Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5: Những chiến sĩ tuyến đầu trong đại dịch COVID-19

Điều dưỡng được đánh giá là một trong những lực lượng quan trọng trong sự phát triển của ngành Y tế và không thể tách rời, chiếm tới 70% lực lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Chú thích ảnh
Đội ngũ điều dưỡng cùng các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế nỗ lực chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, hộ sinh, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Lực lượng điều dưỡng đã can đảm và chuyên nghiệp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm.

Theo Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, điều đưỡng không phải là nghề trợ giúp bác sĩ mà là nghề trợ giúp người bệnh. Thiên chức nghề điều dưỡng là chăm sóc người bệnh. Công việc của điều dưỡng có phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với thực hiện chỉ định bác sĩ.

Dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người điều dưỡng, hộ sinh. Tại các bệnh viện, điều dưỡng đang tiến tới chăm sóc người bệnh, để người bệnh được thừa hưởng các dịch vụ tốt nhất do điều dưỡng cung cấp.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống COVID-19, hàng ngàn điều dưỡng đã can đảm và chuyên nghiệp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động như: sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh COVID-19.

Nhiều điều dưỡng, hộ sinh đã không có ngày nghỉ, phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục, miệt mài tham gia vào tuyến đầu trong trong phòng chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế cổ vũ tinh thần, lan toả thông điệp chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

"Những người điều dưỡng luôn có mặt ở tất cả mọi mặt trận, mọi tuyến, ngày đêm ở bên để theo dõi, chăm sóc cho những người bệnh nặng, người bệnh nguy kịch trong các phòng bệnh đã nói lên sự vất vả, sự nguy hiểm nhưng cũng đầy trách nhiệm với nghề nghiệp, với người bệnh cùng các thầy thuốc giành giật lại sự sống cho từng người bệnh", Thạc sĩ Phạm Đức Mục chia sẻ.

Đánh giá về vai trò của điều dưỡng trong sự phát triển của ngành Y tế và đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định: "Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta, đặc biệt trong giai đoạn thứ 4, chúng ta đã thấy nhiều tấm gương về những điều dưỡng nỗ lực, làm việc hết mình, họ xa gia đình, con thơ nhiều ngày, gác lại niềm riêng để vào tâm dịch phục vụ người bệnh tại những bệnh viện điều trị COVID-19. Sự miệt mài, tận tâm, tận lực cống hiến của những người thầy thuốc, của lực lượng điều dưỡng đó đã góp phần đẩy lùi đại dịch".

Chú thích ảnh
Điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế tận tình chăm sóc sức khoẻ người bệnh mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng tăng cao đòi hỏi nguồn nhân lực điều dưỡng đảm bảo cả số lượng và chất lượng. Đây vừa là thách thức đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực này. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ của người dân, công tác đào tạo và phát triển điều dưỡng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được chú trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 
 
Thạc sĩ Phạm Đức Mục cho biết, hiện cả nước có hơn 140.000 điều dưỡng/hộ sinh - chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất, là xương sống của ngành y tế. Tỷ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân ở Việt Nam hiện nay là 11,4, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. 

Để tiến tới tỷ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân, Việt Nam cần thêm lượng điều dưỡng viên gấp 2, 3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có. Hội Điều dưỡng Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu 25 điều dưỡng/10 nghìn dân vào năm 2025.

TTXVN/Báo Tin tức
Lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng
Lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1998/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN