Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, tính đến 12 giờ ngày 3/5, số ca bệnh liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm đã lên tới 487 ca, trong đó có 19 ca đã được xuất viện, 2 ca tiến triển nặng, số bệnh nhân còn lại sức khỏe đang dần hồi phục, giảm bớt những triệu chứng nghi ngộ độc. Sau khi ghi nhận sự việc, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã xuống cơ sở bánh mì Băng - nơi các bệnh nhân đã mua bánh mì ăn trước đó để điều tra.
Kết quả cho thấy, tiệm bánh mì Băng bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan lợn, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt lợn, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm: nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương) phục vụ khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt/ngày.
Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng bánh mì Băng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Khánh Băng sử dụng giấy phép kinh doanh số 47F8015434 cấp ngày 27/9/2021 do Phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND thành phố Long Khánh) cấp cho bà Nguyễn Thị Ngọc Phương làm chủ hộ kinh doanh (bà Phương là con ruột của bà Nguyễn Thị Khánh Băng, đã đi nước ngoài từ tháng 2/2023).
Ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai cho biết, qua điều tra cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân từ 4 - 8 giờ. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, nôn ói. Tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe.
Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp điều tra nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Long nhận định sau khi sự cố xảy ra, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Y tế và thành phố Long Khánh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý, cứu chữa cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh, việc điều tra, tìm cách xử lý là cần thiết nhưng quan trọng nhất là cứu chữa bệnh nhân; bằng mọi giá tập trung nguồn lực cứu chữa các bệnh nhân nặng, đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh huy động y bác sĩ, bổ sung thuốc men điều trị cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, nhất là trong điều kiện bệnh viện phải mở thêm đơn vị cấp cứu do quá tải.
Nhận định số lượng bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng thêm, ông Nguyễn Hùng Long đề nghị Sở Y tế Đồng Nai cảnh báo người dân đã ăn bánh mì của cửa hàng Băng trong hai ngày 30/4 và 1/5 nếu có triệu chứng thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời; tránh tình trạng trở nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.
Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tới thăm hỏi, động viên các bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.