sách cũng đã góp phần tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo, ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Bài cuối: Chắp cánh cho giấc mơ khởi nghiệp

Đỗ Huyền (TTXVN)
Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân - Bài cuối: Chắp cánh cho giấc mơ khởi nghiệp
Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân - Bài cuối: Chắp cánh cho giấc mơ khởi nghiệp

Vườn dưa của anh Lê Xuân Cường ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá đang hứa hẹn một mùa vàng. Chàng trai trẻ dù bận rộn bên vườn dưa nhưng vẫn không quên nhắc đến nguồn vốn chính sách xã hội đã hỗ trợ anh suốt quá trình học Đại học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN